Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 30km về phía Đông Bắc, Công viên đá nằm bên bờ biển Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Nơi đây đang nhanh chóng trở thành một điểm đến đầy sức hút, níu chân những du khách yêu thiên nhiên hoang dã và say mê khám phá những điều kỳ diệu.

Để khám phá Công viên đá độc đáo, từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, du khách di chuyển theo Tỉnh lộ DT702, khi đến gần khu vực cổng chào xã nông thôn mới Vĩnh Hải rẽ phải theo bảng chỉ dẫn vào công viên đá. Sau đó, tiếp tục đi khoảng 3 km trên con đường xuyên qua khu rừng cây bụi thấp tầng đặc trưng của vùng khí hậu khô nóng. Vừa nghe thấy âm thanh sóng biển vọng lại, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một không gian choáng ngợp chỉ toàn đá và đá.
Trải rộng trên diện tích khoảng 5ha, hàng vạn khối đá với đủ kích thước, hình dạng, màu sắc, được hình thành qua quá trình phong hóa kéo dài hàng triệu năm xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, hướng mặt ra phía biển Đông xanh thẳm, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa nên thơ.

Công viên đá được ví như "bộ sưu tập đá" độc đáo do bàn tay tài hoa của tạo hóa sắp đặt, kích thích trí tưởng tượng phong phú của bất kỳ ai đặt chân đến. Du khách có thể ngạc nhiên khi bắt gặp những khối đá sóng đôi như tình nhân, những hình thù sống động gợi nhớ động vật như chim, voi, hay thậm chí là khủng long, cùng nhiều dấu ấn kỳ lạ khác như bàn chân khổng lồ, bình trà, chiếc ghế ngồi,... Đứng trên những tảng đá lớn, lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rào dưới chân mang lại cảm giác tự do, thư thái và hòa mình trọn vẹn vào thiên nhiên nguyên sơ. Phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh biển khơi với những con tàu đánh cá lướt nhẹ trên mặt nước.
Nơi đây đang là địa điểm lý tưởng để chụp hình, cắm trại, tổ chức các buổi dã ngoại và đặc biệt ngắm bình minh hay hoàng hôn tuyệt đẹp trên biển. Chia sẻ về trải nghiệm của mình, chị Nguyễn Thị Ly, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự hào hứng: Đây là lần đầu tiên nhóm của chị đến Công viên đá. Những khối đá to, đẹp, có nhiều hình hài đặc biệt hơn so với nhiều chỗ chị đã đi. Chúng tạo cho chị cảm giác rất đồ sộ và vẫn còn rất là tự nhiên, hoang sơ. Không khí biển ở đây trong lành, bình minh trên biển rất đẹp.

Với một bên là rừng, một bên là biển xanh, Công viên đá là bối cảnh tuyệt vời cho các nhiếp ảnh gia thỏa sức sáng tạo và các đôi bạn trẻ ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ qua những bộ ảnh cưới ấn tượng. Anh Châu Đức Tài, một nhiếp ảnh gia tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, anh thường xuyên dẫn khách đến đây để chụp ảnh. "Như hôm nay tôi dẫn cặp đôi từ miền Tây đến đây để chụp ảnh cưới. Khung cảnh độc đáo của Công viên đá thực sự là một phông nền tuyệt vời cho những bức ảnh kỷ niệm giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ diệu của Ninh Thuận”, anh Tài chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường (Vườn quốc gia Núi Chúa) cho biết: Điểm nổi bật của công viên đá là sự thể hiện rõ nét hệ sinh thái rừng khô hạn núi đá ven biển điển hình của Vườn quốc gia. Du khách đến đây rất thích thú với vẻ hoang sơ và sự độc đáo của các loài thực vật thích nghi với khí hậu nắng nóng. Thời gian tới, Vườn quốc gia Núi Chúa sẽ tập trung khai thác hoạt động du lịch sinh thái trải nghiệm tại công viên đá, kết hợp với các tour, tuyến tham quan khác. Đồng thời, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, lắp đặt bảng hướng dẫn, tạo điểm check-in và cung cấp thông tin đa dạng sinh học khu vực để phục vụ du khách tốt hơn.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa có tổng diện tích trên 106.646ha, trong đó vùng lõi rộng 15.752ha, đặt dưới sự quản lý của Vườn Quốc gia Núi Chúa. Theo các nhà khoa học, nơi đây được xem là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Hệ sinh thái ở khu vực này có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites - thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất.
Nguyễn Thành