Từng là “thủ phủ” của cây thuốc phiện, xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) giờ đây đang trở mình thành một điểm đến du lịch cộng đồng độc đáo giữa đại ngàn. Những người Mông quanh năm gắn bó với nương rẫy, nay đang học cách đón khách, làm du lịch và tự tay viết lại câu chuyện cuộc đời trên chính mảnh đất mình sinh ra.

Mường Lống hồi sinh
Là xã vùng cao của huyện miền núi, Mường Lống được ví như “Sa Pa của xứ Nghệ”. Ở độ cao hơn 1.500m, nơi đây quanh năm mát mẻ, sương giăng khắp núi rừng, đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn Trường Sơn. Cứ mỗi độ xuân về, cả núi rừng rực rỡ với hoa mận phủ trắng núi đồi, hoa đào hồng lên trong nắng ấm. Vẻ đẹp hút hồn này đã thu hút hàng nghìn du khách.
Để có mảng màu đẹp đẽ này thay cho màu tím hoa anh túc là cả một quá trình tuyên truyền, thay đổi nhận thức, đầu tư hạ tầng cơ sở của chính quyền địa phương và sự dám nghĩ, dám làm của đồng bào người Mông nơi đây.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, hiếm ai đặt chân đến đây ngoài cán bộ địa phương, giáo viên vùng cao hay các chiến sĩ biên phòng. Cũng chính vì địa thế hiểm trở ấy mà trong suốt thời gian dài, Mường Lống trở thành nơi “ẩn mình” của cây thuốc phiện. Đỉnh điểm, toàn xã có tới hơn 500 ha trồng loài cây "chết người" này.
Cái nghèo, cái đói và cả tội lỗi dường như đè nặng lên những căn nhà gỗ lụp xụp. Đến năm 1997, nhờ chính sách quyết liệt của Nhà nước và sự vào cuộc của chính quyền, Mường Lống mới chính thức xóa bỏ cây thuốc phiện. Thay vào đó, bà con chuyển sang trồng các loại cây như đào, mận tam hoa và làm du lịch cộng đồng.
Đã 50 tuổi, đôi bàn tay chai sạn nhưng ánh mắt của ông Vừ Tồng Pó ở bản Mường Lống 1 vẫn tràn đầy quyết tâm. Ông là người tiên phong đưa du lịch về với bản làng.
Ông Pó cho biết “Ngày trước, người dân trong bản chỉ biết trồng ngô, lên rẫy, nuôi bò. Đến khi có người dưới xuôi lên chụp ảnh, hỏi có chỗ nào nghỉ lại, tôi mới nghĩ sao không để người ta ở lại, ăn cơm với mình, nghe mình kể chuyện của bản. Năm 2021, nhờ tham gia các lớp tập huấn của chính quyền địa phương, tham khảo, học hỏi trên mạng, tôi đã mạnh dạn cất mới ngôi nhà bằng gỗ truyền thống của người H’Mông, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, tôi cũng học cách làm du lịch từ cái bắt tay, lời chào, đến chuyện học nấu ăn, làm phòng nghỉ,..."
Homestay của ông Pó hiện có ba phòng nghỉ với sức chứa 20 người. Những tháng cao điểm, homestay của ông tiếp đón từ 120 - 150 lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Riêng các ngày nghỉ, homestay của ông luôn kín phòng.
Thấy nhà ông Pó tấp nập đón tiếp khách du lịch từ dưới xuôi lên, các gia đình khác trong bản học tập, làm theo. Họ vay mượn để cải tạo nhà ở thành chỗ nghỉ cho khách; mở quán ăn hay mở điểm bán các đặc sản như gà đen, thịt gác bếp, đồ thổ cẩm… Mường Lống bắt đầu có những bước chuyển mình, từ một vùng rẻo cao heo hút, nghèo khó dần trở thành điểm đến đầy tiềm năng.
Chị Lầu Y Dếnh là một trong những người mạnh dạn làm du lịch ở bản Mường Lống 1. Chị không chỉ mở homestay mà còn tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, hướng dẫn du khách trải nghiệm cuộc sống của người Mông.
