Cùng với cả nước, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức được khởi động, đi vào vận hành đồng loạt ở tỉnh Điện Biên.

Dù phải đối mặt với những khó khăn đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới như giao thông cách trở, cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng chính quyền các xã vẫn đang nỗ lực với tinh thần phục vụ nhân dân, quyết tâm vận hành hiệu quả bộ máy mới.
Mặc dù trời có mưa, song ngay từ sáng sớm, không khí làm việc tại trụ sở xã biên giới Sam Mứn đã diễn ra tất bật, khẩn trương. Đội ngũ cán bộ, công chức đều chung niềm phấn khởi, khí thế trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã, người dân được đón tiếp chu đáo, nhiệt tình và hướng dẫn cặn kẽ quy trình làm hồ sơ trực tuyến. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quy trình kỹ thuật, hệ thống máy móc, đường truyền, nên những bộ hồ sơ đầu tiên đã được tiếp nhận, xử lý theo lộ trình mới nhanh chóng, thời gian trung bình 15 phút/hồ sơ.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Sam Mứn (Điện Biên).
Là một trong những người đầu tiên đến “xông đất” tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Sam Mứn, anh Phạm Quang Hải, ở thôn 1, được cán bộ đón tiếp, hướng dẫn đúng theo quy trình. Do không phải chính chủ, cộng thêm một số vướng mắc liên quan đến chủ sở hữu phần đất, nên hồ sơ của anh vẫn chưa thể giải quyết. Tuy nhiên, cán bộ chuyên môn đã tận tình giải thích, hướng dẫn giúp anh Hải nắm bắt quy trình cụ thể và những việc cần làm để giải quyết hồ sơ thuận lợi.
Anh Hải chia sẻ: “Mặc dù hồ sơ chưa thể giải quyết được ngay, nhưng tôi rất hài lòng với thái độ và sự đón tiếp của cán bộ xã mới. Tôi hy vọng không chỉ ngày đầu, mà sau này vẫn tiếp tục duy trì được như vậy”.
Ông Phạm Thiết Chùy, Chủ tịch UBND xã Sam Mứn cho biết, với biên chế gần 80 cán bộ, công chức, xã đang dốc toàn lực tập trung cho công việc. Do khoảng cách 2 trụ sở xã cũ trước khi sáp nhập cách xa nhau nên hầu hết các bộ phận đều đang phải làm việc tại trụ sở xã Sam Mứn trong tình trạng thiếu phòng làm việc; phần lớn cán bộ, công chức của xã đang phải làm việc trong nhà thi đấu thể thao. Chính quyền xã đang thực hiện song hành 2 nhiệm vụ tiếp tục ổn định tổ chức, con người, vị trí làm việc, nơi ăn chốn nghỉ; đảm bảo vận hành bộ máy thông suốt, không làm gián đoạn nhu cầu liên quan đến thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Xã biên giới Thanh Nưa, địa bàn mới được sáp nhập từ 5 xã cũ của huyện Điện Biên, có gần 30.000 dân số và 73 thôn, bản, là một xã có số dân đông nhất tỉnh sau sáp nhập. Cơ sở vật chất của xã Thanh Nưa đang rất khó khăn, thiếu thốn trong khi biên chế có hơn 100 người.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thanh Nưa Nguyễn Thái Bình, với tinh thần phục vụ nhân dân, việc đầu tiên khi vận hành bộ máy mới là xã tập trung vào hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công. Chính quyền địa phương đã bố trí 3 điểm giao dịch hành chính tại trung tâm xã Thanh Nưa, trụ sở xã Hua Thanh và Thanh Hưng cũ. Mỗi điểm đều có cán bộ túc trực để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, các nhu cầu chính đáng của người dân, không để trường hợp nào phải đi lại quá xa.
Trong sáng 1/7, tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Thanh Nưa có 10 người dân đến giao dịch về đất đai, trong đó có 1 bộ hồ sơ được giải quyết, những hồ sơ còn vướng mắc đều hướng dẫn về các thủ tục cần bổ sung, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả./.