Cứ mỗi dịp ngày Rằm tháng 6 Âm lịch, đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer lại chuẩn bị Lễ Nhập hạ (Chôl Vossa) với nhiều nghi lễ quan trọng. Trong đó, nghi lễ dâng đèn cầy vào chùa của bà con Phật tử đã trở thành một nét văn hóa truyền thống đặc sắc, vừa mang ý nghĩa biểu tượng của ánh sáng trí tuệ, vừa mang ý nghĩa sâu sắc trong việc hộ trì Tam Bảo, mở đầu cho 3 tháng sư sãi an cư tu học.
Lễ Nhập hạ thường diễn ra trong hai ngày. Ngày thứ nhất, phật tử đem cặp đèn cầy lớn, vải tắm mưa cho các vị sư, dầu lửa, cơm, nước… đến chùa để cúng dường chư tăng. Sau đó, cung thỉnh sư sãi tụng kinh cầu an, thuyết pháp và hồi hướng công đức.
Ngày thứ hai, phật tử đến chùa cung thỉnh chư tăng tụng kinh cầu siêu cho người đã khuất và cầu bình an, chúc phúc cho gia đình và phum sóc.

Truyền thống dâng cúng đèn cầy trong dịp Lễ Nhập hạ thể hiện lòng tôn kính đối với Đức Phật. Phật tử thường dâng cúng các tứ vật dụng như nhang, đèn, hoa và các lễ phẩm khác, nhằm bày tỏ sự thành kính và hộ trì Tam Bảo.
Thượng tọa Sơn Thươl, Trụ trì chùa Bưng Tróp (ấp Bưng Tróp, xã An Ninh, thành phố Cần Thơ) chia sẻ: "Hiện trên thị trường có nhiều loại đèn cầy với mẫu mã đa dạng, kích thước phong phú, phù hợp cho phật tử lựa chọn trong dịp Lễ Nhập hạ. Các gia đình khá giả thường chọn loại đèn có trọng lượng từ 6 kg trở lên. Đối với những gia đình có mức sống trung bình hoặc còn khó khăn, họ có thể góp chung để dâng một cây đèn cầy hoặc cúng dường tịnh tài nhằm hỗ trợ nhà chùa trong việc chi trả phí điện, nước trong suốt ba tháng an cư kiết hạ".



Theo Thượng tọa Sơn Thươl, ngày xưa, đèn cầy lớn dùng để dâng cúng trong Lễ Nhập hạ thường được làm từ sáp ong nguyên chất. Phật tử trong các phum sóc cùng nhau tập trung tại chùa, cùng tham gia đúc đèn cầy (gọi là lễ đúc đèn cầy nhập hạ). Sáp ong được nấu chảy, đổ vào khuôn đúc để tạo thành những cây đèn cầy lớn, dâng lên chư Tăng trong chùa để thắp sáng bất kể ngày đêm trong suốt 3 tháng nhập hạ. Những ngọn đèn giúp soi rõ cho các chư Tăng chuyên tâm học phật pháp.
Trong 3 tháng an cư kiết hạ, chư Tăng không được đi khỏi chùa qua đêm; đi đâu, có việc gì cũng phải trở về nơi an cư trước khi mặt trời mọc, để giữ trọn giới luật an cư.

Trong dịp này, các chùa Khmer có tập tục đánh trống theo thời gian quy định vào 17 giờ mỗi chiều và 4 giờ sáng. Tiếng trống vang lên để nhắc nhở bà con trong phum sóc biết thời gian ra đồng, lên nương rẫy, đồng thời giúp sư sãi biết thời gian học đạo, tụng kinh.
Bà Lâm Thi Sà Vên ở ấp Bưng Tróp A, xã An Ninh, thành phố Cần Thơ chia sẻ: "Gia đình tôi năm nào cũng mua một cặp đèn cầy để cùng con cháu đem lên chùa dâng sư, nhằm hồi hướng công đức, phước báo đến người thân đã khuất sớm được vãng sanh về cõi Phật; đồng thời, đèn cầy là biểu tượng ánh sáng trí tuệ cầu mong giúp cho con cháu học tập tốt".


Dâng đèn cầy trong Lễ Nhập hạ không chỉ là nghi lễ Phật giáo truyền thống, mà còn là nét đẹp văn hóa đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Sơn Hên