Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao Lào Cai, nhạc cụ truyền thống đã giúp truyền tải nét đẹp tâm hồn với các thanh âm, điệu múa và nhạc điệu của tâm linh hiện hữu trong những nghi lễ thiêng liêng của đồng bào nơi đây, thể hiện sức sống bền bỉ, mộc mạc, tính gắn kết cộng đồng cao.
Việc bảo tồn, gìn giữ, sưu tầm, truyền dạy loại hình nghệ thuật độc đáo này cho thế hệ trẻ đang được chính quyền địa phương và những lớp người đi trước nỗ lực thực hiện.

Độc đáo và đa dạng
Ở vùng cao Lào Cai, đồng bào Mông có nhiều loại nhạc cụ truyền thống gồm khèn, kèn, trống, chiêng, sáo, cây gậy tiền, đàn nhị, khèn môi, kèn lá. Người Dao có kèn, chiêng, trống, chũm chọe, chuông. Người Tày có sáo, nhị, đàn tính, não bạt, trống, kèn, quả nhạc, chùm nhạc... Các nhạc cụ này đều được chế tác tại chỗ, từ các vật liệu quen thuộc tại địa phương bằng bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của đồng bào.
Với người Mông, khèn là loại nhạc cụ nổi tiếng, được coi là biểu tượng, linh hồn của văn hóa dân tộc. Khèn có mặt trong các lễ hội, là vật bất ly thân của các chàng trai người Mông. Trong lễ cúng thần linh, khèn là vật kết nối giữa hai thế giới thực và tâm linh. Trong đời sống tình cảm, cây khèn với âm thanh du dương là công cụ quan trọng để các chàng trai tỏ tình với cô gái. Vì thế, những cây khèn được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của đồng bào.
Nguyên liệu làm ra loại nhạc cụ nổi tiếng, góp phần tạo nên những điệu múa khèn đặc sắc chính là những cây trúc ven suối, ven rừng. Một cây khèn thường có 6 ống, được gộp trục lại với nhau, sau đó người thợ sẽ khéo léo đục lỗ trên mỗi ống. Khèn Mông có ba bộ phận chính: Bầu khèn được làm chủ yếu từ gỗ thông; ống khèn được làm từ ống trúc và những chiếc lưỡi gà làm bằng đồng. Trong đó, lưỡi gà khi được lắp vào ống khèn sẽ là bộ phận tạo nên thứ âm thanh trầm bổng. Ống dài phát ra âm trầm. Ống ngắn phát ra âm bổng.
Giữa mênh mông đại ngàn, thanh âm tiếng khèn vang vọng, réo rắt hòa cùng động tác múa uyển chuyển, thuần thục, dứt khoát của các chàng trai Mông là minh chứng rõ nét nhất cho vẻ đẹp văn hóa truyền thống, niềm tự hào bao đời nay của đồng bào Mông. Bên cạnh khèn, điệu múa sinh tiền cũng là một trong những nét đẹp mang đậm bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc Mông. Nét độc đáo của điệu múa sinh tiền trước hết thể hiện ở nhạc cụ - cây gậy sinh tiền.
Gậy sinh tiền được làm từ thân cây trúc, có chu vi khoảng 5 - 7cm, dài khoảng 80 - 120cm. Thân gậy thường được làm từ 4 đốt ống trúc có chiều dài tương đối đều nhau. Trong đó, 3 đốt ống được đục lỗ, mỗi đốt đục 4 lỗ, mỗi lỗ xâu 3 đồng xu. Đốt thứ hai không đục lỗ để người biểu diễn cầm vào đốt này. Hai đầu gậy buộc một ít chỉ đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng hoặc sợi vải đỏ để gậy thêm đẹp hơn, giúp quá trình biểu diễn điệu múa mềm mại, uyển chuyển, sinh động. Khi múa, người chơi cầm gậy sinh tiền vừa múa, vừa di chuyển với các động tác khéo léo để gậy chạm nhẹ vào tay, chân, vai, bàn chân cho các đồng xu tạo ra âm thanh vui nhộn, thể hiện niềm phấn khởi và tưng bừng của dân làng.
Còn đối với người Tày, đàn tính và chùm nhạc là hai nhạc cụ quan trọng, được người dân sử dụng khá phổ biến trong các lễ hội, đặc biệt là lễ cúng Then. Bà Hoàng Thị Quản, nghệ nhân hát Then, xã Khánh Yên cho biết: Đàn tính vừa giữ vai trò dẫn dắt, vừa là nhạc đệm, đồng thời cũng là một "giọng hát thứ hai", bổ sung cho giọng hát nghệ sĩ diễn xướng.
