Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp thông tin, từ đầu năm đến nay, khách du lịch đến tỉnh tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu vui cho ngành Du lịch tỉnh nhờ những nỗ lực xây dựng, quảng bá cũng như đầu tư, xây dựng sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc riêng của địa phương, tạo bước đột phá mới trong bản đồ du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến hết tháng 6/2025, tổng lượt khách du lịch đến Đồng Tháp đạt trên 4 triệu lượt người, đạt 55,46% kế hoạch; trong đó có 330.564 lượt khách quốc tế, tăng 4,89% so với cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ khách du lịch là 2.770 tỉ đồng, tăng 21,13% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Việt Nhật tại phường Mỹ Tho, những tháng đầu năm, du khách quốc tế và nội địa đặt tour của công ty đến Đồng Tháp tham quan, du lịch tăng mạnh.
Các điểm du lịch như bãi biển Tân Thành (xã Gò Công Đông), trại rắn Đồng Tâm (huyện Châu Thành), cồn Thới Sơn (phường Mỹ Tho), làng cổ Đông Hòa Hiệp (xã Cái Bè), cù lao Tân Phong (xã Ngũ Hiệp)… thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, vui chơi.
Ngoài ra, điểm du lịch nổi tiếng Vườn Quốc gia Tràm Chim (xã Tràm Chim), nơi được công nhận Khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới, đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động như thưởng thức các món ăn dân dã vùng Nam Bộ, hòa mình cùng với thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống hoang dã...
Bên cạnh đó, du khách còn có thể trải nghiệm hoạt động “Một ngày làm nông dân” ở Khu di tích Xẻo Quít (xã Mỹ Hiệp); chèo xuồng ngắm cảnh, câu cá thư giãn, thưởng thức ẩm thực ở Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng; "check-in" cánh đồng sen đang nở rộ tại Khu di tích Gò Tháp (xã Tháp Mười)…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Võ Phạm Tân cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hai con số, ngành Du lịch đã chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, tham mưu UBND tỉnh ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, chương trình, dự án, đề án cũng như cụ thể hóa nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển du lịch.
Ngành đã đa dạng hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh; giới thiệu tiềm năng du lịch, thúc đẩy xây dựng sản phẩm liên kết, nâng cao chất lượng dịch vụ; tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp đã phối hợp Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và các bên liên quan ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Cẩm nang điện tử, giới thiệu danh mục các dự án xúc tiến đầu tư trong vùng; phối hợp thẩm định, hỗ trợ các dự án phục vụ phát triển du lịch, triển khai mời gọi đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh.
Công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương tiếp tục được đẩy mạnh với hình thức đa dạng, nội dung sinh động. Các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình cùng nền tảng mạng xã hội được khai thác hiệu quả, góp phần lan tỏa rộng rãi du lịch Đồng Tháp. Nổi bật là chuyên mục “Vi vu Đồng Tháp” phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp cùng kênh YouTube, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem. Ngoài ra, trên các ứng dụng du lịch thông minh, phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin, bài viết quảng bá điểm đến du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống cùng những sản phẩm du lịch nổi bật của tỉnh.
Trong thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, thực hiện các giải pháp phát triển du lịch để thu hút khách; tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án du lịch có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, có tiềm năng phát triển, gắn với quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung xúc tiến, quảng bá theo trọng điểm, phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch; chú trọng chuyển đổi số; số hóa thông tin, tài liệu về điểm đến, hướng tới hình thành, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh./.