Chị Dếnh cho biết, chuyển sang làm du lịch ban đầu chị cũng nhiều bỡ ngỡ lắm. Nhưng may mắn chị được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi tập huấn, tham quan các mô hình, vừa hỏi, vừa làm nên rồi cũng quen. Tôi muốn du khách đến đây không chỉ để ngắm cảnh mà còn để hiểu hơn về văn hóa người Mông. Du khách có thể tự tay thuê, dệt những họa tiết thổ cẩm, chơi những trò chơi của người Mông, thưởng thức những món ăn đặc trưng của người bản địa... Hiện homestay của gia đình có thể đón cùng lúc 40 - 50 khách. Trừ hết chi phí, thu nhập trung bình hằng tháng từ homestay mang lại cho gia đình từ 5 - 7 triệu đồng.
Gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
Anh Lương Xuân Thuận, du khách đến từ Thanh Hóa chia sẻ: Giữa vùng đất nắng nóng như Nghệ An, tôi không nghĩ lại có một nơi khí hậu quanh năm mát mẻ như thế này. Cứ sáng sớm, nơi có độ cao 1.500m so với mực nước biển, sương mù như ôm trọn cả thung lũng Mường Lống. Rồi hoa mận, hoa đào khoe sắc đầy nương vườn, bên những nếp nhà lợp gỗ sa mu cổ kính. Mặc dù dịch vụ du lịch vẫn còn đơn giản, nhưng có dịp nhất định tôi sẽ rủ thêm người thân, bạn bè quay lại nơi đây.
Để liên kết và đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch, năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Mường Lống được thành lập. Hợp tác xã đã kết hợp giữa mô hình sản xuất nông nghiệp vào phát triển du lịch cộng đồng nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững cho nông dân. Đồng thời, Hợp tác xã thường xuyên tổ chức các buổi đi tham quan, học hỏi các mô hình làm homestay ở các tỉnh phía Bắc.
Giám đốc Hợp tác xã Lô Văn Phú cho biết: Hợp tác xã có 67 thành viên, riêng tổ homestay có 10 thành viên. Toàn xã hiện có 5 homestay. Trong năm 2023 - 2024, Mường Lống đón hơn 2.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, những tháng mùa xuân khi hoa mận nở, lễ hội hái mận diễn ra là thời điểm đón nhiều du khách thập phương nhất.
Du lịch được xem là một trong những ngành mũi nhọn để phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo tại huyện biên giới Kỳ Sơn. Huyện đã có những đề án để phát triển các điểm du lịch tại bản Yên Hòa ở xã Mỹ Lý, bản Mường Lống 1, xã Mường Lống; du lịch mạo hiểm, chinh phục đỉnh Puxailaileng - “nóc nhà” của dãy Trường Sơn ở xã Na Ngoi; hay đi chợ biên giới ở cửa khẩu Nậm Cắn vào dịp cuối tuần...
Để phát triển du lịch bền vững, huyện sẽ gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đồng thời tạo sự liên kết trong phát triển du lịch. Qua đó, du khách đến với Kỳ Sơn cũng như Mường Lống ngoài được ngắm cảnh đẹp, còn được hòa mình, khám phá không gian văn hóa đậm bản sắc của dân tộc Mông cùng sự mộc mạc, hiếu khách của người dân nơi đây…
Ông Xã Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối các địa điểm hoạt động du lịch, hỗ trợ người dân được đào tạo, khảo sát học tập kinh nghiệm qua các đợt thực tế ở một số mô hình chuẩn, tăng cường quảng bá hình ảnh, điểm đến trên mạng xã hội. Huyện cũng đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; thông qua chương trình liên kết, hợp tác với ngành Du lịch và các địa phương khác để quảng bá điểm đến Kỳ Sơn với khách du lịch.
Bên cạnh đó, Kỳ Sơn tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế như trồng dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng; nâng cao giá trị hàng hóa các cây mận, đào và các mô hình nuôi bò vỗ béo, gà đen, lợn đen…
Dù tiềm năng phát triển du lịch lớn, nhưng người Mông trên cổng trời Mường Lống vẫn đối mặt không ít khó khăn. Hiện, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đường vào bản còn khó khăn. Một số hộ đã hình thành homestay, tuy nhiên, còn thiếu tính bền vững, thiếu sự gắn kết. Các dịch vụ ăn, nghỉ phục vụ du khách còn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp, nên rất cần được sự đầu tư, quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương để đưa Kỳ Sơn nói chung, Mường Lống nói riêng thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách.
Trịnh Duy Hưng