Giữa bạt ngàn cây trái và đồng ruộng xanh mướt của xã Mỹ Khánh (thành phố Long Xuyên, An Giang), nông trại Phan Nam đã tiên phong kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với khai thác du lịch sinh thái và giáo dục thực nghiệm độc đáo thu hút hàng chục nghìn du khách mỗi năm. Cuối năm 2024, điểm du lịch nông trại Pham Nam được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao; đây là sản phẩm OCOP du lịch nông trại đầu tiên của tỉnh An Giang.

Năm 2016, nông trại Phan Nam đi vào hoạt động với diện tích 2 ha, tập trung vào việc trồng rau và ổi theo phương pháp truyền thống ngoài trời. Nhận thấy xu hướng của người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến nông sản sạch và an toàn, với khát vọng nâng tầm giá trị sản xuất nông nghiệp, cuối năm 2017 chủ nông trại Phan Nam đã xây dựng nhà màng đầu tiên với diện tích 500m2 để trồng cà chua bi canh tác ứng dụng công nghệ cao.
Sản phẩm cà chua bi thu hoạch được thị trường đón nhận tích cực, phía nông trại tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nhà màng lên 5.500m2 để trồng dưa lưới, dưa lê, dưa leo, cà chua bi, gấc, nho… ứng dụng công nghệ cao. Tiếp đó, nông trại còn đầu tư 400m2 nhà lưới trồng hoa kiểng, tạo nên những mảng màu rực rỡ tô điểm cho không gian. Phần diện tích còn lại vẫn được tận dụng hiệu quả cho khu cây ăn trái, rau an toàn ngoài trời, khu cảnh quan xanh mát, cùng hệ thống mương nước, ao cá, tạo nên một bức tranh nông thôn sinh động và đa dạng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Chi, Giám đốc nông trại Phan Nam cho biết, với bước chuyển mình khá táo bạo của nông trại khi chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận tích cực. Hiện 3 sản phẩm chủ lực của nông trại như: cà chua bi, dưa lưới và ổi đều đạt chứng nhận VietGAP.
"Với chiến lược phát triển các sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, cảnh quan được quy hoạch bài bản, nông trại mạnh dạn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch dựa vào cảnh quan của nông trại. Nông trại xây dựng mô hình du lịch canh nông bài bản, nơi du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống nhà nông; tự tay thu hoạch và thưởng thức sản phẩm nông nghiệp sạch do nông trại sản xuất.

Tiếp đó, nông trại mạnh dạn phát triển mô hình "nông trại giáo trí", đây là mô hình kết hợp khéo léo giữa giáo dục và giải trí, hướng đến mọi đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, trở thành một trong những mô hình độc đáo ở Đồng bằng sông Cửu Long", bà Chi cho biết.
Từ cuối năm 2023, nông trại Phan Nam đã bắt tay với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Long Xuyên triển khai kế hoạch đưa mô hình du lịch canh nông kết hợp với giáo dục học đường để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Nông trại giúp học sinh các cấp trên địa bàn thành phố Long Xuyên rèn luyện kỹ năng sống thông qua các hoạt động thực tế tại trang trại; cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng nông sản, thực phẩm sạch…Hiện Nông trại Phan Nam là mô hình "Nông trại giáo trí" đầu tiên tại An Giang; tạo điều kiện cho học sinh đến tham quan trải nghiệm, học tập, có sân chơi bổ ích, theo đúng định hướng giáo dục toàn diện.

Cùng đoàn du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan nông trại, chị Hoàng Oanh thích thú cho biết, điểm độc đáo tại điểm du lịch này là các hoạt động trải nghiệm gắn liền với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Du khách được tham quan các khu vườn rau, trái cây trong nhà màng và còn được "nhập vai" làm người nông dân qua các hoạt động như thu hoạch rau, hái quả.
Chị Oanh hào hứng chia sẻ, các trò chơi dân gian tưởng chừng như đã mai một như làm bánh in, làm kem, luộc trứng trong nồi đất... được nông trại tái hiện, tổ chức cho du khách tham gia, vừa làm vừa hiểu thêm về văn hóa ẩm thực truyền thống của người dân Nam Bộ. Bên cạnh đó, các hoạt động hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa nông thôn miền Tây như chèo xuồng trên mương, câu cá, đạp xe khám phá các ngóc ngách của trang trại… được chị và bạn bè hưởng ứng tham gia nồng nhiệt.
Cuối năm 2020, Nông trại Phan Nam được UBND tỉnh An Giang công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Tháng 12/2024, điểm du lịch nông trại Phan Nam được thành phố Long Xuyên công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là điểm du lịch nông nghiệp đầu tiên của An Giang đạt chuẩn OCOP 3 sao đáp ứng các tiêu chí khắt khe về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tiềm năng phát triển, đặc biệt là gắn liền với bản sắc văn hóa, lợi thế của địa phương. Đặc biệt sản phẩm si rô atiso đỏ trồng và sản xuất tại nông trại cũng được thành phố Long Xuyên công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Thành công của nông trại Phan Nam là câu chuyện truyền cảm hứng về sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người nông dân hiện đại. Từ một trang trại sản xuất truyền thống, bằng tầm nhìn và sự đầu tư bài bản, nông trại Phan Nam cho thấy tiềm năng to lớn của việc kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch và giáo dục. Từ đó mở ra hướng đi mới để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại.
Bà Võ Thị Xuân Kiều, Phó Chủ tịch thành phố Long Xuyên, An Giang đánh giá, mô hình du lịch nông nghiệp nông trại Phan Nam là một trong những mô hình du lịch tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Mỹ Khánh. Mô hình đã góp phần xây dựng hình ảnh, quảng bá du lịch địa phương, thu hút nhiều lượt khách tham qua, góp phần giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập.
Theo bà Kiều, mô hình du lịch nông nghiệp nông trại Phan Nam góp phần quảng bá nông sản An Giang đến với khách du lịch trong và ngoài nước; đưa sản phẩm nông nghiệp sạch tiêu thụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Thành công của mô hình du lịch nông nghiệp của nông trại Phan Nam góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch An Giang, góp phần đưa xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên thành công trong công cuộc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu lĩnh vực du lịch.
Thanh Sang