50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân La Gi (Bình Thuận) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng quê hương với những bước tiến dài trên chặng đường phát triển, đạt nhiều kết quả về kinh tế - xã hội.

Vùng đất lịch sử hào hùng
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, La Gi là một trong những vị trí xung yếu của vùng chiến lược quân sự giữa 2 khu vực miền Đông Nam Bộ và các tỉnh khu V; là cửa ngõ của Sài Gòn, trung tâm tỉnh Bình Tuy - nơi tập trung bộ máy đầu não của chính quyền đế quốc Mỹ - Ngụy. Vì vậy, chính quyền Mỹ - Ngụy xây dựng mạng lưới tay sai đắc lực và phản động từ tỉnh đến quận, xã, ấp. Trong quá trình thực hiện các chiến lược chống phá cách mạng, địch đều đặt Bình Tuy nói chung và La Gi nói riêng là nơi thực hiện thí điểm. Do đó, quân và dân La Gi luôn phải đối mặt với sự khủng bố, đánh phá quyết liệt của địch. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân thị xã La Gi phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, “tự lực tự cường chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang” cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước không ngừng đấu tranh, đánh bại âm mưu của địch, từng bước giành thắng lợi, tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương.
Sau Hiệp định Pari 1973, thực hiện đường lối chiến lược của Đảng và nhiệm vụ của Tỉnh ủy Bình Tuy, quân và dân thị xã La Gi không ngừng củng cố thực lực cách mạng, tăng cường mở rộng hoạt động vũ trang, đẩy mạnh các phong trào quần chúng đấu tranh chính trị khiến địch lâm vào thế co cụm, bị động, góp phần cùng quân và dân trong tỉnh, cả nước chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.
Hòa vào khí thế tiến công của quân và dân cả nước, trong những ngày tháng 4/1975 của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với phương châm "Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương", quân và dân La Gi được sự phối hợp hỗ trợ của lực lượng của tỉnh, Trung ương với ý chí và quyết tâm cao nhất vùng lên giải phóng hoàn toàn quê hương. Ngày 17-18/4/1975, bộ đội địa phương cùng các đội công tác vũ trang giải phóng từ cây số 26 đến 63 nối liền Phan Thiết - La Gi.

Ngày 19/4/1975, Phan Thiết được giải phóng đã tạo thêm thế và lực mới cho cuộc tiến công và nổi dậy ở Bình Tuy. Ngày 21/4/1975, bộ đội địa phương đánh chiếm ấp Đông Hà và đánh địch ở cầu Láng Gòn. Sáng 22/4/1975, quân ta áp sát sân bay Phước Thành, pháo kích phá hủy 1 máy bay và đánh địch tại sân bay, tạo bàn đạp để bộ đội chủ lực tiến công vào giải phóng tỉnh lỵ Bình Tuy. Cùng thời gian này, bộ đội địa phương và các đội công tác bám sát các ấp từ Hiệp Nghĩa đến Hiệp An (Bàu Dòi) vận động nhân dân chuẩn bị nổi dậy giải phóng địa phương.
Đêm 22/4/1975 tại sở chỉ huy chùa Bửu Hùng (Tân Thuận), lực lượng quân ta gồm: đơn vị 460, Đội vũ trang công tác Tân Thuận và cán bộ cơ quan địa phương tổ chức cuộc tấn công và nổi dậy chiếm quận lỵ và chi khu Hàm Tân (nay là xã Tân Hải); đồng thời kêu gọi nhân dân cùng lực lượng nổi dậy giải phóng xã, ấp. Rạng sáng 23/4/1975, quân ta làm chủ hoàn toàn các cơ quan đầu não của ngụy quyền và chính thức giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Tuy. Đây là tỉnh cuối cùng của Quân khu 6 và là tỉnh thứ 21 được giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cuộc tiến công, nổi dậy ở thị xã La Gi đã thể hiện được sự nhạy bén, chớp lấy thời cơ của quân và dân ta; đồng thời thể hiện sự kết hợp chặt chẽ 3 mũi tiến công tại chỗ, thực hiện tiến công kết hợp với nổi dậy, nổi dậy để tiến công. Kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của nhân dân thị xã La Gi nói riêng và cả nước nói chung, quân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh nhất trong thế kỷ XX, giành độc lập cho Tổ quốc.
Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Phát huy truyền thống anh dũng, ý chí tự lực tự cường trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ và nhân dân thị xã bước vào cuộc chiến đấu mới, xóa đói nghèo, lạc hậu, bảo vệ thành quả cách mạng bằng tất cả ý chí và nghị lực mới. 50 năm đã trôi qua, nhớ lại những ngày đầu chiến tranh kết thúc, Đảng bộ và nhân dân đã tập trung công sức, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Đến nay, tiếp tục hưởng ứng và thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, các cấp, ngành, nhân dân thị xã đã khắc phục khó khăn phát huy nội lực, thu hút ngoại lực, xây dựng thị xã không ngừng phát triển trên tất cả lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, bộ mặt đô thị nhiều khởi sắc.

Ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho biết, với thời gian tròn nửa thế kỷ kể từ ngày giải phóng quê hương, La Gi đã hòa mình cùng cả nước với khí thế tưng bừng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển. Trên chặng đường mới, là một đô thị loại III từ năm 2018, La Gi trở thành thị xã thứ 2 của tỉnh Bình Thuận vừa đứng trước những thách thức, khó khăn vừa tự hào về sứ mệnh xây dựng và phát triển, đáp ứng với xu thể đổi mới trong thời kỳ mới.
Nhìn lại chặng đường 20 năm thành lập, thị xã La Gi không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu để xứng tầm là một đô thị thương mại - dịch vụ - du lịch phía Nam của tỉnh; đồng thời là địa bàn kinh tế trọng điểm của miền Đông Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã và sự đóng góp, nhiệt huyết của nhân dân đã từng bước làm nên một diện mạo mới, giàu sức sống của địa phương.

Theo ông Phạm Trọng Nhân, từ một địa phương sản xuất tự cấp tự túc, phương thức sản xuất lạc hậu, hiệu quả và năng suất thấp, đến nay, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thị xã La Gi đã phấn đấu không ngừng đưa nền kinh tế ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc. Năm 2024, tổng thu ngân sách là 407 tỷ đồng, đạt 213% dự toán giao, cao nhất từ trước đến nay của thị xã, góp phần bổ sung nguồn lực đầu tư công. Trong đó, vốn đầu tư công thị xã cao hơn so với nguồn vốn của tỉnh, từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và dẫn dắt đầu tư tư. Giá trị sản xuất công nghiệp là 1,831 tỷ đồng, đạt 105,16%; kim ngạch xuất khẩu 189 tỷ đồng, đạt 124%... Nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả thuyết phục; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 70,35 triệu đồng/người/năm đáp ứng được mức sống cơ bản của người dân.
Dịch vụ du lịch đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của thị xã (chiếm 50%). Nơi đây có nhiều bãi biển đẹp và di tích nổi tiếng như: Dốc Ông Bằng, Hòn Bà, đập đá Dựng... thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Đến nay, thị xã đã thu hút hơn 100 dự án đầu tư ở một số lĩnh vực du lịch và công nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 5.500 tỷ đồng. Hệ thống y tế cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện. Hầu hết các trường học xã được xây dựng với quy mô lớn, đúng quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập thị xã La Gi (5/9/2005 - 5/9/2025) có ý nghĩa đánh giá một quá trình thúc đẩy, tạo động lực, quyết đoán, đột phá để chuyển dịch một số lĩnh vực trọng tâm về kinh tế - xã hội đã đạt được với hiệu quả tích cực. Đây cũng là dấu mốc ấn tượng trên chặng đường sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/42025), giải phóng quê hương La Gi mở ra trang sử mới, hòa bình và phát triển. Diện mạo mới của thị xã La Gi ngày nay với hành trang là hệ thống quy hoạch hoàn chỉnh làm cơ sở quản lý và thu hút đầu tư phát triển đã khẳng định sự thành công của tinh thần, ý chỉ nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế.
Nguyễn Thanh