Tỉnh Phú Thọ đang đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số” giúp công dân làm quen và thích nghi với thời đại số. Đây là hành động thiết thực nhằm thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo kế hoạch, tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2026, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, có kiến thức, kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo; 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số. Ngoài ra, 100% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh; 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động…
Phó Bí Thư thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ Phùng Khánh Tài cho biết, để đạt mục tiêu trên, tỉnh triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân, giúp mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Thời gian tới, tỉnh tập trung phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho các nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và mọi người dân.
Tỉnh tổ chức sinh hoạt chuyên đề; định kỳ hằng tuần, tổ chức các lớp học "Bình dân học vụ số" cho người dân ở xã về sử dụng internet, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số, nhất là an toàn số và chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Các bên liên quan mở lớp đào tạo kỹ năng số cho người lao động tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nắm vững xu hướng chuyển đổi số của đơn vị, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Tỉnh phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn người dân, nhất là người cao tuổi, khuyết tật, lao động phổ thông sử dụng các nền tảng, dịch vụ số…
Phú Thọ xây dựng các mô hình như, "Chợ số - Nông thôn số", "Mỗi công dân - Một danh tính số"; phát triển mạnh phong trào "Gia đình số", đảm bảo mỗi hộ có ít nhất một thành viên tham gia học tập, có hiểu biết về chuyển đổi số, kỹ năng số, sử dụng được nền tảng, dịch vụ số và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình…
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Minh Tường nêu rõ, mặc dù không có nhiều thuận lợi khi thực hiện nhưng Phú Thọ đã trở thành địa phương tiên phong trong chuyển đổi số của cả nước. Đến nay, chuyển đổi số đã được tỉnh triển khai trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Chuyển đổi số đã làm thay đổi cách thức sống và làm việc, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra giá trị mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tỷ trọng kinh tế số của tỉnh hiện đạt 12,5%, đứng thứ 10 cả nước; thương mại điện tử đạt 9,7%. Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử ước đạt 85%; tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 87,5%. Số hộ gia đình có cáp quang băng rộng ước đạt 76,8%; cấp trên 1,3 triệu thẻ căn cước công dân, 978.982 tài khoản định danh điện tử.
Chính quyền số đã tạo động lực dẫn đắt chuyển đổi số. Các ứng dụng, hệ thống điều hành điện tử dùng chung trong cơ quan nhà nước được đưa vào sử dụng đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tiêu biểu là hệ thống gửi nhận văn bản điện tử; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến...
Đến nay, 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 75% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, quốc gia. Có 81,71% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ số hóa đạt 83,89%.../.