Tại các xã miền núi của tỉnh Cao Bằng, nhiều hộ dân đã có thêm nguồn thu nhập ổn định nhờ chuyển đổi một số diện tích đất canh tác sang trồng cây gai xanh. Việc phát triển vùng trồng loại cây gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tạo nhiều triển vọng cho người nông dân vùng sâu vùng xa.

Từ năm 2024, gia đình ông Nông Văn Vĩnh (xã Lê Lợi, huyện Thạch An) đã mạnh dạn chuyển đổi 3.000 m2 đất bạc màu trồng ngô sang trồng thử loại cây gai xanh. Chỉ một thời gian ngắn, trong vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình ông Vĩnh đã cho thu hoach gần 1 tấn, đem về thu nhập hơn 30 triệu đồng.
Sau hiệu quả ban đầu, năm 2025, ông Vĩnh quyết định mở rộng thêm diện tích lên gần 1 ha, đến nay cây phát triển tốt. Dự kiến, vụ năm nay sau thu hoạch sẽ đem lại cho gia đình hơn 100 triệu đồng.
Ông Nông Văn Vĩnh chia sẻ, những năm trước đây, gia đình ông trồng nhiều loại cây như ngô, sắn nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng mất mùa do thời tiết và những mảnh đất đó thường xuyên thiếu nước nên sản lượng thấp, thu nhập bấp bênh. Từ khi chuyển sang trồng cây gai xanh, thu nhập của gia đình nâng cao. So với cây ngô, cây sắn, trồng gai xanh cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần.
Mô hình trồng cây gai xanh cũng được triển khai tại một số xã trên địa bàn huyện Quảng Hòa. Gia đình ông Hoàng Văn Giám (xóm Trung Thành, xã Tiên Thành) trồng khoảng 6.000 m2 cây gai xanh từ năm 2024. Ông Giám cho biết, thổ nhưỡng và khí hậu ở Tiên Thành phù hợp với trồng cây gai xanh. Cùng với áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt, diện tích trồng gai xanh đang cho năng suất và thu nhập ổn định. Mỗi năm, cây gai xanh thu hoạch được 3 - 4 lứa, so với cây ngô, cây sắn cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần.
Ông Hoàng Văn Giám chia sẻ thêm, cây gai xanh dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Cây gai xanh trồng vụ đầu tiên sẽ cho thu hoạch sau 75 ngày. Khi thu hoạch chặt sát gốc, cây sẽ mọc lại, sau đó chỉ cần bón phân, làm cỏ. Các vụ kế tiếp thu hoạch sau khoảng 47 - 50 ngày. So với các cây trồng khác, trồng gai xanh mang lại thu nhập cao hơn nên nhiều người dân trong xóm đã mở rộng diện tích trồng loại cây này để kiếm thêm thu nhập…

Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Thành Công (thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An) là đơn vị hỗ trợ người dân trồng và thu mua cây gai xanh. Năm 2025, hợp tác xã này đã liên kết với hơn 50 hộ dân trên địa bàn các huyện Hà Quảng, Quảng Hòa để trồng mới khoảng 20 héc ta cây gai xanh, nâng tổng số diện tích cây gai xanh gần 50 héc ta.
Ông Nông Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Thành Công cho biết, chỉ riêng vỏ cây gai xanh với giá thu mua 40.000 đồng/kg vỏ khô, tính ra mỗi 1 ha có thể thu được từ 80 -100 triệu đồng/năm, cao gấp khoảng 3 lần so với trồng ngô, sắn. Hiện nay, tất cả diện tích trồng gai xanh nguyên liệu của người dân được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm. Hợp tác xã cũng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Thời gian tới, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Thành Công sẽ tiếp tục phối hợp với người dân để mở rộng diện tích trồng, tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho người dân, từ đó phát triển chuỗi liên kết cộng đồng và tạo điều kiện hỗ trợ bà con nhiều hơn.
Gai xanh giống AP1 là loại cây công nghiệp, chủ yếu trồng lấy vỏ để sản xuất thành nguyên liệu sợi phục vụ ngành công nghiệp dệt may; lá cây có thể chế biến bánh gai và chiết xuất tinh dầu, làm thức ăn chăn nuôi; thân cây được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy. Cây dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm; trồng một lần nhưng thời gian khai thác nhiều năm.../.