Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh Đồng Nai luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến các đối tượng người có công với cách mạng. Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đảng và đoàn thể trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình chính sách, người có công ngày càng được cải thiện, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Uống nước nhớ nguồn
Xã Bù Đăng là địa phương còn nhiều khó khăn, vùng sâu vùng xa sau sáp nhập của tỉnh Đồng Nai song địa phương luôn tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Chính quyền không chỉ chăm lo đời sống vật chất mà còn đặc biệt chú trọng đến đời sống tinh thần, giúp các gia đình chính sách ổn định cuộc sống.
Ông Trần Xuân Độ (thôn Hưng Tân, xã Bù Đăng) là thương binh hạng 4/4, thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn là một minh chứng. Gia đình ông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi không có đất sản xuất; 4 người con đều không có công ăn việc làm ổn định, đa phần đi làm thuê, làm mướn, thu nhập bấp bênh. Bản thân ông Độ cũng thường xuyên ốm đau, không còn khả năng lao động, hiện chỉ sống nhờ vào chế độ trợ cấp thương binh, bệnh binh của Nhà nước. Mới đây, căn nhà cũ đã xuống cấp của ông được chính quyền xã hỗ trợ sơn sửa, tân trang để đảm bảo điều kiện sinh hoạt.
Tương tự, bà Huỳnh Thị Mười (thôn Đức Lợi) cũng là hộ được hỗ trợ cải tạo nhà ở nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Bà Mười bị nhiễm chất độc hóa học, thuộc diện hộ nghèo, không đất canh tác; sống trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp lâu năm. Bản thân bà sức khỏe yếu, bị liệt nửa người phải ngồi xe lăn, thường xuyên ốm đau, không còn khả năng lao động, hiện chỉ sống nhờ vào chế độ trợ cấp của Nhà nước.

Chủ tịch UBND xã Bù Đăng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, năm nay, UBND xã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu và tổ chức họp mặt thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công nhằm kịp thời động viên, nêu gương các cá nhân tiêu biểu trong sản xuất, làm kinh tế giỏi. Xã phối hợp với Hội Cựu chiến binh Bệnh viện Chợ Rẫy khám, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 220 đối tượng là gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn xã.
Địa phương còn tổ chức rà soát nhà ở người có công và thân nhân mới phát sinh năm 2025 nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng trên; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công; ngăn ngừa, chấn chỉnh kịp thời những sai sót, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công.
Ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, các hoạt động trên nhằm ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với nước trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế; giáo dục và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa’’; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, phát động các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng phong trào ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ chăm sóc, giúp đỡ người có công và các gia đình chính sách còn khó khăn để cải thiện cuộc sống...
Tại phường Bình Phước, tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Thúy Vũ cho biết năm nay, tỉnh và phường đã tổ chức nhiều đoàn thăm và tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh nặng và gia đình người có công có tỷ lệ thương tật 81%, với mức quà 1 triệu đồng/người. Dịp này, phường tổ chức họp mặt kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với sự tham dự của 314 đại biểu là người có công. Mỗi đại biểu đều được trao quà tri ân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công với cách mạng; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Mệnh lệnh từ trái tim

Tại tỉnh Đồng Nai, công tác chăm lo cho người có công với cách mạng được triển khai sâu rộng và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Trong năm 2025, nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, toàn tỉnh tặng quà cho 15.461 trường hợp là người có công và thân nhân, với tổng kinh phí trên 10,9 tỷ đồng. Tỉnh thành lập 12 đoàn công tác đi thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh nặng và gia đình người có công trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu trong đợt thăm hỏi tại các xã, phường Chơn Thành, Minh Hưng và Nha Bích, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh: “Tỉnh Đồng Nai luôn nhận thức sâu sắc rằng, việc chăm sóc cho gia đình chính sách, người có công không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Bởi không có sự hy sinh nào là vô danh, không có đóng góp nào là nhỏ bé trong sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước”.
Tỉnh Đồng Nai đang quản lý trên 79.000 hồ sơ người có công và thân nhân người có công, trong đó, gần 3.700 người đang được hưởng trợ cấp hằng tháng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm 2025, 100% người có công trên địa bàn đều được quan tâm, tri ân, chăm sóc tốt. Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai đã xác nhận mới, di chuyển, chấm dứt chế độ, sửa thông tin cho khoảng 1.100 hồ sơ người có công; thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng hơn 78,6 nghìn lượt người, với tổng kinh phí gần 330 tỷ đồng.
Đồng Nai cũng là một trong những địa phương đã ban hành các chính sách đặc thù về người có công. Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 17/7/2024 quy định nhiều chính sách nhân văn như: Trợ cấp hằng tháng và tặng quà cho người có công nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ; đưa người có công và thân nhân người có công với cách mạng đi điều dưỡng tập trung, viếng Lăng Bác, tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tham quan các khu di tích lịch sử, khu căn cứ cách mạng tại một số tỉnh, thành phía Bắc; hỗ trợ cải táng mộ mẹ Việt Nam anh hùng đang an táng trên địa bàn tỉnh vào các nghĩa trang liệt sĩ…
Tất cả những việc làm trên thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với người có công với cách mạng. Đây không chỉ là nghĩa vụ thiêng liêng mà còn là giá trị nhân văn, là nền tảng để phát triển xã hội bền vững, gắn kết và nghĩa tình./.