Buông lỏng quản lý, hàng nghìn mét khối đất, cát bị khai thác trái phép

Hàng nghìn mét khối đất, cát dưới chân núi Chư Jôr, địa điểm giáp ranh giữa xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) và xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) tỉnh Gia Lai bị khai thác trái phép nhưng chính quyền địa phương nơi đây xử lý chưa triệt để. Điều này cho thấy những bất cập trong quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương này.

gia-lai-210525.jpg
Hai xe máy múc khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) và xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Vào ngày 14/5, phóng viên TTXVN đã ghi nhận tại chân núi Chư Jôr (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh), hàng nghìn mét khối đất, cát bị đào bới nham nhở, đất đá được múc lên chất đống tạo thành các hố sâu sát sườn đồi. Nhiều khu vực, các đối tượng khai thác trái phép còn ngăn suối đặt máy bơm để khai thác cát trái phép. Tại hiện trường, hai xe máy múc cỡ lớn cùng nhiều xe tải liên tục vận chuyển vật liệu ra khỏi khu vực.

Theo những người dân địa phương thuộc thôn Tiên Sơn 2, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tình trạng này đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán 2025. Mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe ben lớn, nhỏ nối đuôi nhau vận chuyển đất, cát về hướng thành phố Pleiku để phục vụ dự án Đường kinh tế phía Đông và nhiều công trình san lấp khác. Khu vực khai thác không có bảng thông tin và cũng không có người đến kiểm tra.

gia-lai2-210525.jpg
Khai thác đất trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) và xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Ngay sau khi phát hiện sự việc, phóng viên đã cung cấp thông tin và hình ảnh đến chính quyền địa phương đề nghị kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 16/5 của Công an xã Chư Đang Ya, lực lượng chỉ ghi nhận tại khu vực có một đống cát khoảng 8 m3 và hai máy nổ dùng để hút cát (không hoạt động). Theo lời khai của đối tượng vi phạm, người này mua lại mảnh đất của dân để trồng cây công nghiệp và không xuất trình được giấy tờ pháp lý liên quan đến diện tích đất và hoạt động khai thác khoáng sản.

Sau đó, UBND xã Chư Đang Ya đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và yêu cầu hoàn nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, mức xử phạt này được cho là quá nhẹ so với quy mô vi phạm, đồng thời mâu thuẫn với thông tin từ người dân và phóng viên ghi nhận. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về tính khách quan trong xử lý vi phạm, thậm chí có dấu hiệu bao che của các cấp chính quyền nơi đây.

Theo báo cáo số 70/BC-UBND ngày 24/3/2025 của xã Biển Hồ, tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra trên địa bàn giáp ranh với xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh đã được phát hiện từ lâu. Theo đó, UBND thành phố Pleiku đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai chỉ đạo xử lý.

Sở này đã ban hành văn bản số 338/SNNMT-ĐCKS, yêu cầu UBND huyện Chư Păh chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Chư Đang Ya chủ trì, phối hợp cùng UBND xã Biển Hồ và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, các địa phương được nhắc nhở phải tăng cường phối hợp, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

gia-lai3-210525.jpg
Hiện trường vụ hàng ngàn mét khối đất, cát bị khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) và xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Ông Lê Xuân Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chư Păh thừa nhận, có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực nói trên. Huyện cũng đã tiếp nhận văn bản chỉ đạo của Sở và đã triển khai theo đúng phân cấp.

“Trước và trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính, huyện đã liên tục có văn bản tham mưu chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra, xử lý. Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu địa phương báo cáo lại đầy đủ để có hướng xử lý tiếp theo”, ông Dũng thông tin thêm.

Tuy nhiên, để làm rõ trách nhiệm xử lý, Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya Nguyễn Văn Nội lại cho rằng, đây là khu vực giáp ranh và địa phương cũng đã có phối hợp nhưng việc phối hợp kiểm tra, xử lý do xã Biển Hồ chủ trì. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch UBND xã Biển Hồ lại khẳng định phần lớn diện tích xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nằm trên địa bàn xã Chư Đang Ya. Chính quyền xã Biển Hồ đã phát hiện sớm và báo cáo lên cấp trên, phối hợp đầy đủ.

gia-lai4-210525.jpg
Hiện trường vụ ngàn mét khối đất, cát bị khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) và xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Khu vực bị khai thác khoáng sản trái phép nằm dưới chân núi Chư Jôr, giáp ranh với tiểu khu 374, nơi có diện tích đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý. Theo ông Nguyễn Tất Thành - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, qua kiểm tra, đo đạc xác minh trên bản đồ hiện trạng, khu vực bị khai thác hiện chưa lấn vào trong phần diện tích rừng do Ban quản lý. Nhưng vị trí khai thác diễn ra sát với ranh giới đất rừng phòng hộ nên tiềm ẩn nguy cơ cao về sạt lở, xói mòn và ảnh hưởng lâu dài đến an toàn của rừng phòng hộ.

