Tiếng trống Chhay-Dăm vang lên khắp phum, sóc của đồng bào Khmer An Giang khơi dậy không khí mùa lễ hội đang đến. Giữa không gian đa sắc màu văn hóa Nam Bộ, âm vang trống Chhay-Dăm vẫn rộn ràng như lời nhắc nhở về một giá trị văn hóa phi vật thể cần được giữ gìn, lan tỏa và tôn vinh.
Mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống an lành
Trống Chhay-Dăm là loại nhạc cụ dân gian truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer An Giang. Trống Chhay-Dăm có hình dáng độc đáo giống chân voi, dài khoảng 1m, đường kính mặt trống 30cm, được làm từ khúc gỗ nguyên, thường là gỗ mít hoặc gỗ sao, khoét rỗng để tạo âm vang. Mặt trống làm bằng da trâu hoặc da bò căng đều hai đầu. Điểm đặc biệt của trống Chhay-Dăm còn nằm ở nghệ thuật trang trí tinh xảo trên thân trống với các màu sắc rực rỡ như vàng, đỏ, xanh. Đặc biệt trong biểu diễn, trống còn được gắn thêm các lớp vải nhiều màu sắc, mỗi màu mang một ý nghĩa sâu sắc, thể hiện quan niệm văn hóa, tín ngưỡng và mong ước của người Khmer.

Mỗi bộ trống Chhay-Dăm thường gồm 5 - 7 người diễn tấu cùng lúc. Tham gia biểu diễn thường là các thanh, thiếu niên có sức khỏe tốt, thể lực dẻo dai. Họ cần sự kiên trì, khổ luyện để làm quen với trống, nhịp điệu và phối hợp hài hòa giữa tay, chân, toàn bộ cơ thể, đồng thời biểu đạt cảm xúc và tương tác với khán giả.
Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-Dăm thường được cộng đồng người Khmer ở các xã biên giới An Giang trình diễn trong các lễ hội lớn như: Lễ hội Ok Om Bok (cúng trăng), Chôl Chnăm Thmây (Tết cổ truyền Khmer), Đôl-ta (lễ báo hiếu tổ tiên), các ngày lễ rước Phật trong chùa hay lễ khánh thành Sala, cột trụ chánh điện… tạo không khí trang nghiêm, sôi động và vui tươi cho các sự kiện.
Sư Chau Rine, sư phó chùa Snay Đon Kum (xã Ô Lâm) cho biết, mỗi nghệ nhân trình diễn thành thạo trống Chhay-Dăm có thể mất từ vài tháng đến vài năm khổ luyện. Độ tuổi trình diễn trống tốt nhất thường từ 16 - 40 tuổi.
“Điểm đặc biệt của Chhay-Dăm không chỉ ở kỹ thuật đánh trống mà còn ở phần trình diễn hình thể. Người đánh trống không chỉ đứng một chỗ mà thường vừa đi vừa nhảy múa, đá chân, lắc vai, giật hông, biểu cảm nét mặt theo tiết tấu nhịp nhàng tạo nên một bức tranh sống động, truyền cảm xúc mãnh liệt đến người xem”, sư Chau Rine thông tin.

Theo sư Chau Rine, trong các nghi thức tôn giáo và lễ hội, tiếng trống Chhay-Dăm được xem như cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh và các vị thần. Âm thanh của trống được coi là tiếng gọi của thần linh, mang lại may mắn, bình an. Nó còn mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện ước mong về sự che chở và ban phước của thần linh cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa và cuộc sống an lành.
Tham gia đội trống Chhay-Dăm, chùa Snay Đon Kum, nghệ nhân Chau Chon cho biết, người đánh trống phải thực sự cảm nhạc, hiểu trống như hiểu hơi thở. Mỗi cú đánh phải truyền thần, vừa chính xác, vừa có hồn thì người xem mới thấm được cái hay của Chhay-Dăm.
“Điệu trống lúc đầu chậm rãi, dần dần tăng nhịp, dồn dập và rộn ràng. Cao trào là lúc cả đoàn trống xoay vòng, nhào lộn, hô vang, gõ trống liên hồi tạo nên không khí lễ hội đầy phấn khích, vui tươi tạo bầu không khí sôi động”, nghệ nhân Chau Chon chia sẻ.
Đào tạo đội ngũ kế thừa
Hiện múa trống Chhay-Dăm tại An Giang thường được gắn liền với các ngôi chùa Khmer, biểu diễn phục vụ các nghi lễ. Ngày nay, dù đời sống hiện đại có nhiều đổi thay nhưng nghệ thuật Chhay-Dăm vẫn tồn tại trong các phum, sóc Khmer ở các xã biên giới An Giang và đang được các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cho lớp trẻ. Ông Chau Sóc Huân, Phó trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã Ô Lâm cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 120 người đang thực hành trống Chhay-Dăm và hơn 150 người đang học, nhưng chỉ khoảng 15 người có khả năng truyền dạy, trong đó chỉ có 3 nghệ nhân lớn tuổi với kinh nghiệm trên 30 năm.
“Hiện nay, việc dạy trống Chhay-Dăm cho trẻ ở các chùa Khmer An Giang thường phải thuê thầy từ các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, các nghệ nhân giỏi chế tác trống Chhay-Dăm ngày càng ít và không có người kế cận, dẫn đến việc phải mua trống và nhạc cụ từ bên ngoài với giá thành cao, khó hấp dẫn thế hệ trẻ theo học”, ông Chau Sóc Huân cho biết thêm.

Theo ông Chau Sóc Huân, trống Chhay-Dăm là công cụ giúp các thế hệ trẻ học hỏi về văn hóa, lịch sử và tinh thần cộng đồng của người Khmer. Việc cộng đồng Khmer vẫn lưu giữ và trao truyền nghệ thuật diễn tấu này trong các dịp lễ hội và nghi thức tôn giáo, cho thấy vai trò của trống Chhay-Dăm có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer An Giang. Vì vậy, nghệ thuật này của người Khmer An Giang cần được bảo tồn và gìn giữ.
Với những giá trị tiêu biểu của nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-Dăm, ngày 14/5/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 1350/QĐ-BVHTTDL đưa “Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-Dăm của người Khmer tỉnh An Giang” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để tránh nguy cơ mai một loại hình nghệ thuật này, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh An Giang đã phối hợp cùng các vị chức sắc uy tín trong đồng bào dân tộc Khemer và chính quyền các xã biên giới An Giang tổ chức 2 lớp truyền dạy múa trống Chhay-Dăm cho gần 50 thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, các chùa Khmer trên địa bàn đang tích cực tổ chức các lớp tập huấn, thuê thầy giỏi về trống Chhay-Dăm; hỗ trợ kinh phí mua sắm nhạc cụ, đạo cụ, trang phục và tạo điều kiện cho các đội nhóm biểu diễn trong các lễ hội, sự kiện. Ngoài ra, các nghệ nhân thành thạo tại các địa phương cũng tích cực hỗ trợ truyền dạy cho các em nhỏ để đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế thừa; thành lập những đội trống chuyên nghiệp phục vụ cho các chùa vào những dịp lễ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng và phum sóc.
Đến nay, cộng đồng Khmer An Giang có 5 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Hội đua bò Bảy Núi; Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông; Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê; Nghề làm đường thốt nốt và Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-Dăm./.