Sau khi chính quyền địa phương 2 cấp tại tỉnh Quảng Trị chính thức vận hành, các xã miền núi đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đưa bộ máy hành chính mới đi vào hoạt động. Dù còn nhiều khó khăn về nhân lực, địa bàn rộng và điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, các hoạt động công vụ đang dần được củng cố, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Trần Phong đến kiểm tra tình hình hoạt động tại Trung tâm hành chính công xã Đakrông.
*Vượt khó, không để gián đoạn phục vụ nhân dân
Dù gia đình có con nhỏ và quãng đường đi làm xa hơn 20km, chị Hồ Thị Lưu, cán bộ phụ trách lĩnh vực người có công, bảo hiểm xã hội và y tế của xã Đakrông vẫn có mặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công (đặt tại thôn Klu) từ sớm mỗi ngày.
Con đường đồi núi hiểm trở không ngăn được tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của chị trong bối cảnh đơn vị hành chính mới vừa được sắp xếp, bộ máy chính quyền đang trong giai đoạn ổn định và vận hành sau sáp nhập.Vừa nhanh tay dọn dẹp bàn làm việc, kiểm tra hồ sơ và hệ thống máy tính trước giờ hành chính, chị Lưu chia sẻ: Việc hợp nhất các xã đồng nghĩa với khối lượng công việc nhiều hơn, địa bàn rộng hơn, người dân ở xa trung tâm hơn. Nhưng điều đó cũng thôi thúc cán bộ phải chủ động, sát dân hơn, linh hoạt và kiên trì hơn trong từng thủ tục nhỏ.
Đặc biệt ở vùng núi, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và thực hiện các quy định hành chính. Từ khi bộ máy mới được kiện toàn, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ không hề bị gián đoạn, mọi người luôn nỗ lực khắc phục khó khăn về hạ tầng và phương tiện để phục vụ người dân chu đáo, cố gắng vì một bộ máy vận hành trơn tru để người dân không phải đi lại nhiều lần, không phải chờ đợi lâu.

Việc giải quyết các thủ tục hành chính tại xã Đakrông được diễn ra nhanh chóng.
Chị Lưu chỉ là một trong rất nhiều cán bộ, công chức tại vùng cao Quảng Trị đang ngày đêm vượt khó, góp phần đưa bộ máy chính quyền mới đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.
Là địa bàn biên giới rộng, có đường biên dài 16,5 km tiếp giáp với nước bạn Lào, xã Đakrông mới được thành lập theo Nghị quyết số 1680/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Trị năm 2025. Xã được hình thành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của ba xã Tà Long, Ba Nang và Đakrông cũ. Đây là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, với hơn 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô và Vân Kiều; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42,71%, hộ cận nghèo chiếm 10,33%. Dù đối mặt với nhiều thách thức, đến nay xã Đakrông đã cơ bản kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản cán bộ theo đúng lộ trình và hướng dẫn từ cấp trên. Cán bộ, công chức được bố trí lại hợp lý, đảm bảo vận hành thông suốt các hoạt động của chính quyền cơ sở.
Ông Lê Hoài Phong, Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết: Sau khi sáp nhập, xã Đakrông mới có địa bàn rộng hơn, dân cư đông hơn. Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự chủ động của cán bộ, bộ máy mới đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động, không để gián đoạn việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Tính riêng trong 3 ngày đầu tháng 7, Trung tâm hành chính xã đã tiếp nhận và xử lý 39 hồ sơ của người dân, đảm bảo đúng quy trình và thời gian quy định. Mặc dù còn một số khó khăn bước đầu về cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ, nhưng với sự đồng lòng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, xã quyết tâm không để người dân bị thiệt thòi trong giai đoạn chuyển tiếp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa mang tính hành chính, vừa thể hiện rõ nét hiệu quả của cải cách bộ máy nhằm phục vụ tốt hơn cho nhân dân.
Chị Hồ Thị Tái, thôn Xi Pa, xã Đakrông cho biết: "Tôi đến làm bản sao giấy khai sinh cho người thân, các thủ tục được cán bộ Tư pháp – Hộ tịch tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng. Cán bộ tận tình, kiên nhẫn hướng dẫn kê khai giấy tờ nên rất thuận lợi. Tôi cảm thấy rất yên tâm và hài lòng".
*Nâng chất phục vụ, hiện đại hóa bộ máy hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Trần Phong trao Giấy đăng ký kết hôn và quà cho một cặp đôi tại xã Hướng hiệp.
Tại xã Hướng Hiệp, đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba địa phương gồm thị trấn Krông Klang, xã Mò Ó và xã Hướng Hiệp cũ, công tác vận hành bộ máy chính quyền sau sáp nhập đang từng bước đi vào ổn định. Dù địa bàn rộng, dân số đông, phân bố không đồng đều, nhưng nhờ tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các hoạt động điều hành, phục vụ người dân trên mọi lĩnh vực vẫn được đảm bảo thông suốt.
Chị Hồ Thị Nhất, thôn Khe Luồi, xã Hướng Hiệp cho hay, vợ chồng chị đến làm thủ tục đăng ký giấy kết hôn. Quá trình làm việc rất nhanh gọn, cán bộ hướng dẫn nhiệt tình kèm lời chúc tốt đẹp. Chị thấy rất yên tâm và vui vẻ.

Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp Nguyễn Văn Đạt phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp cho biết: Ngay sau sáp nhập, xã đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, bố trí lại cơ sở vật chất hành chính. Hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công cơ bản thuận lợi, đảm bảo giải quyết kịp thời các nhu cầu thiết yếu của người dân như cấp giấy tờ hộ tịch, hồ sơ bảo hiểm, đất đai, chế độ chính sách...
Để đáp ứng khối lượng công việc ngày càng nhiều sau khi mở rộng quy mô địa bàn, xã Hướng Hiệp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ và đẩy mạnh chuyển đổi số đảm bảo phục vụ người dân nhanh chóng, hiệu quả. Xã đã bố trí Trung tâm hành chính đặt tại vị trí trung tâm, thuận tiện giao thông và kết nối giữa các khu dân cư.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Trần Phong làm việc với xã Hướng Hiệp.
Để đảm bảo quá trình vận hành bộ máy chính quyền mới sau sáp nhập đạt hiệu quả thực chất, ông Trần Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính là bước đi quan trọng nhằm xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn. Với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, sau sáp nhập, khối lượng công việc lớn hơn, địa bàn rộng và điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải vào cuộc một cách chủ động, quyết liệt và sáng tạo. Tỉnh xác định việc cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ xuyên suốt trong xây dựng chính quyền hiện đại; chỉ đạo các địa phương thường xuyên bám sát cơ sở, sâu sát với nhân dân, giải quyết kịp thời các kiến nghị, bức xúc chính đáng của người dân ngay từ cơ sở…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Trần Phong chụp ảnh lưu niệm với xã Đakrông.
Việc kiện toàn bộ máy và sắp xếp hợp lý đơn vị hành chính cấp xã là bước đi quan trọng trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở cơ sở, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Thực tế tại vùng cao Quảng Trị cho thấy, dù còn nhiều thách thức, nhưng sự đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân đang tạo nên sự chuyển mình tích cực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…/.