Cây đàn tính được làm từ quả bầu khô, gắn lên mặt cắt một miếng ván mỏng, với các sợi dây làm từ tơ tằm. Người làm cần chọn quả bầu già, tròn đều, vỏ không bị nám hoặc lồi lõm thì đàn mới có âm vang chuẩn. Cần đàn được làm bằng gỗ, thẳng và nhẹ, một đầu xuyên qua bầu đàn, đầu còn lại uốn cong hình lưỡi liềm. Đàn tính thường có 3 dây được làm bằng tơ se, tượng trưng cho cha, mẹ và đất nước. Đây là nhạc cụ không thể thiếu trong mỗi nghi lễ Then của đồng bào Tày.
Mỗi nhạc cụ được người Tày sáng tạo ra đều có chức năng riêng và được sử dụng trong dịp lễ hội, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa khác nhau. Để có được những nhạc cụ đạt chất lượng, các nghệ nhân đã phải tỉ mỉ, dày công chế tác, gìn giữ cẩn thận và chỉ đem ra sử dụng khi có lễ hội, sinh hoạt văn hóa.
Bảo tồn, gìn giữ di sản
Không chỉ là món ăn tinh thần độc đáo, Nghệ thuật khèn của người Mông ở Lào Cai đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; Hát Then của người Tày đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Để việc bảo tồn di sản đạt hiệu quả, Lào Cai đã triển khai đồng bộ các giải pháp để mỗi nhạc cụ trong tổng thể kho tàng văn hóa dân gian của địa phương không phải là những vật dụng trưng bày trong bảo tàng mà được sử dụng, diễn xướng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có tác dụng gắn kết tinh thần đoàn kết của đồng bào.
Điển hình, các địa bàn vùng cao Lào Cai thường xuyên tổ chức các lễ hội trong năm gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" như: Lễ hội Gầu Tào, Cấp sắc, Cúng rừng, Xuống đồng… Đây chính là không gian diễn xướng vô cùng sinh động để các nhạc cụ như trống, khèn, kèn, đàn tính, gậy múa sinh tiền… thể hiện được trọn vẹn vẻ đẹp linh thiêng và bí ẩn, trang nghiêm nhưng cũng không kém phần náo nức, sôi động.
Ngoài ra, công tác bảo tồn và phát huy các nhạc cụ truyền thống dân tộc còn được thực hiện hiệu quả tại các trường học ở Lào Cai. Vừa qua, trong khuôn khổ "Vòng chung kết Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai năm 2025", màn đồng diễn múa gậy sinh tiền của 600 học sinh tại xã Bắc Hà đã xác lập kỷ lục về quy mô lớn nhất tại tỉnh Lào Cai, tạo cho du khách ấn tượng sâu đậm về miền đất "cao nguyên trắng" Bắc Hà giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
Những năm qua, lớp tập huấn về truyền dạy nghệ thuật hát Then Tày luôn được chính quyền địa phương tại xã Mường Bo, Bản Hồ quan tâm, tổ chức thường xuyên với sự tham gia của các nghệ nhân, các học viên là người dân tộc Tày. Đặc biệt, nhiều thiếu niên, nhi đồng cũng đến để tiếp thu và được truyền dạy văn hóa của dân tộc.
Các loại nhạc cụ như: Trống, đàn tính, quả chuông... được gia đình nghệ nhân Lù Văn Viên, xã Mường Bo gìn giữ, nâng niu và trưng bày tại những nơi trang trọng nhất của gia đình. Ông tâm sự: “Những nhạc cụ này là sợi dây kết nối, tạo nên những thanh âm có sức lay gọi tâm hồn con người để tạo nên sự hòa điệu giữa con người với các vũ điệu, lời ca, các nghi lễ Then, lễ hội, trò chơi dân gian. Tôi mong muốn truyền dạy cho con cháu để truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình không bị mai một đi”.
Em Hà Thị Thảo, 8 tuổi, xã Mường Bo chia sẻ: “Từ nhỏ, cháu đã rất thích được nghe đàn tính, nghe hát Then và được các cô, các bác ở xã, thầy cô ở trường dạy phải gìn giữ văn hóa truyền thống”.
Hệ thống nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai là minh chứng rất chân thực cho đời sống tinh thần, sự sáng tạo của con người nơi đây; góp phần làm nên bản sắc trong vốn văn hóa đa dạng và độc đáo của đồng bào vùng Tây Bắc; góp phần bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập của địa phương và đất nước./.