Đắk Lắk, mảnh đất bazan màu mỡ, từ lâu đã nổi tiếng với cà phê, hồ tiêu. Thế nhưng, ít ai biết rằng, nơi đây đang dần trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ trái cây Việt Nam với sự vươn lên mạnh mẽ của cây vải. Những vườn vải trĩu quả, căng mọng, mang hương vị ngọt ngào đặc trưng đang từng bước khẳng định vị thế, góp phần làm giàu cho người nông dân và tô điểm thêm sự trù phú cho vùng đất Tây Nguyên.

Vị ngọt trái vải cao nguyên
Trong cái nắng vàng dịu nhẹ của những ngày đầu hè, chúng tôi có dịp ghé thăm các xã Ea Sô, Ea Sar, huyện Ea Kar, một trong những vùng trồng vải trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Dưới bóng những tán vải xanh mát, hình ảnh người nông dân cần mẫn chăm sóc cho từng chùm quả đã trở nên quen thuộc.
Ông Nguyễn Văn Hòa trú tại xã Ea Sô - người con quê ở vùng vải Thanh Hà, tỉnh Hải Dương không giấu nổi niềm vui khi vườn vải đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Ước tính vụ này, vườn vải của ông sẽ cho sản lượng gần 30 tấn, với mức giá dự kiến khoảng 50.000 đồng/kg. Nhẩm tính sau khi trừ mọi chi phí, vụ này ông cũng đút túi tiền tỷ.
Theo chia sẻ của ông Hòa, năm 1998, ông đưa gia đình từ quê Hải Dương vào vùng đất này lập nghiệp. Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng cà phê và một ít cây ăn trái khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao, lại bấp bênh theo giá thị trường. Trong khi đó, một số cây vải ông mang giống từ quê vào trồng chơi trong vườn lại phát triển tốt, trái nhiều, có vị ngọt thanh, đem ra chợ bán lại được giá. Nhận thấy điều đó, ông đã từng bước nhân rộng cây vải thành cây trồng chủ lực trong vườn rẫy gia đình.
“Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, từ kỹ thuật chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh. Nhưng nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng đúng quy trình, vườn vải của tôi ngày càng phát triển tốt,” ông Hòa chia sẻ.

Không chỉ có ông Hòa, nhiều hộ nông dân khác quanh vùng cũng nhận thấy tiềm năng kinh tế to lớn từ cây vải. Họ mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng. Những chùm vải chín mọng, quả to đều, vỏ căng bóng là thành quả của bao ngày tháng miệt mài của ông Hòa và bao nông dân khác ở Ea Sô.
Ông Văn Đình Thìn, Chủ tịch UBND xã Ea Sar, huyện Ea Kar cho hay, những năm qua, xã Ea Sar đã xác định cây vải là một trong những cây trồng chủ lực, có tiềm năng phát triển kinh tế cao. Diện tích vải trên địa bàn xã hiện nay khoảng hơn 400 ha; trong đó, có 320 ha đã vào thời kỳ kinh doanh. Giống vải được bà con trồng chủ yếu là u hồng, u trứng, tàu lai (giống có nguồn gốc từ huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương )... Sản lượng ước tính vụ năm nay khoảng 5.000 tấn, với giá bán từ 35.000 đến 60.000 đồng/kg, tùy vào thời điểm và chất lượng quả, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân.
“Năm nay vải được mùa được giá nên bà con rất phấn khởi. Cây vải được trồng ở đây quả to, da đẹp, cùi dày, có vị ngọt thanh nên được thương lái rất ưa chuộng. Hơn thế nữa, cây vải ở đây có một đặc điểm riêng, đó là thời gian thu hoạch sớm hơn so với các vùng khác ở ngoài phía Bắc khoảng 1 tháng. Chính điều này đã tạo lợi thế cạnh tranh cho vải Đắk Lắk, khi các vùng khác chưa đến vụ, vải nơi đây đã thu hoạch rộ, giúp nông dân bán được giá cao hơn”, Chủ tịch UBND Ea Sar bày tỏ.