Ông Thành cũng cảnh báo, nếu tiếp tục khai thác gần khu vực rừng, sau một thời gian chịu tác động của mưa lớn, địa hình thay đổi sẽ dễ gây trượt đất, làm sụt lún, mất ổn định địa chất, kéo theo nguy cơ rừng phòng hộ mất dần là rất cao.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trùng với thời điểm các địa phương đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính nên công tác quản lý của chính quyền cơ sở gặp nhiều khó khăn, dễ bị các đối tượng lợi dụng.

gia-lai5-210525.jpg
Hiện trường vụ hàng ngàn mét khối đất, cát bị khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) và xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp khẳng định, tỉnh luôn quán triệt đến từng địa phương không để các đối tượng lợi dụng giai đoạn nhạy cảm để trục lợi tài nguyên. Nếu để xảy ra vi phạm, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc, giám sát chặt chẽ để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nhằm giải quyết dứt điểm các điểm nóng.

Để xảy ra vụ việc khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Biển Hồ và xã Chư Đang Ya cho thấy sự thiếu phối hợp giữa các địa phương, việc xử lý vi phạm thiếu quyết liệt, còn hình thức, thậm chí né tránh trách nhiệm. Để chấm dứt tình trạng này, cần phải làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp quản lý và việc xử lý vi phạm cần quyết liệt hơn để tạo tính răn đe./.

Có thể bạn quan tâm

Điều chỉnh chính sách hỗ trợ hợp tác xã phù hợp với thực tiễn

Điều chỉnh chính sách hỗ trợ hợp tác xã phù hợp với thực tiễn

Xác định phát triển kinh tế hợp tác xã là một trong những giải pháp căn cơ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách toàn diện, từ những mô hình nhỏ lẻ, manh mún, thời gian qua, trên địa bàn ở Phú Thọ đã có bước phát triển rõ rệt, từng bước khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, để khu vực kinh tế tập thể thực sự phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và thị trường, đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục đồng bộ các giải pháp về cơ chế, nguồn lực và tổ chức thực hiện.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng không gian mạng tích cực, văn minh và lành mạnh

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng không gian mạng tích cực, văn minh và lành mạnh

Sáng 17/5, Công an tỉnh Tuyên Quang tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tuyên truyền pháp luật đối với các KOLs, quản trị viên trang, kênh, hội, nhóm trên không gian mạng” với sự tham gia của trên 100 người có sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội (KOLs), quản trị viên trang, kênh, hội, nhóm trên không gian mạng thuộc địa bàn các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Bắc Kạn khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân học tập và làm theo Bác

Bắc Kạn khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân học tập và làm theo Bác

Ngày 16/5, Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Dịp này, 36 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016- 2025 và năm 2024 được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Kạn.

'Sổ tiết kiệm Búa liềm vàng' - cách làm sáng tạo trong học và làm theo Bác

'Sổ tiết kiệm Búa liềm vàng' - cách làm sáng tạo trong học và làm theo Bác

Học tập và làm theo gương Bác, tại Đắk Lắk xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo, lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nổi bật trong số đó là mô hình “Sổ tiết kiệm Búa liềm vàng” của Thị ủy Buôn Hồ - một sáng kiến phù hợp thực tiễn, thiết thực giúp đỡ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn.

'Đổi đời' từ vốn vay chính sách

'Đổi đời' từ vốn vay chính sách

Nhờ tiếp cận hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại An Giang đã mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chương trình tín dụng chính sách đã mở ra cơ hội "đổi đời" cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy định chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng, phát triển và thu hoạch cây dược liệu

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy định chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng, phát triển và thu hoạch cây dược liệu

Sáng 13/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, có bổ sung quy định chi tiết về nuôi, trồng phát triển và thu hoạch cây dược liệu trong rừng.

Hỗ trợ người nghèo 'an cư'

Hỗ trợ người nghèo 'an cư'

Đắk Lắk là một địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đặc biệt là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đảm bảo chỗ ở ổn định, an toàn cho các hộ nghèo là nhu cầu bức thiết, tạo tiền đề để người dân an tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Đắk Nông có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định đời sống cho người dân, trong bối cảnh tỉnh còn nhiều khó khăn và địa hình đồi dốc, chia cắt mạnh. Ảnh: TTXVN phát

Đắk Nông tháo gỡ khó khăn về đất đai, hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm

Việc xóa nhà tạm, dột nát, đẩy nhanh hỗ trợ đất ở, nhà ở cho các hộ dân là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đắk Nông hiện nay. Với sự quan tâm của Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, địa phương đặt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, dột nát trước ngày 31/12 theo chỉ đạo của Chính phủ.