Ngày 20/5, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Trà Vinh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp”.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Trà Vinh Trần Bình Trọng nhấn mạnh: “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và hướng đến nền nông nghiệp bền vững”.
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuỗi giá trị, hiện đại và bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường”.
Đến nay, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã có nhiều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả cao về kinh tế và môi trường, như ứng dụng máy bay không người lái (drone); cảm biến độ ẩm, nhiệt độ và chất lượng không khí; hệ thống quan trắc tự động sensor phục vụ giám sát chỉ số môi trường; ứng dụng công nghệ 4.0 trong truy xuất nguồn gốc là mã vạch, QR code để lưu trữ thông tin về nguồn gốc, quá trình sản xuất và vận chuyển; hệ thống giám sát côn trùng thông minh; hệ thống dự tính, dự báo sâu bệnh cây trồng; phần mềm báo cáo bệnh động vật; phần mềm thống kê trực tuyến nông nghiệp và phát triển nông thôn; phần mềm cấp và quản lý mã số vùng trồng nội địa, phần mềm cập nhật, khai thác và quản lý cơ sơ dữ liệu quốc gia về thủy sản; hệ thống giám sát tàu cá; phần mềm quan trắc, theo dõi lưu lượng nước, độ mặn, phần mềm theo dõi diễn biến rừng,…
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ở Trà Vinh vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể như chưa thực hiện đồng bộ “số hóa dữ liệu nông nghiệp dùng chung” nhằm kết nối các dữ liệu về khí hậu, đất đai, hạn, mặn, sản xuất, thu hoạch, chế biến... chung cho tỉnh và toàn vùng; chi phí đầu tư ban đầu cho việc áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp cao hơn so với chi phí sản xuất thông thường, dẫn đến khó vận động nông dân tham gia. Cùng với đó là những hạn chế về nguồn lao động chất lượng cao đủ khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại…

Quang cảnh Hội thảo.
Theo bà Nguyễn Ngọc Hà, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh, đến nay địa phương đã đưa vào sử dụng hơn 60 drone (máy bay không người lái) để phun thuốc trừ sâu, phân bón, phân tích dữ liệu cây trồng, giám sát và giám sát đất nông nghiệp quy mô lớn tự động hóa hoàn toàn; bên cạnh đó tỉnh có 13 hệ thống giám sát côn trùng trên cây lúa, cây ăn trái có các chức năng tự động đo cảm biến gió, nhiệt độ, quản lý, giám sát mật độ côn trùng vào bẫy với khả năng phân tích 20 loài côn trùng, tự động cập nhật về đơn vị quản lý, theo dõi của ngành chuyên môn, giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trong lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh có hơn 11.000 ha nuôi thủy sản thâm canh và thâm canh mật độ cao; trong đó hàng trăm ha đã đạt các chứng nhận quốc tế như GAP, BAP, ASC. Một số cơ sở đã ứng dụng hệ thống giám sát môi trường thông minh (IoT) nhằm phân tích và cảnh báo sớm rủi ro môi trường, nâng cao hiệu quả nuôi trồng và giảm thiểu dịch bệnh.
Tuy nhiên, đại diện ngành nông nghiệp cũng cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao còn gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế và thiếu hệ thống dữ liệu số hóa dùng chung cho toàn ngành. “Để khắc phục những tồn tại trên, tỉnh cần sớm ban hành chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao cho ngành nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hợp tác giữa nông dân – doanh nghiệp – viện nghiên cứu trong đào tạo, khuyến nông và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường”, bà Nguyễn Ngọc Hà đề xuất.

Hệ thống giám sát phát thải khí methane tự động trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp của HTX nông nghiệp Phước Hảo (Châu Thành, Trà Vinh).
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh Lâm Thái Hùng cho rằng, để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thì việc gia tăng giá trị cho nông sản là yếu tố rất quan trọng. Tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của việc tạo lập và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; đồng thời tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành trong việc quảng bá sản phẩm địa phương trên các phương tiện truyền thông hiện đại như fanpage, YouTube, sàn thương mại điện tử,...
Bên cạnh đó, cần tổ chức và khuyến khích doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm để giới thiệu thương hiệu và thế mạnh của địa phương. Việc phổ biến các quy định pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và quốc tế về truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cần được thực hiện thường xuyên, gắn với hoạt động đăng ký nhãn hiệu.
Ngoài ra, ông Lâm Thái Hùng cũng đề xuất tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, đồng thời ban hành các chính sách tài chính hỗ trợ việc khai thác tài sản trí tuệ từ các đề tài nghiên cứu và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng để tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Huyện Cầu Kè có hơn 19.800 ha đất nông nghiệp, là địa phương có nhiều diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Nhờ đất đai màu mỡ do phù sa Sông Hậu bồi đắp, cùng hệ thống kênh rạch thuận lợi, Cầu Kè đã xây dựng quy hoạch vùng trồng và vật nuôi chủ lực, hướng tới sản xuất nông nghiệp thông minh gắn với công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.
Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu KèPhạm Văn Kha cho rằng, để phát triển nông nghiệp thông minh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, địa phương đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích mô hình hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân – doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng các mô hình trình diễn và chuyển giao kỹ thuật mới.../.