Tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi tổng diện tích đất trồng lúa sang các cây trồng, vật nuôi khác trên 31.400 ha. Hầu hết sau chuyển đổi, nông dân thu được lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa trên cùng vùng đất.

Gia đình ông Sơn Hải Phong, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành chuyển đổi hơn 3 ha đất trồng lúa sang trồng chanh không hạt năm 2023, cho lợi nhuận cao hơn khoảng 5 lần so với trồng lúa trên cùng vùng đất. Theo ông Phong, để đảm bảo đầu tư và được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, nông dân nên tham gia hợp tác xã để cùng sản xuất, dễ tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện nay, ông là thành viên của Hợp tác xã trồng chanh không hạt Thành Chí (xã Huyền Hội, huyện Càng Long).
Tham gia hợp tác xã, gia đình ông được hợp tác xã cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất, chăm sóc, kí kết hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường ít nhất 3.000 đồng/kg. Vì trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ nên nông dân có thể tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón cho cây, chỉ tốn chủ yếu chi phí đầu tư ban đầu. Nông dân tham gia hợp tác xã còn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng/thành viên từ nguồn vốn ủy thác của Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh để chuyển đổi mô hình; đồng thời được tạo điều kiện để tiếp cận nhiều chính sách khác của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Sau 1 năm trồng, chanh bắt đầu cho trái, 18 tháng cho thu hoạch ổn định, năng suất từ 30-50 tấn/ha/năm. Với giá bán 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng đạt lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha/năm.Cây chanh không hạt rất dễ trồng, không kén thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, không tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên do trồng để xuất khẩu nên trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông dân phải tuân thủ tuyệt đối theo danh mục hợp tác xã cung cấp.
Ông Thạch Thinh, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng lúa sang trồng màu khoảng 10 năm nay. Trong ba năm trở lại đây, ông thường xuyên trồng luân canh 3 vụ/năm: đậu cô ve- ớt chỉ thiên- dưa gang, cho lợi nhuận bình quân hơn 10 triệu đồng/vụ, cao hơn 3 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Ông Thạch Thinh chia sẻ tuy trồng màu tốn nhiều công chăm sóc hơn trồng lúa nhưng bù lại, thu nhập gia đình ông được cải thiện đáng kể.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở Trà Vinh đạt được một số kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi được lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Cùng với đó, công tác quy hoạch, phân vùng sản xuất được triển khai kịp thời, điều chỉnh phù hợp với từng địa phương, góp phần định hướng rõ ràng cho hoạt động chuyển đổi. Nhiều mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông, điện… cũng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng tốt cho yêu cầu sản xuất người dân.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Đông cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế còn tồn tại. Một bộ phận người dân vẫn giữ thói quen canh tác lúa, ngại chuyển đổi. Tình trạng thiếu vốn, thiếu lao động, thị trường đầu ra không ổn định cùng với ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh khiến việc chuyển đổi gặp không ít trở ngại. Diện tích chuyển đổi còn manh mún, rời rạc, thiếu liên kết nên khó hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ.
Ông Đông cũng cho biết thêm, nhiều hộ dân chuyển đổi tự phát, không theo quy hoạch, gây khó khăn cho quản lý đất nông nghiệp. Việc xác định đất lúa kém hiệu quả ở một số địa phương còn lúng túng; trong khi đó, các chính sách hỗ trợ có tiêu chí về diện tích khiến hộ nhỏ lẻ khó tiếp cận. Công tác thanh tra, giám sát chưa thường xuyên, chủ yếu mới dừng ở tuyên truyền, nhắc nhở.
Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong chuyển đổi, ông Đông cho rằng cần tiếp tụcđẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu rõ lợi ích kinh tế – môi trường của việc chuyển đổi đúng định hướng, tránh làm tự phát.
Bên cạnh đó, địa phương cần công khai minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lúa, giúp người dân dễ tiếp cận thông tin và thực hiện đúng theo quy định. Việc tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ người dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường cũng rất cần thiết.

“Chúng tôi cũng đang tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, hình thành vùng chuyên canh có hạ tầng đầu tư đồng bộ để thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tỉnh cũng tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm, kết nối chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho nông sản chủ lực để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản,” ông Đông nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Đông cũng đề xuất tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, đảm bảo đúng theo Nghị định số 112/2024/NĐ-CP của Chính phủ, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với điều kiện mới./.