Bước vào kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực xây dựng mô hình phát triển dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực, theo hướng tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo Ban Chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ giao nhiệm vụ cho các địa phương, trong đó Thái Nguyên có 25 mục tiêu, 92 nhiệm vụ. Đến nay đã có 5/25 mục tiêu hoàn thành; 19/92 nhiệm vụ đã triển khai và hoàn thành; 38/92 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện; 32/92 nhiệm vụ đang nghiên cứu, triển khai; 3/92 nhiệm vụ của Nghị quyết thuộc phạm vi thực hiện của các cơ quan trung ương.
Năm 2025, Thái Nguyên xác định là năm kế thừa và phát triển, tỉnh tập trung vào hoàn thiện và đưa vào ứng dụng 26 sản phẩm trọng điểm, trong đó có 4 công trình, 2 phần mềm và 20 mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các sản phẩm khi đi vào cuộc sống sẽ đáp ứng nhu cầu phục vụ quản trị xã hội và tăng năng suất lao động, không chỉ trong phạm vi Thái Nguyên mà còn có tính liên vùng, quốc gia và quốc tế.
Để góp phần thực hiện thành công các Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, Thái Nguyên đã phát động Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo- Vì Thái Nguyên thân yêu” nhằm biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc,…. Thông qua các hoạt động truyền động lực mạnh mẽ để các nhà khoa học, nhà sáng chế, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của địa phương trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, tỉnh đang tích cực đẩy mạnh phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động và người dân với Đề án phát triển Năng lực số, thực hiện Chương trình “Bình dân học AI”,… với mục tiêu đến cuối năm 2025 có 30 chuyên gia là giảng viên cấp tỉnh về giảng dạy kỹ năng số, 3.000 cán bộ nòng cốt là giảng viên giảng dạy kỹ năng số cho cộng đồng và trên 500 nghìn người dân trong độ tuổi lao động thành thạo kỹ năng cơ bản về sử dụng AI. Đến nay, tỉnh đã có 350.845 học viên tham gia luyện AI; đồng thời quan tâm mở các ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhận tạo tại một số trường Đại học với mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 4.500 nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, Thái Nguyên đang trình các Bộ, ngành Trung ương thẩm định hồ sơ thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hình thành trung tâm phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ số phù hợp với lợi thế quốc gia và lợi thế địa phương. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình trở thành trung tâm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong 5 lĩnh vực công nghệ chiến lược; thu hút tối thiểu 1 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới, 1 doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới, 3 doanh nghiệp công nghệ lớn Việt Nam, trên 10.000 việc làm trực tiếp thuộc lĩnh vực công nghệ cao; nuôi dưỡng, phát triển mới được tối thiểu 3 doanh nghiệp công nghệ số thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam trong một số lĩnh vực thị trường ngách, 30 doanh nghiệp công nghệ số Thái Nguyên trong 5 lĩnh vực công nghệ chiến lược; chiếm tỷ trọng tối thiểu 10% quy mô kinh tế số tỉnh Thái Nguyên.
Tỉnh Thái Nguyên cũng dự kiến bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lực; ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ; được thực hiện khoán chi; kết quả nghiên cứu khoa học được thương mại hóa.
Ban Chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các thành viên thống nhất nhận thức về các lĩnh vực quan trọng trong chương trình tổng thể của Nghị quyết 57, bám sát nhiệm vụ được Trung ương giao và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, mỗi nhiệm vụ phải được phân công cụ thể, gắn với trách nhiệm cá nhân và cơ quan chủ trì, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng. Các nhiệm vụ cần có chỉ số đo lường để theo dõi tiến độ và đánh giá hiệu quả./.