Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Thái Nguyên đang về đích đúng tiến độ, mang lại niềm hy vọng mới cho hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn. Hoạt động này giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống và vươn lên phát triển kinh tế.
Niềm vui khi vào nhà mới

Tại xã Na Rì, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đang về đích đúng tiến độ. Bà Nông Thị Anh Thơ, Chủ tịch UBND xã Na Rì cho biết sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, toàn xã có 146 hộ thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, 52 căn nhà đã hoàn thành, 90 căn đang trong quá trình thi công và 4 căn còn lại đã tập kết vật liệu, sẵn sàng khởi công trong những ngày tới. Với tiến độ hiện tại, đến ngày 30/8, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát ở xã sẽ hoàn thành.
Một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trình là gia đình anh Hoàng Bình Quang (tổ dân phố số 9 xã Na Rì). Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, ba thế hệ sống chung trong căn nhà cũ lụp xụp. Năm 2025, gia đình anh Quang được hỗ trợ 60 triệu đồng để xóa nhà tạm.
Ngôi nhà mơ ước của anh được hoàn thiện sau 2 tháng thi công, mang theo niềm vui và sự an tâm cho cả gia đình. Anh Hoàng Bình Quang chia sẻ, anh sẽ nỗ lực phát triển kinh tế để thoát nghèo, không phụ niềm mong mỏi và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Tương tự tại xã Phủ Thông, trong đợt này cũng có gần 100 ngôi nhà được xây dựng, sửa chữa từ nguồn vốn của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chung niềm vui an cư, ông Nguyễn Văn Đồng (thôn Khuổi Khén, xã Phủ Thông) bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình ông xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ông Đồng cho biết, gia đình ông làm nông thu nhập không ổn định. Nếu không có sự hỗ trợ thì không biết đến khi nào gia đình mới có thể xây được nhà kiên cố. Ông đã vay mượn thêm tiền từ người thân và bạn bè để đủ vốn đối ứng, hoàn thiện ngôi nhà. Có nhà mới khang trang, ông sẽ nỗ lực hơn trong việc phát triển kinh tế để thoát nghèo, trả nợ.
Bà Triệu Thu Phương, Chủ tịch UBND xã Phủ Thông chia sẻ, sau khi thành lập xã Phủ Thông mới, số nhà tạm, nhà dột nát là 82 nhà. Qua rà soát, địa phương có thêm 8 hộ đề xuất làm nhà ở. Ngay từ đầu tháng 7, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát của xã đã phân công các thành viên thường xuyên đôn đốc kiểm tra; phấn đấu trước ngày 20/8, tất cả các ngôi nhà sẽ được khởi công và hoàn thiện.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tỉnh Thái Nguyên (cũ) đã xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho người dân vào cuối tháng 4/2025. Theo thống kê có 4.979 hộ thuộc 37 xã, phường phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên trước khi sáp nhập sẽ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Trong đó, 4.176 hộ sẽ làm mới nhà và 803 hộ sẽ sửa chữa nhà. Đến ngày 8/7, đã có 4.170 hộ khởi công và hoàn thành nhà (2.174 hộ đã hoàn thành, 1.996 hộ đang thực hiện); còn 809 hộ chưa khởi công. Tuy nhiên sau khi hợp nhất với tỉnh Bắc Kạn (cũ), toàn tỉnh còn nhiều nhà, nhà tạm chưa được xóa.
Theo bà Hoàng Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đến nay đã đạt 80% tiến độ. Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phấn đấu trong tháng 7/2025 sẽ hoàn thành xong xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng người có công; trong tháng 8 sẽ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng còn lại.
Trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu do địa hình phức tạp, đồi núi cao khiến cho việc vận chuyển vật liệu gặp khó khăn, giá tăng cao. Đồng thời, nhiều hộ nghèo không có khả năng đối ứng; hỗ trợ của cộng đồng có hạn. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và hộ dân chưa quyết tâm xóa nhà tạm.
Do đó, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần tổ chức hội nghị với các sở, ngành chức năng và 37 xã phía Bắc có nhà tạm, nhà dột nát để bàn giải pháp khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đầu tháng 7/2025 đến nay, tỉnh đã thành lập 16 đoàn công tác trực tiếp về cơ sở để chỉ đạo rà soát, lập danh sách và xây dựng phương án hỗ trợ…
Dù sau khi hợp nhất tỉnh và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang có nhiều công việc cần giải quyết, nhưng Thái Nguyên vẫn coi xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách, người dân là ưu tiên hàng đầu. Do đó, địa phương đang khẩn trương chỉ đạo để hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian tới; qua đó thắp lên niềm tin, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc chăm lo, cải thiện đời sống cho đồng bào, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.