Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận 42 ổ dịch, làm gần 6.000 con lợn bị tiêu hủy với tổng khối lượng lên đến hơn 261 tấn tại 1.142 hộ chăn nuôi. Dịch vẫn hiện diện tại 35 xã chưa qua thời gian cách ly 21 ngày, khiến nguy cơ lan rộng tiếp tục gia tăng.

Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cao Bằng, sự chủ quan của người dân trong phòng dịch kể từ cuối năm 2024 là một trong những nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Việc sắp xếp lại bộ máy hành chính địa phương khiến công tác tiêm phòng bị gián đoạn, đặc biệt nhiều lợn nái không được tiêm phòng do quy định vaccine chỉ dành cho lợn thịt và lợn con đủ 4 tuần tuổi, dẫn đến nguy cơ phát tán dịch bệnh trong đàn.
Thực tế ghi nhận tại nhiều địa phương đã có tình trạng người dân bán tháo lợn bệnh, thả xác trôi sông, vứt bừa bãi trong rừng cây hoặc thùng rác công cộng. Điển hình, ngày 24/6, chính quyền địa phương phát hiện 23 con lợn bệnh với tổng trọng lượng hơn 1 tấn bị thương lái bỏ lại giữa rừng ở xã Mã Ba (huyện Hà Quảng trước khi hợp nhập), buộc phải tổ chức tiêu hủy khẩn cấp.
Tại xã Trùng Khánh, chị Nông Thị Huệ, một hộ chăn nuôi chia sẻ nỗi lo trước sự xuất hiện của dịch bệnh trên địa bàn. Chị cho biết, từng có người hỏi mua lợn bệnh với giá 200.000 đồng một con với lý do để “nuôi cá sấu”, nhưng chị từ chối vì không muốn gây nguy hại cho cộng đồng chăn nuôi. "Nếu vì ham chút tiền mà bán lợn bệnh để rồi lây lan cho các hộ khác thì thất đức quá, nên tôi không làm,” chị Huệ khẳng định.
Tại địa bàn phường Tân Giang, ông Nguyễn Minh Châu, Chủ tịch UBND phường cho biết, dịch đang diễn ra tại nhiều tổ dân phố như Tổ 5, Hòa Chung (cũ), tổ 2 Duyệt Trung và một xóm thuộc Lê Chung. Đã có 29 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng với 230 con lợn phải tiêu hủy. Công tác kiểm soát dịch tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn khi virus tả lợn lây lan qua nhiều hình thức phức tạp như nguồn nước, chim di cư, vận chuyển và buôn bán thịt lợn. Sau khi phát hiện ổ dịch, chính quyền đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, tiêu hủy lợn bệnh, phun khử trùng và hướng dẫn kỹ thuật nhận diện bệnh cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là phường chưa được cấp vaccine để tiêm phòng cho lợn đủ điều kiện, mặc dù đã gửi yêu cầu cung cấp.
Trước diễn biến phức tạp, ngày 30/6/2025, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Công điện số 15/CĐ-CT yêu cầu các cấp, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Công điện nêu rõ nguyên nhân chủ yếu là sự lơ là trong chỉ đạo, giám sát, người dân chưa thực hiện đầy đủ vệ sinh thú y, tỷ lệ tiêm phòng còn thấp và mầm bệnh tồn tại trong môi trường cũ. Tỉnh yêu cầu thành lập các tổ phòng dịch tại các xóm có dịch, trực 24/24h để kiểm soát việc vận chuyển, tiêu hủy lợn bệnh, tổng vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng và khoanh vùng dịch. Việc giết mổ trong vùng dịch phải tuân thủ quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 972/QĐ-TTg.
Để kiểm soát dịch hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cao Bằng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc giám sát, cảnh báo, xử lý ổ dịch, đảm bảo cung cấp đầy đủ vaccine và hóa chất, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và buôn bán lợn, đồng thời duy trì vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, người dân và chính quyền địa phương kỳ vọng sự ổn định sớm của bộ máy quản lý sẽ giúp kiểm soát dịch nhanh chóng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ cộng đồng chăn nuôi và phát triển ngành nông nghiệp bền vững./.