Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận những bước tiến vượt bậc với tổng lượng khách ước đạt hơn 1,52 triệu lượt, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 60,8% kế hoạch năm.

Trong đó, khách quốc tế đạt gần 58.000 lượt, tăng mạnh tới 176,8%, còn khách nội địa đạt hơn 1,46 triệu lượt, tăng 44,3%. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 1.543 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, tương đương 77,1% kế hoạch năm, trong khi công suất sử dụng phòng lưu trú đạt khoảng 55%.
Theo ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng quản lý Du lịch, Sở Văn hóa Thể Thao vào Du lịch Cao Bằng, để đạt được kết quả ấn tượng này, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ngay từ đầu năm. Trong đó, nổi bật là việc ban hành sớm kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tổ chức tốt các lễ hội truyền thống nhằm thu hút du khách. Tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, phát triển các nền tảng thông tin trực tuyến, kết hợp quảng bá hiện đại qua mạng xã hội như TikTok, Facebook... giúp hình ảnh Cao Bằng lan tỏa mạnh mẽ hơn đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Song song với đó, Cao Bằng tập trung đầu tư, hoàn thiện và đưa vào khai thác nhiều điểm tham quan mới như điểm du lịch xóm Nặm Ngùa, Bãi Tình (xã Thanh Long), làng văn hóa truyền thống xóm Đồng Tâm (xã Lý Quốc), đồi cỏ Ba Quáng (xóm Bắc Vọng, xã Vinh Quý), cùng các dự án trùng tu, tôn tạo di tích như nhà sàn và đường lên đỉnh Núi Báo Đông (xã Đức Long), nhà sở chỉ huy chiến dịch Biên giới 1950, bia Ngự Chế năm 1431 và bia Câu Thủy bi ký năm 1702 tại núi Phai Tém (xã Hòa An), làng văn hóa dân tộc Tày Bản Giuồng (xã Thạch An), điểm check-in Đèo 15 tầng – Khau Cốc Chà (xã Xuân Trường), điểm ngắm cảnh sông Neo (xã Bảo Lạc), chùa Tổng Phườn (xã Nam Quang) và đền thờ Tô Thị Hoạn (xã Hạ Lang). Những công trình này không chỉ góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch mà còn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng dựa trên tiềm năng và lợi thế sẵn có, khai thác hiệu quả giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tăng cường giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch với các địa phương khác, đồng thời chú trọng bảo tồn di sản văn hóa địa phương, khuyến khích nghệ nhân và đồng bào dân tộc thiểu số tích cực gìn giữ, truyền dạy văn hóa truyền thống trong đời sống hằng ngày, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa đậm đà và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch theo kế hoạch, triển khai chương trình "Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc", kết hợp tổ chức các giải thể thao, đua xe mô tô địa hình, đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho cán bộ tại 56 xã, phường trên toàn tỉnh và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là công trình Bảo tàng tỉnh. Với những nỗ lực toàn diện và định hướng phát triển rõ ràng, Cao Bằng đang dần khẳng định vị thế là điểm đến "bình dị – xanh – thân thiện", lọt vào top những địa phương thân thiện nhất Việt Nam, hứa hẹn trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch khu vực miền núi phía Bắc.