Trong muôn vàn thú vui của hành trình tìm hiểu văn hóa, bản sắc một vùng đất thì khám phá ẩm thực luôn là điều không thể thiếu đối với mỗi du khách. Xác định ẩm thực là con đường tiếp cận nhanh chóng, gần gũi, dễ chạm vào cảm xúc du khách, có khả năng ghi dấu ấn mạnh mẽ và hỗ trợ phát triển du lịch tích cực, những người làm du lịch ở Lào Cai đã và đang ngày càng phát huy hiệu quả sức hấp dẫn của ẩm thực truyền thống, đồng thời phát triển, sáng tạo ẩm thực hiện đại, coi đây là thỏi nam châm hút khách bền vững.

Giữ gìn hồn cốt ẩm thực truyền thống
Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Lào Cai có rất nhiều món ăn ngon, đặc sắc được chế biến từ chính nguồn nguyên liệu sẵn có tạo nên phong vị độc đáo. Xôi 7 màu và thắng cố Lào Cai - top 100 món ăn đặc sản Việt Nam do Viện Kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong những món ăn như vậy.
Xôi bảy màu là món ẩm thực độc đáo được các dân tộc Tày, Giáy, Nùng... thường chế biến vào dịp lễ, Tết. Bà Liềng Thị Mai, dân tộc Giáy, thôn Luổng Đơ, xã Cốc San, thành phố Lào Cai đã có gần 40 năm kinh nghiệm trong chế biến xôi bảy màu. Bà cho biết, trước khi nấu, nếp nương được ngâm trong nước khoảng 12 giờ. Sau đó ngâm vào nước màu khoảng 3 giờ cho ngấm màu. Tiếp đó, gạo được đãi lại, để riêng mỗi màu một góc trong nồi, nấu trong khoảng 1,5 - 2 giờ.
Điều đặc biệt của món xôi bảy màu này là ở phần nước màu được làm hoàn toàn tự nhiên từ các loại cây lá trong vườn, rừng như, lá cẩm, lá gừng... tạo thành màu sắc hấp dẫn như, hồng, đỏ tươi, xanh nước biển, xanh lá gừng, nâu, tím, vàng.
Không chỉ đơn giản là chất tạo màu, cây lá cẩm chính là dược liệu được bà con vùng cao sử dụng như một vị thuốc giúp giảm ho và cầm máu. Tùy tính chất sự kiện hay nguồn nguyên liệu sẵn có, một số nơi, thay vì xôi bảy màu, đồng bào thường làm xôi ngũ sắc (5 màu) với những sắc màu cơ bản như trên. Món xôi này khi ăn sẽ có vị dẻo ngọt của gạo nếp thơm lẫn trong mùi của lá rừng Tây Bắc, hương vị giản dị mà đậm đà khó quên.
Với kinh nghiệm của mình, bà Mai cũng truyền lại công thức làm xôi màu cho con gái, các chị em trong thôn cùng lưu giữ lại món ăn truyền thống của dân tộc mình và bán sản phẩm tại phiên chợ, điểm du lịch nổi tiếng.
Thắng cố là món ăn truyền thống của đồng bào Mông Lào Cai. Sở dĩ món thắng cố thu hút thực khách bởi cách chế biến. Món thắng cố truyền thống được làm từ thịt ngựa và nội tạng như tim, gan, phổi, lòng, dạ dày… Tuy nhiên, so với cách nấu thắng cố truyền thống, món thắng cố ngày nay cũng có một vài thay đổi để đáp ứng nhu cầu của phần lớn thực khách, đặc biệt là việc vệ sinh sạch sẽ phần nội tạng ngựa trước khi nấu.
Anh Sền Văn Chung, ở thôn Bản Phố, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà được người dân và du khách đánh giá là người nấu thắng cố ngon nhất vùng. Anh cho biết, đối với gia vị, ngoài các loại cơ bản như, thảo quả, lá chanh, gừng, xả, hoa hồi, quế… thì theo anh Chung, không thể thiếu lá cây thắng cố (một loại cây có lá dài, nhỏ, rủ xuống trông giống lá cỏ mần trầu). Mỗi loại gia vị đều có tác dụng riêng nhưng kết hợp tay nghề, cách gia giảm của người nấu tạo nên sự khác lạ và đặc biệt của thắng cố Bắc Hà so với những nơi khác.
Không chỉ có thắng cố hay xôi bảy màu, trong những buổi chợ phiên Bắc Hà, Sa Pa, Mường Khương, Bát Xát, các món phở hồng, cá suối nướng, lợn cắp nách... thu hút nhiều khách du lịch đến thưởng thức, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập.
Chị Anne M.J (du khách đến từ Australia) chia sẻ, khi đến với Bắc Hà, điều thu hút chị nhất chính là món phở hồng ở nơi đây, ngon miệng, thanh vị đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc địa phương.

