Tỉnh Cao Bằng, với địa hình miền núi đặc thù, giàu tiềm năng tự nhiên nhưng lại thiếu đất sản xuất, từ lâu đã định hướng lấy chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là trâu và bò, làm nền tảng phát triển kinh tế cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giá thịt trâu bò liên tục giảm mạnh do biến động thị trường và điều kiện sản xuất thay đổi, khiến nghề chăn nuôi – từng là sinh kế ổn định của người dân rơi vào tình trạng khó khăn, bất định. Nhiều hộ dân bắt đầu quay lưng lại với “người bạn nông nghiệp” thân thiết bao đời.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Cao Bằng, tổng đàn trâu của tỉnh là hơn 104 nghìn con, giảm 1,27% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò cũng sụt giảm 0,67% so với cùng kỳ năm trước (còn hơn 101 nghìn con). Nguyên nhân chủ yếu do giá cả quá thấp, người dân không còn mặn mà đầu tư chăn nuôi, cộng với việc cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng phổ biến, khiến trâu bò không còn vai trò quan trọng trong sản xuất như trước. Thêm vào đó, việc trồng rừng khép tán khiến diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng duy trì đàn gia súc.
Điều đáng tiếc là mặc dù thịt trâu, bò Cao Bằng có chất lượng rất tốt nhờ môi trường tự nhiên trong lành, nguồn cỏ sạch, không chứa tồn dư chất kháng sinh hay thuốc tăng trưởng nhưng sản phẩm này vẫn chưa được xây dựng thương hiệu xứng đáng. Cao Bằng có giống bò H’Mông bản địa to khỏe, có sức đề kháng cao, thể trạng khỏe, ngoại hình đẹp, rất thích hợp để chăn nuôi lấy thịt. Tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích chăn nuôi đại gia súc và đạt nhiều kết quả tốt.
Các huyện Bảo Lâm, Hà Quảng – nơi có nghề chăn nuôi bò phát triển cũng tổ chức các lễ hội chọi bò, thi bò đẹp nhằm khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo và kích thích người dân chăn nuôi bò. Thế nhưng hiện nay, những kết quả và tiềm năng chưa được khai thác đúng cách khiến cho nguồn tài nguyên bị lãng phí và người dân rơi vào cảnh vòng xoáy luẩn quẩn, nuôi thì mất chi phí mà bán thì không đủ bù đắp chi phí bỏ ra.
Chị Nông Thị Lý, ở xóm Nà Quản, xã Lý Quốc chia sẻ, trước đây, bán một con trâu to có thể giúp gia đình sửa nhà, cho con đi học, mua sắm đồ đạc có giá trị. Thế nhưng hiện nay trâu bò đang mất giá nghiêm trọng. Nhà chị Lý có một con trâu nuôi 4 năm tuổi, rất to, đẹp mà người ta trả chưa tới 14 triệu đồng. Nhà bên cạnh cũng có cặp trâu mẹ con rất đẹp mà cũng chỉ được 15 triệu đồng. Nuôi trâu mấy năm không bằng nuôi 2 con lợn vài tháng. Theo chị Lý, hiện cả làng Nà Quản có hơn 100 hộ mà chỉ còn chừng 10 hộ nuôi trâu bò. Mỗi hộ cũng chỉ nuôi 2-3 con, chủ yếu là để lấy phân phục vụ sản xuất trồng trọt.
Năm 2009, Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo (DBRP) do IFAD (Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế) tài trợ, từng hỗ trợ người dân Cao Bằng đưa thịt bò H’Mông vào tiêu thụ tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội). Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao và tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, do thiếu nguồn cung ổn định, chương trình nhanh chóng “đổ bể”. Thực tế này cho thấy, dù sản phẩm có chất lượng, nếu không có chiến lược phát triển bài bản, sẽ rất khó duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Đinh Xuân Lập, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến cho giá trâu bò giảm mạnh. Trước khi xuất hiện dịch COVID-19, phía Trung Quốc đẩy mạnh thu mua trâu bò của Việt Nam, đẩy giá bán tăng lên rất cao. Có thời điểm lên đến 40-50 triệu đồng/con trâu. Thế nhưng, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, phía Trung Quốc đóng cửa biên giới khiến cho gia súc của Việt Nam không thể bán sang được và chỉ để dành cho tiêu thụ nội địa. Với sức mua yếu, giá trâu bò ngày càng giảm mạnh. Thêm vào đó, ngày nay, khi các phương tiện cơ giới nông nghiệp ngày càng phổ biến thì trâu bò càng ít có vai trò trong sản xuất nông nghiệp của người dân.
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp địa phương cần rà soát lại chiến lược, tập trung phát triển chăn nuôi bò ở các xã có tiềm năng, ưu tiên phát triển giống bò H’Mông. Đồng thời, cần có giải pháp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm; khuyến khích người dân chế biến sâu như giò bò, bò khô để nâng cao giá trị; hướng tới các hệ thống phân phối lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; xây dựng sản phẩm OCOP gắn với đặc trưng địa phương nhằm tạo dấu ấn thương hiệu rõ nét.
Thịt trâu, bò Cao Bằng đang đứng trước ngã rẽ, hoặc được khơi mở thị trường, đầu tư bài bản để trở thành mặt hàng chủ lực hoặc tiếp tục “lạc lối”, khiến nghề truyền thống mai một, người dân mất đi sinh kế vốn từng là niềm tự hào của nhiều thế hệ. Việc xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường và hỗ trợ nông dân không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là trách nhiệm giữ gìn nét văn hóa đặc sắc vùng cao./.