Tình trạng lục bình dày đặc trên các tuyến kênh, mương trở thành nỗi lo ngại với nhiều người dân vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Long. Lục bình phát triển nhanh, ngoài tầm kiểm soát khiến nhiều tuyến kênh, mương bị tắc nghẽn, cản trở dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đường thủy và gây thiệt hại trực tiếp đến nhiều hộ dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Dọc theo dòng kênh cấp 1 thuộc ấp Bàu Sơn, xã Châu Thành, lục bình mọc phủ kín nhiều khu vực khiến tàu thuyền không thể lưu thông. Bà Thạch Thị Phương, ấp Bàu Sơn cho biết, ruộng lúa 6 ha của gia đình nằm dọc dòng kênh này. Khoảng 3 năm trở lại đây, lục bình mọc và sinh sôi kín mặt kênh khiến việc lấy nước tưới tiêu cho ruộng lúa gặp khó, buộc bà phải đầu tư thêm máy bơm để dẫn nước vào ruộng.
Không chỉ vậy, đến kỳ thu hoạch, thương lái không thể đưa ghe vào tận ruộng để thu mua như lúc trước nên phải tốn thêm chi phí khuân vác, vận chuyển lúa. Vì vậy, ruộng lúa của gia đình bà luôn bị ép giá thấp hơn khoảng 400-500 đồng/kg so với giá thị trường.

Cách đó không xa, gia đình bà Sơn Thị Kha Mau có 1,5 ha ruộng lúa nằm cặp dòng kênh cấp 2 cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều năm nay, mỗi vụ sản xuất bà luôn phải mất thêm gần 1 triệu đồng để thuê nhân công đưa lúa ra điểm tập kết.
Theo ông Thạch Phương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Sơn, toàn ấp có 408 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có trên 300 ha trồng lúa. Địa bàn có 6 tuyến kênh cấp 3 và 5 tuyến kênh cấp 2, 1 tuyến kênh cấp 1. Những năm gần đây, lục bình mọc dày đặc quanh năm trên các dòng kênh gây cản trở nghiêm trọng việc vận chuyển vật tư, nông sản. Bên cạnh đó, việc ứ đọng này còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Để xử lý khó khăn trước mắt và có thêm thu nhập, nhiều hộ dân địa phương đã tận dụng lục bình để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, hoặc thu hoạch, phơi khô bán cho các cơ sở đan đát, với giá từ 15.000-18.000 đồng/kg tùy chất lượng. Tuy nhiên, nhu cầu thu mua của các cơ sở còn hạn chế, trong khi lục bình sinh sôi phát triển nhanh không thể kiểm soát được.

Ông Lê Phước Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh (UBND tỉnh Vĩnh Long) cho biết, hiện, đơn vị đang quản lý 161 tuyến kênh cấp 1 với tổng chiều dài hơn 890 km, 1.059 tuyến kênh cấp 2 với tổng chiều dài hơn 1.750 km. Tình trạng lục bình phủ kín nhiều dòng kênh cấp 2 và các kênh nội đồng đã kéo dài nhiều năm, song chưa thể xử lý triệt để do lục bình sinh trưởng quá nhanh, ngoài khả năng kiểm soát. Việc trục vớt hiện nay chủ yếu dựa vào sự phối hợp giữa chính quyền và người dân, còn việc sử dụng biện pháp sinh học do ngành nông nghiệp tỉnh thử nghiệm vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Vĩnh Long đang tích cực tìm kiếm các giải pháp bền vững để kiểm soát lục bình sinh trưởng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, mới đây, Trường Đại học Trà Vinh và một số doanh nghiệp nước ngoài đã đến địa bàn khảo sát, nghiên cứu triển khai dự án khai thác lục bình làm nguyên liệu sản xuất điện sinh khối, khí nén tự nhiên (CNG), biogas và phân bón sinh học.
Cùng với đó, tỉnh đồng ý chủ trương cho các đơn vị khảo sát lập báo cáo nghiên cứu tính khả thi dự án; đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp và nhà trường trong việc cung cấp thông tin, chính sách và thủ tục để triển khai dự án.

Phó Chủ tịch Nguyễn Quỳnh Thiện đánh giá cao ý tưởng dự án, nếu được triển khai bài bản và hiệu quả, đây sẽ là giải pháp dài hạn, không chỉ giải quyết triệt để tình trạng lục bình gây tắc nghẽn dòng chảy, mà còn mang lại giá trị kinh tế mới cho địa phương. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch tỉnh cũng nhấn mạnh cần thực hiện nghiên cứu một cách thận trọng, tính toán kỹ các phương án và lộ trình thương mại hóa đầu ra sản phẩm để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững./.