Không để người dân phải sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược an sinh xã hội của tỉnh Phú Thọ. Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh đang huy động tối đa nguồn lực, quyết liệt triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm đảm bảo mọi người dân đều có nơi ở ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tính đến ngày 7/5/2025, huyện Thanh Sơn đã khởi công và hoàn thiện việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 423/622 hộ, đạt 68,0%. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN
Đồng lòng vì mục tiêu an cư cho người dân
Thanh Sơn là một huyện miền núi của Phú Thọ, đời sống người dân gặp không ít khó khăn, nhất là về nhà ở.
Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, năm 2025, huyện Thanh Sơn dốc toàn lực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người có công và đồng bào dân tộc thiểu số có chốn an cư.
Đến ngày 7/5, huyện Thanh Sơn có 423/622 hộ đủ điều kiện đã khởi công, hoàn thiện nhà ở, đạt 68%. Trong đó, có 302 hộ nghèo và cận nghèo, 70 hộ là người có công và thân nhân liệt sĩ, 51 hộ thuộc diện chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong căn nhà mới xây, chị Hà Thị Ngân, khu Thành Công, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn không khỏi xúc động cho biết, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Từ khi có chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình chị được hỗ trợ 60 triệu đồng cộng thêm tiền tích cóp và giúp đỡ của anh em, hàng xóm, gia đình chị đầu tư, xây mới ngôi nhà gần 100 m2 khang trang, sạch đẹp. Ngôi nhà là “điểm tựa” vững chắc giúp gia đình chị Ngân nhanh chóng ổn định cuộc sống…
"Trước kia, vợ chồng tôi sống trong một căn nhà tạm bợ, mùa mưa đến, chúng tôi luôn lo sợ nhà sập. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã xây dựng được căn nhà trị giá 300 triệu đồng. Chúng tôi đã yên tâm làm ăn, lo cho con học hành đầy đủ", chị Ngân vui mừng chia sẻ.

Năm 2025, huyện Đoan Hùng có hơn 500 hộ có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng. Huyện đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ số nhà được phê duyệt trước tháng 12/2025.
Bà Nguyễn Thị Bích Đào ở khu 4, xã Ngọc Quan thuộc diện hộ nghèo, sinh sống trong ngôi nhà cũ nát, không đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Với sự chung tay từ nguồn quỹ hỗ trợ của cấp trên và kinh phí hỗ trợ từ Công đoàn cơ sở Agribank chi nhánh Phú Thọ II, sự ủng hộ của anh em trong gia đình và ngày công của đoàn viên, hội viên các Chi hội đoàn thể, hàng xóm láng giềng, căn nhà đã được khởi công xây dựng với diện tích khoảng 60 m2, kinh phí dự kiến 160 triệu đồng. Đây cũng là công trình khởi động công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Ngọc Quan trong năm 2025, gồm 10 nhà theo chương trình (8 nhà xây mới và 2 nhà sửa chữa).
Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng Nguyễn Văn Vấn cho biết, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Việc này ở huyện Đoan Hùng được tổ chức rộng khắp, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống nhân dân, đồng thời phát huy truyền thống tương thân tương ái, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết của nhân dân.
Gỡ khó để hoàn thành mục tiêu đúng hạn

Thời gian qua, chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở được Phú Thọ triển khai mạnh mẽ, nhận sự đồng thuận từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Năm 2025, Phú Thọ phấn đấu hoàn thành xóa gần 3.400 nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 2.016 hộ có nhu cầu xây mới và 1.356 hộ có nhu cầu sửa chữa với nguồn lực huy động lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Quá trình triển khai còn không ít khó khăn, bất cập. Một số địa phương chưa tuyên truyền sâu rộng khiến người dân nhận thức chưa đầy đủ. Nhiều hộ khởi công cùng lúc gây thiếu hụt nhân công vì người dân địa phương có giá rẻ hơn thuê ngoài. Một số hộ được phê duyệt và cấp kinh phí nhưng lại chưa thể khởi công do ốm đau, mất người thân, không đủ điều kiện xây dựng hoặc thay đổi nhu cầu…
Do đó, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo quyết liệt triển khai. Các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và doanh nghiệp. Việc giám sát chất lượng được tăng cường, đảm bảo nhà xây mới và sửa chữa đúng tiêu chuẩn ba cứng gồm, nền cứng, khung tường cứng và mái cứng.
Tỉnh Phú Thọ xác định rõ lộ trình, yêu cầu hoàn thành hỗ trợ cho các hộ có đất ở hợp pháp trước ngày 30/6, các hộ khó khăn về đất hoàn thành trước ngày 30/9 và đảm bảo tất cả hoàn thành trước ngày 31/12.
Tính đến ngày 9/5, Phú Thọ đã khởi công xây dựng, sửa chữa 2.175 nhà trong tổng số 3.372 nhà được rà soát, phê duyệt cần hỗ trợ, đạt 64,5% kế hoạch với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Các công trình này, phấn đấu hoàn thành nghiệm thu, đưa toàn bộ vào sử dụng trước ngày 30/10.
Ông Lương Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo đúng quy định, kịp thời, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả.
Chính quyền các cấp quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình; tăng cường vận động nhân dân và nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở nhằm giúp các gia đình sớm có nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống, an tâm lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ Phùng Khánh Tài khẳng định, tỉnh đang huy động tối đa nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để không ai còn phải sống trong nhà tạm khi bước sang năm 2026. Với quyết tâm cao, cách làm chủ động, linh hoạt và sự đồng lòng của người dân, Phú Thọ đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau./.