Các chuyên gia du lịch nhận định, nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc nơi đó có dấu ấn tốt với du khách, qua đó, tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá nghệ thuật ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân, tạo nguồn thu cho địa phương. Do đó, bên cạnh gìn giữ tinh hoa ẩm thực truyền thống, Lào Cai còn phát huy lợi thế địa phương tạo ra những sản phẩm ẩm thực mới, độc đáo được nhiều thực khách ưa chuộng.
Nâng tầm giá trị ẩm thực hiện đại

Là địa phương có nghề cá nước lạnh phát triển nhất cả nước, những năm qua, các món ăn chế biến từ cá nước lạnh của Lào Cai đóng vị thế quan trọng trên bản đổ ẩm thực du lịch của địa phương, trở thành món ăn nhất định phải thử khi đến Lào Cai.
Cá hồi Sa Pa được nuôi tại khu vực Thác Bạc, Ngũ Chỉ Sơn, Séo Mý Tỷ... Nhờ nuôi hoàn toàn trong nguồn nước lạnh tự nhiên đã tạo nên những con cá hồi Sa Pa với chất lượng thịt săn chắc, màu sắc tươi hồng tự nhiên, không kém các loại cá hồi nhập khẩu. Qua bàn tay tài hoa của các đầu bếp, cá hồi được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như, gỏi, lẩu, cá hồi tẩm bột chiên giòn, cá hồi cuốn nấm nướng, cháo cá hồi đậu xanh… Dù được chế biến theo cách nào, thực khách cũng vẫn cảm nhận được vị thơm bùi, béo ngậy của thịt cá hồi hòa quyện với những gia vị đặc trưng của vùng cao Lào Cai.
Anh Hoàng Minh (du khách Cần Thơ) cho biết, lẩu cá hồi là món ăn đặc sản Sa Pa được gia đình anh yêu thích. "Nước lẩu được nấu từ cá hồi phi lê, thịt vụn, cà chua và dứa với vị ngọt thanh, đậm đà. Thịt cá hồi béo, thơm ngậy, ăn cùng bún và rau cải thảo, rau muống cực kỳ thích hợp trong tiết trời se lạnh của Sa Pa", anh Minh chia sẻ.
Từ cá, các doanh nghiệp, hợp tác xã không ngừng cải tiến sản phẩm, tăng cường chế biến sâu giúp khách hàng, du khách có thêm nhiều lựa chọn sử dụng, mang về làm quà trong mỗi chuyến đi.
Hợp tác xã Thức Mai tại thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa là đơn vị tiên phong của tỉnh Lào Cai khi thành công đưa những sản phẩm thượng hạng được chế biến từ cá hồi và cá tầm Sa Pa tới người tiêu dùng trên mọi miền đất nước.
Năm 2022, một số sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã như, cá tầm cắt khúc, chả cá tầm, viên thả lẩu cá hồi, xúc xích cá tầm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm khác cũng được đón nhận tích cực trên thị trường như, ruốc cá hồi, cá hồi hun khói, cá hồi phi lê, cá hồi cắt khúc, tinh dầu cá, cá tầm hun khói, cá tầm kho cạn...
Bà Phạm Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã Thức Mai cho biết, trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn cá hồi, cá tầm thương phẩm. Ngoài tiêu thụ tại Sa Pa, các sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Sơn La, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Đầu ra sản phẩm tại các hệ thống siêu thị hiện chiếm khoảng 50% số lượng cá mà trang trại của hợp tác xã nuôi được, còn lại là tiêu thụ qua kênh bán lẻ.
Ngoài cá hồi, cá tầm Sa Pa, Lào Cai đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu ẩm thực uy tín như, gạo Séng Cù, tương ớt Mường Khương, su su Sa Pa... Các sản phẩm đều có độ nhận diện cao và được thực khách đặc biệt ưa chuộng.
Những năm qua, lượng du khách trong và ngoài nước đến Lào Cai ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Ẩm thực đã thực sự trở thành một trong những dòng sản phẩm du lịch quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu du lịch địa phương; tạo ấn tượng, sự hấp dẫn lớn, giúp níu chân du khách./.