Ngày 10/7, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa UBND tỉnh với UBND các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh nhằm báo cáo, trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 28 Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô khẳng định, từ ngày 1/7, bộ máy chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã) chính thức được vận hành theo đúng chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức bộ máy hành chính. Việc triển khai đồng bộ 28 Nghị định của Chính phủ trong thời gian ngắn đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của tỉnh Điện Biên trong cụ thể hóa chủ trương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từ cơ sở, nhất là cấp xã – nơi gần dân và sát dân nhất.
Tại tỉnh Điện Biên, với 45 xã, phường mới sau khi thực hiện mô hình hai cấp chính quyền, đây không chỉ là thay đổi về tổ chức hành chính mà còn là sự chuyển hóa toàn diện trong tư duy, phương thức điều hành và phục vụ nhân dân. Thực tế triển khai cho thấy, chính quyền các xã, phường đã có sự thích ứng nhanh, từng bước làm chủ nhiệm vụ mới, chủ động giải quyết nhiều công việc thuộc thẩm quyền, qua đó khẳng định vai trò là cấp chính quyền năng động và gần dân nhất. Nhưng quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc với nhiều nội dung trong 28 Nghị định chưa có hướng dẫn chi tiết; một số quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, gây lúng túng trong thực hiện. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu còn yếu, nhất là trong các lĩnh vực như: Đầu tư công, Tài nguyên và môi trường; Tài chính - Ngân sách, Tư pháp - Hộ tịch, Đất đai... Ngoài ra, cơ sở vật chất còn thiếu, nhiều xã thiếu trụ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong điều hành. Về nguồn lực, kinh phí và điều kiện đảm bảo cho việc phân cấp chưa tương xứng với khối lượng công việc mới, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi.

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND xã Sam Mứn Phạm Thiết Chùy thông tin, khó khăn, vướng mắc mà chính quyền xã mới đang gặp phải là một số vị trí việc làm của các cán bộ, công chức còn kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, dẫn đến đôi lúc gặp khó khăn trong giải quyết nhiệm vụ được giao (công tác văn thư lưu trữ văn bản thường, văn bản mật, công nghệ thông tin khối đảng). Số biên chế hiện tại của xã mới có một công chức Tư pháp – Hộ tịch nên rất khó khăn trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tư pháp – Hộ tịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã. Bên cạnh đó, hiện, Trung tâm phục vụ hành chính công chưa có máy lấy số xếp hàng tự động, màn hình hiển thị số, bộ máy tính (kèm máy scan) hỗ trợ số hóa giấy tờ khi người dân đến thực hiện tại xã.
Chủ tịch UBND xã Sín Thầu Nguyễn Văn Thắng cho biết, Nghị định số 151/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai cho cán bộ xã. Tuy nhiên, cán bộ chuyên môn về đất đai của huyện Mường Nhé (cũ) không đủ để phân chia về cho các xã mới. Vì vậy, cán bộ địa chính xã mới khi đi vào vận hành chưa tiếp cận được ngay với công việc được phân cấp, phân quyền cho cấp xã; chưa có thông tư, hướng dẫn, quy định về chức năng nhiệm vụ của các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp xã…

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên phát biểu tại hội nghị.
Từ những thực tiễn trên, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô yêu cầu các sở, ngành liên quan trả lời, giải đáp những khó khăn và vướng mắc mà chính quyền cấp xã đang gặp phải trong 10 ngày triển khai chính thức mô hình chính quyền 2 cấp và thực hiện 28 Nghị định của Chính phủ; đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã. Các sở, ngành cần quan tâm, tập trung hỗ trợ, trao đổi các xã gặp khó khăn trong lĩnh vực của ngành, đơn vị mình quản lý; đồng thời nhấn mạnh, đây là giai đoạn bản lề, đặt nền móng cho thành công lâu dài của mô hình chính quyền hai cấp. Vì vậy, chính quyền cấp xã, phường cần tiếp tục nỗ lực nâng cao năng lực, phát huy vai trò chủ động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới./.