Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 mới đây, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại và nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến công tác tại Trung tâm hành chính tỉnh Thái Nguyên. Nghị quyết được đông đảo cán bộ cơ sở đánh giá cao, thể hiện tính nhân văn, kịp thời và lan tỏa thông điệp: cải cách bộ máy hành chính đi đôi với đảm bảo an sinh cho cán bộ.

Tỉnh Thái Nguyên sau hợp nhất có 945 cán bộ được nhận hỗ trợ theo nghị quyết trên. Đây là những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp thuộc tỉnh Bắc Kạn cũ về công tác tại Trung tâm hành chính tỉnh Thái Nguyên sau sắp xếp. Họ đều là cán bộ chưa có nhà ở thuộc sở hữu của cá nhân, của vợ hoặc chồng ở tỉnh Thái Nguyên cũ đến thời điểm nhận hỗ trợ, đang tiếp tục công tác tại Trung tâm hành chính tỉnh Thái Nguyên sau sắp xếp. Theo Nghị quyết, thời gian hỗ trợ là 27 tháng với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/người/tháng.
Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên sau hợp nhất có 6 cán bộ từ Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn chuyển về. Mỗi người có một điều kiện sống khác nhau, song phần lớn gia đình của họ vẫn đang sinh sống tại tỉnh Bắc Kạn cũ. Do vậy, để đảm bảo công việc hàng ngày, những cán bộ này vẫn thường xuyên di chuyển trên quãng đường hơn 80km từ nhà riêng đến trụ sở cơ quan bằng phương tiện công cộng, với định kỳ ít nhất 2 đến 4 chuyến/tuần. Trong giai đoạn đầu, họ thuê nhà ở gần trụ sở để thuận tiện cho việc đi lại.
Chị Ma Thị Điệp, công tác tại Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, chồng và con chị vẫn đang sinh hoạt ở một xã thuộc tỉnh Bắc Kạn cũ, nên đầu tuần chị di chuyển bằng xe khách xuống cơ quan và thuê một căn nhà cách trụ sở khoảng 3km, cuối tuần lại bắt xe khách về. Chị chia sẻ: “Việc di chuyển và thuê nhà cũng tốn khá nhiều chi phí, vì gia đình có con nhỏ và ông bà cũng đã lớn tuổi, do vậy, tôi vẫn phải thường xuyên đi về. Nghị quyết ra đời không chỉ có giá trị về vật chất, mà còn là nguồn động viên rất lớn về tinh thần để chúng tôi yên tâm công tác”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Lê, cũng công tác tại Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên khá thuận lợi trong việc ổn định gia đình tại môi trường mới, bởi cả chị và chồng chị đều chuyển từ tỉnh Bắc Kạn cũ về Thái Nguyên làm việc. Chị cũng đã được tạo điều kiện để chuyển cho 2 con về Thái Nguyên học. Cả gia đình vẫn đang phải thuê nhà song bản thân chị đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành rất lớn từ đồng nghiệp, bạn bè và người thân nên đã bắt nhịp rất nhanh với công việc mới.
Chị Lê cho biết: “Trước khi chuyển về, nhiều đồng nghiệp đã hỗ trợ tôi tìm nhà trọ, dọn dẹp nơi làm việc, khi chính thức về trụ sở mới, sự quan tâm của các đồng nghiệp trong cơ quan giúp tôi cảm thấy gần gũi, yên tâm cống hiến với nghề”. Nói về cảm nhận khi Nghị quyết hỗ trợ cán bộ như chị được thông qua, chị Lê chia sẻ: “Khoản hỗ trợ này rất kịp thời và ý nghĩa, giúp chúng tôi phần nào ổn định cuộc sống, có thêm động lực để tiếp tục cống hiến, tôi mong rằng tỉnh sẽ có thêm những chính sách đồng hành thiết thực hơn nữa trong thời gian tới”.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Đình Điệp chia sẻ: “Chủ trương sáp nhập là hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước, ngay từ sớm, những cán bộ của tỉnh Bắc Kạn cũ khi chuyển về công tác tại tỉnh Thái Nguyên mới luôn ủng hộ và hào hứng bắt tay vào việc với tinh thần hồ hởi, đầy nhiệt huyết trong môi trường mới. Tuy có bỡ ngỡ, song ai cũng xác định sẽ nỗ lực cố gắng vượt qua những vướng mắc ban đầu để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Có thể nói, chính sách hỗ trợ của Nghị quyết đã phần góp bảo đảm hiệu lực của bộ máy mới, kịp thời ổn định đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp. Việc đồng hành này không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách để tạo dựng niềm tin vững chắc từ cơ sở./.