Về với vùng núi Khánh Sơn hay Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ người Raglai miệt mài tập múa, gõ chiêng hay tự tay chuẩn bị bộ trang phục truyền thống cho buổi trình diễn tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025. Đó không chỉ là sự háo hức chuẩn bị cho một sự kiện văn hóa mà còn thể hiện tình yêu, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của lớp trẻ trong việc giữ gìn, tiếp nối bản sắc dân tộc. Từ những buôn làng xa xôi đến các sân khấu lớn của tỉnh, người Raglai đang từng ngày khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa địa phương.

Giữa nhịp sống hiện đại, tiếng chiêng, tiếng mã la, điệu múa xưa và lời hát ru vẫn được ngân vang qua giọng ca, bước chân của thế hệ trẻ. Họ chính là cầu nối sống động giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ với tương lai. Dẫu không tránh khỏi khó khăn khi vừa phải theo học chương trình văn hóa, vừa tham gia sinh hoạt cộng đồng nhưng nhiều bạn trẻ Raglai vẫn dành thời gian để học lại tiếng mẹ đẻ, luyện điệu múa, học cách dệt vải, nấu rượu cần, bắn cung hay chơi đàn Chapi (cây đàn gắn liền với người Raglai).
Em Cao Thị Thủy Tiên, học sinh lớp 12, người Raglai ở xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam cấp tỉnh. Dù việc học rất bận, em và các bạn vẫn nỗ lực tập luyện điệu múa truyền thống. Em rất vui vì có cơ hội giới thiệu văn hóa dân tộc mình và khám phá văn hóa nhiều dân tộc bạn. Em muốn sau này con cháu vẫn còn thấy được người Raglai mình có văn hóa, bản sắc riêng.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Khánh Hòa diễn ra ngày 15-16/4, tại thị xã Ninh Hòa. Trong khuôn khổ ngày hội, các nghệ nhân, diễn viên không chuyên trình diễn những tiết mục văn hóa, nghệ thuật quần chúng đặc sắc, giới thiệu vẻ đẹp của trang phục đồng bào dân tộc. Vận động viên tranh tài ở các môn thể thao đồng bào dân tộc như đẩy gậy, bắn nỏ, chạy cà kheo. Ban tổ chức còn tuyên truyền cổ động trực quan, trang trí xe lưu động, triển lãm ảnh “Sắc màu văn hóa các đồng bào dân tộc”, chiếu phim lưu động...
Tại không gian văn hóa, phần biểu diễn các nhạc cụ dân tộc “Sắc màu văn hóa các đồng bào dân tộc”, hình ảnh lao động, sinh hoạt, trang phục truyền thống thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến. Anh Cao Minh Nhân, người Raglai đến từ xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm cho biết, anh rất tự hào khi được hòa vào không khí đậm đà văn hóa. Là cán bộ văn hóa xã, anh sẽ tiếp tục lan tỏa và quảng bá những giá trị truyền thống đến gần hơn với cộng đồng.
Bà Phan Hải Thoại, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Là đơn vị đăng cai, chúng tôi đã huy động tối đa nguồn lực để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các đoàn về tham dự. Ngày hội là dấu ấn giao lưu đặc biệt, gắn kết đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh. Chúng tôi tin rằng du khách và các đoàn tham gia sẽ có những trải nghiệm ấn tượng với văn hóa, ẩm thực, con người Ninh Hòa”.
Ông Đặng Quốc Văn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa khẳng định, ngày hội là một hoạt động đặc sắc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Việc tái hiện phong tục tập quán, lao động, sinh hoạt và nghệ thuật quần chúng chính là cách hiệu quả nhất để thế hệ trẻ hiểu, tự hào về nguồn cội của mình.
Không chỉ là một lễ hội văn hóa, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Khánh Hòa năm 2025 còn là dấu mốc đáng nhớ trong hành trình khẳng định vị trí, vai trò của thế hệ trẻ trong giữ gìn bản sắc dân tộc. Họ đã và đang trở thành lực lượng nòng cốt, đầy nhiệt huyết và sáng tạo trong việc kết nối truyền thống với hiện đại, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với di sản văn hóa. Thế hệ trẻ Raglai hôm nay đang tiếp nối ngọn lửa truyền thống bằng những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19/4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Khánh Hòa hiện có 36 dân tộc cùng sinh sống, đoàn kết, gắn bó và sẻ chia.
Anh Tuấn