Theo lãnh đạo xã Ea Sar, trên địa bàn xã bà con sản xuất nhiều loại cây trồng như cà phê, mía, điều, ca cao, mắc ca, vải, nhãn... Mặc dù mới đưa vào trồng nhưng cây vải lại thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nhất và cho hiệu quả kinh tế cao vượt trội so với các cây trồng khác. Địa phương cũng chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá sản phẩm vải Ea Sar nói riêng và vải Đắk Lắk nói chung. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu được đẩy mạnh, giúp trái vải Đắk Lắk ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
“Chúng tôi đã có những chính sách hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật canh tác. Đồng thời, xã cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương lái đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con”, ông Thìn chia sẻ thêm.
Để phát triển bền vững cây vải, chính quyền xã Ea Sar cũng đang tích cực vận động bà con chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng vải, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết trong sản xuất. Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Thanh Bình là một trong những đơn vị tiên phong trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ vải ở huyện Ea Kar. Hiện nay, hợp tác xã có 16 thành viên trồng vải với diện tích trên 100 ha. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết sản xuất với khoảng 2.000 ha của các hộ trồng vải trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm vải của hợp tác xã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Thanh Bình cho biết: Hợp tác xã được thành lập với mục tiêu hỗ trợ bà con nông dân từ khâu kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Cùng đó, khuyến khích bà con áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, VietGAP để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhờ sự liên kết chặt chẽ, các thành viên của Hợp tác xã Thanh Bình không chỉ giảm được chi phí sản xuất mà còn có đầu ra ổn định với giá cả hợp lý. Sản phẩm vải của hợp tác xã ngày càng được nhiều thương lái và người tiêu dùng biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.
Khẳng định vị thế
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, trong những năm gần đây, cây vải đã khẳng định vị thế là một trong những loại cây ăn quả chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho tỉnh Đắk Lắk. Tính đến năm 2025, toàn tỉnh ước tính có khoảng 3.264 ha vải; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch đạt khoảng 2.046 ha. Sản lượng vải của Đắk Lắk đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt gần 21.180 tấn trong năm 2025.

Các vùng trồng vải tập trung chủ yếu ở các huyện như Ea Kar (với diện tích lớn nhất, vượt mốc 1.000 ha), Krông Pắc, Krông Năng, M'đrắk, Cư Kuin, Krông Bông, Buôn Hồ và Krông Ana. Mỗi vùng có những đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu riêng, góp phần tạo nên hương vị đặc trưng cho trái vải Đắk Lắk. Điển hình như vải ở Ea Sar, Ea Sô (Ea Kar) nổi tiếng với chất lượng và sản lượng ổn định.
Thị trường tiêu thụ vải Đắk Lắk ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa. Ban đầu, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa, thông qua các chợ truyền thống, siêu thị và các kênh thương lái. Tuy nhiên, với sự nâng cao về chất lượng và việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP vải Đắk Lắk đang dần chinh phục thị trường khó tính hơn.
Vải Đắk Lắk được tiêu thụ rộng rãi tại các thành phố lớn như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước. Ngoài tiêu thụ trong nước, vải Đắk Lắk cũng đã được xuất khẩu đi một số nước. Mặc dù sản lượng xuất khẩu hiện tại chưa lớn, nhưng vải Đắk Lắk đang có những bước tiến đáng kể trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và một số thị trường khó tính khác cũng đang được doanh nghiệp và hợp tác xã địa phương chú trọng khai thác.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã có những định hướng và chính sách cụ thể để phát triển cây ăn quả, trong đó có cây vải, theo hướng bền vững và hiệu quả.
“Chúng tôi tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, khuyến khích nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm vải”, ông Nguyễn Hắc Hiển cho biết.

Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho trái vải Đắk Lắk, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Việc xây dựng mã vùng trồng, mã đóng gói cũng đang được triển khai để nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm.
Những trái vải Đắk Lắk căng mọng, đỏ tươi, mang trong mình vị ngọt thanh mát, hương thơm dịu nhẹ, không chỉ là một loại trái cây thơm ngon mà còn là biểu tượng cho sự đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên của người dân vùng đất bazan này. Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng với sự đầu tư bài bản và định hướng phát triển đúng đắn, cây vải Đắk Lắk hứa hẹn sẽ tiếp tục vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường trái cây Việt Nam và quốc tế, mang đến tương lai tươi sáng cho người nông dân và góp phần rạng danh nông sản Đắk Lắk./.