Ngày 18/5, theo thông tin từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, từ ngày 11-17/5, trên toàn quốc đã có thêm 4 địa phương tổ chức lễ công bố hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, gồm: Sơn La, Bình Định, Bình Phước và Hậu Giang. Qua đó, nâng tổng số địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát là 19/63 địa phương.

Cụ thể, tỉnh Sơn La đã hoàn thành xóa 3.058 căn nhà tạm, nhà dột nát (xây mới 2.653 căn, sửa chữa 405 căn), trong đó: Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ: 200 căn (xây mới: 98 căn, sửa chữa: 102 căn); hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 314 căn (xây mới: 213 căn, sửa chữa: 101 căn); hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát: 2.544 căn (xây mới: 2.342 căn, sửa chữa: 202 căn).
Dù Chương trình xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được Thủ tướng Chính phủ phát động và đẩy mạnh trên phạm vi toàn quốc từ năm 2024, nhưng tỉnh Bình Định đã chủ động phát động triển khai từ năm 2020. Đáng chú ý, chỉ với 8 tháng triển khai, 3 tháng đồng loạt ra quân, Bình Định đã thực hiện hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, dột nát. Với mức trung bình hoàn thành 32 căn nhà/ngày, Bình Định có tỷ lệ hoàn thành các căn nhà cao hơn nhiều so với toàn quốc.
Theo đó, tỉnh Bình Định đã hoàn thành xóa 4.411 căn nhà tạm, nhà dột nát (xây mới: 2.531 căn; sửa chữa: 1.880 căn), trong đó: Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ: 2.224 căn (xây mới: 893 căn; sửa chữa: 1.331 căn); hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 109 căn hộ (xây mới: 64 căn; sửa chữa: 45 căn); hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát: 2.078 căn (xây mới: 1.574 căn; sửa chữa: 504 căn).
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đánh giá khá cao cách huy động toàn lực, xã hội hóa của Bình Định để tạo được sự đồng thuận ở các cấp, ngành, địa phương; đề nghị tỉnh cần tiếp tục phát huy cách làm quyết liệt, dám làm, đổi mới và hiệu quả; tiếp tục quan tâm đầy đủ, sâu sắc hơn đến các đối tượng chính sách, đến vấn đề xã hội để mọi người dân được tham gia, thụ hưởng thành quả.
Cùng với cả nước, tỉnh Bình Phước cũng đã nỗ lực hoàn thành xóa 765 căn nhà tạm, nhà dột, trong đó: Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ: 140 căn; hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát: 625 căn.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành xóa 1.479 căn nhà tạm, nhà dột nát (xây mới: 833 căn, sửa chữa: 646 căn), trong đó: Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ: 420 căn (xây dựng mới: 127 căn, sửa chữa: 293 căn); hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn: 12 căn xây dựng mới; hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát: 1.047 căn (xây dựng mới: 694 căn, sửa chữa: 353 căn).
Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, thời gian qua, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được các địa phương coi là nhiệm vụ quan trọng, được các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể và người dân đồng hành thực hiện. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo sát sao, tăng cường giám sát và đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình có công, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, đúng đối tượng.
Các cấp chính quyền tập trung huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và cộng đồng để triển khai hiệu quả chương trình. Các địa phương đã có nhiều sáng kiến nhằm phối hợp với doanh nghiệp vật liệu xây dựng giảm giá, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho người dân và biện pháp giám sát chặt chẽ để tránh sai sót, đảm bảo chương trình đạt hiệu quả thiết thực./.