Xác định phát triển kinh tế hợp tác xã là một trong những giải pháp căn cơ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách toàn diện, từ những mô hình nhỏ lẻ, manh mún, thời gian qua, trên địa bàn ở Phú Thọ đã có bước phát triển rõ rệt, từng bước khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, để khu vực kinh tế tập thể thực sự phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và thị trường, đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục đồng bộ các giải pháp về cơ chế, nguồn lực và tổ chức thực hiện.

Đồng hành cùng hợp tác xã
Phú Thọ hiện có 755 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó, hơn 438 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút hơn 107.000 thành viên. Các hợp tác xã ngày càng thể hiện vai trò trong việc liên kết nông dân, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Nhiều hợp tác xã đã tham gia sâu vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Hiện tại, 150 hợp tác xã trên địa bàn có sản phẩm hàng hóa; trong đó, có khoảng 150 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, góp phần nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ lên hơn 300 sản phẩm.
Đặc biệt, phải kể đến các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng như: Mì gạo Hùng Lô, chè Thành Nam, chè Long Cốc, chè Đá Hen, trà thảo mộc Liên Hoa Chi, trà thảo mộc Thanh Lâm... riêng mì gạo Hùng Lô, chè Thành Nam đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Saudi Arabia. Cùng đó, các hợp tác xã tiếp tục thực hiện chặt chẽ các quy chuẩn từ chất lượng đến bao bì đẹp mắt để sản phẩm OCOP ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên.
Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, một trong những hợp tác xã tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện đã liên kết nông dân, hình thành vùng chuyên canh rau an toàn theo đúng quy chuẩn của (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũ, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), doanh thu đến 15 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2024, hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã được bình chọn là hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã cho biết, đất đai màu mỡ, bà con chịu khó nhưng cày bừa một năm 2 vụ cũng chỉ đủ ăn, lãng phí nguồn lực… trong khi thị trường đang khan hiếm sản phẩm rau, củ, quả sạch, an toàn. Năm 2015, ông Nghĩa dồn toàn bộ vốn liếng, cùng 26 hộ nông dân là bà con thân thích, họ hàng trong xã thành lập Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã để cùng nhau sản xuất rau sạch theo chuỗi sản phẩm
Theo ông Nghĩa, khó khăn lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm rau sạch, bởi thế năm 2017, qua tìm hiểu và biết đến chương trình "Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt" thông qua việc liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ sản xuất để cung ứng nông sản sạch, an toàn cho thị trường của VinEco triển khai. Sau đó, Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã đã đăng ký tham gia chương trình và đã có hiệu quả ngay từ những ngày đầu triển khai…

Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho thành viên, các hợp tác xã trên địa bàn còn đóng vai trò là “hạt nhân” tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh có 170/225 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Cùng đó, tham gia tích cực trong tổ chức sản xuất tập trung, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn.
Tuy nhiên, không ít hợp tác xã vẫn hoạt động cầm chừng, thiếu vốn, thiếu nhân lực có chuyên môn, mô hình liên kết chuỗi còn rời rạc. Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Đỗ Xuyên, xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn để đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất và hy vọng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách ưu đãi vay vốn hoặc những chương trình, dự án cụ thể về ứng dụng khoa học, công nghệ, quảng bá sản phẩm…
Tháo gỡ điểm nghẽn
Xác định rõ vai trò của hợp tác xã trong chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 18/1/2024 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ về phát triển hợp tac xã nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu năm 2025, Phú Thọ phấn đấu có 30% hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm; 20% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và mô hình kinh tế tuần hoàn; 25% hợp tác xã có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trên 70% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Theo đó, tỉnh Phú Thọ tiếp tục rà soát, điều chỉnh và ban hành các chính sách hỗ trợ hợp tác xã phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là hỗ trợ về đất đai, tín dụng, xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực. Việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hợp tác xã giúp họ yên tâm đầu tư dài hạn, mở rộng sản xuất; chỉ đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các sở, ngành tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã…
Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã khuyến khích các hợp tác xã chủ động ký kết hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ với doanh nghiệp. Tỉnh Phú Thọ đã và đang hỗ trợ xây dựng 20 mô hình hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị giai đoạn 2024 – 2025, ưu tiên các sản phẩm có thế mạnh địa phương như chè, rau an toàn, gà đồi, cá sông
Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hợp tác xã; trong đó, tập trung ứng dụng phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc và bán hàng online đang được đẩy mạnh. Một số hợp tác xã đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee… và có lượng đơn hàng ổn định.
Tuy nhiên, để các hợp tác xã thực sự trở thành động lực phát triển, có chiều sâu, tỉnh Phú Thọ cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, chính sách. Trước hết, cần cải cách thủ tục hành chính bằng cách đơn giản hóa quy trình đăng ký kinh doanh, vay vốn, tiếp cận đất đai, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tài chính và tín dụng cũng đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi các ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp những gói tín dụng ưu đãi, giúp doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.
Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của khu vực này. Ngoài ra, việc tạo cơ chế liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp tư nhân cũng rất cần thiết, khuyến khích các doanh nghiệp lớn hợp tác với hợp tác xã để hình thành chuỗi giá trị bền vững, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của nền kinh tế.
Bà Vũ Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ cho biết, trong thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục khuyến khích thành lập các hợp tác xã trong lĩnh vực dịch vụ công cộng, môi trường, logistics, thương mại điện tử… hướng đến đa dạng hóa mô hình hợp tác xã, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đa ngành. Cùng với đó là phát triển hợp tác xã thanh niên; hợp tác xã phụ nữ, hợp tác xã gắn với hợp tác quốc tế nhằm tận dụng các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ bên ngoài…
Tạ Văn Toàn