
Các đại biểu bấm nút phát động phong trào “Bình dân học vụ số”.
Ngày 15/5, Ban Chỉ đạo về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình tổ chức Ngày hội Chuyển đổi số và Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” năm 2025.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nêu rõ, đối với Hòa Bình, việc triển khai chuyển đổi số rất quan trọng. Tỉnh đang phát triển và thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, đòi hỏi cán bộ, người dân ứng dụng chuyển đổi số vào đời sống và sản xuất, bắt nhịp với xu hướng phát triển. Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Phong trào "Bình dân học vụ số" cần được triển khai thường xuyên, liên tục, đi vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ người dân.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, phát biểu tại buổi lễ.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Để cụ thể hóa, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, tổ chức tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức về chuyển đổi số. Các đơn vị, địa phương triển khai các lớp học, khóa học trực tuyến, phổ cập kiến thức số trên nền tảng phù hợp, dễ tiếp cận với mọi đối tượng, kết hợp với lớp học trực tiếp, giúp người dân dễ dàng tiếp cận tri thức số. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, người lớn tuổi, người lao động tự do để họ có thể ứng dụng công nghệ vào công việc và cuộc sống.

Các thành viên "Bình dân học vụ số" đến cơ sở hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số.
Năm 2024, tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của Hòa Bình đạt 40%, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) xếp thứ 44 trên cả nước. Hạ tầng số với 100% số xã được đầu tư hạ tầng Internet băng rộng cáp quang, tỷ lệ phủ sóng di động 4G theo diện tích và khu dân cư đạt trên 96%.
Các nền tảng số, hệ thống ứng dụng dùng chung của Hòa Bình được đưa vào vận hành, sử dụng ở cả 3 cấp, góp phần thay đổi phong cách làm việc của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính nhà nước. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt trên 85%, kết quả đánh giá chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp các năm thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Chỉ số chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình xếp hạng thứ 42 cả nước./.