Nghề nuôi chim yến đang hình thành nên chuỗi giá trị mới trong phát triển kinh tế nông thôn tại tỉnh Gia Lai. Không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nhiều mô hình còn được liên kết sản xuất, chuẩn hóa tiêu chuẩn sản phẩm, xây dựng thương hiệu hướng tới thị trường xuất khẩu.

Mô hình nuôi yến kiểu mẫu
Được thành lập từ năm 2022, Hợp tác xã Phố Yến, xã Phú Thiện là một trong những đơn vị điển hình, tiên phong xây dựng mô hình nuôi yến tập trung, liên kết sản xuất và chế biến sâu sản phẩm. Hiện hợp tác xã đang vận hành 17 nhà yến tập trung với sự tham gia của 35 xã viên. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết với hàng chục hộ dân trên địa bàn các xã Ia Pa và Đức Cơ để mở rộng thêm 35 nhà yến ngoài khu vực tập trung.
Mỗi tháng, các nhà yến của Hợp tác xã Phố Yến cho thu hoạch từ 2 đến 5kg tổ yến thô. Với mức giá hiện nay dao động khoảng 18 triệu đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi xã viên của hợp tác xã thu nhập trung bình từ 20 đến 40 triệu đồng/tháng.
Không chỉ dừng lại ở việc thu hoạch yến thô, Hợp tác xã Phố Yến còn chế biến sâu sản phẩm, đóng gói và dán nhãn thương hiệu. Hiện các dòng sản phẩm yến thô và yến tinh chế của hợp tác xã đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Hiện hợp tác xã đang tiếp tục đầu tư thêm thiết bị chế biến, đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000 và HACCP để hướng tới thị trường xuất khẩu.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Hợp tác xã Phố Yến cho biết, hiện hợp tác xã đang hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, HACCP để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, qua đó đưa sản phẩm yến của Gia Lai vươn ra thị trường nước ngoài.
Điểm nổi bật của mô hình là việc chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình liên kết, hợp tác giúp giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả vận hành và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tham gia mô hình, các xã viên được hỗ trợ kỹ thuật, bảo trì nhà yến định kỳ, cùng nhau xây dựng thương hiệu giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Anh Nguyễn Ngọc Hải, thành viên Hợp tác xã Phố Yến chia sẻ, qua quá trình tìm hiểu quy trình nuôi yến tại Hợp tác xã Phố Yến và nguồn lợi kinh tế đem lại sau mỗi kỳ thu hoạch, anh đã quyết định đồng hành. Tham gia vào hợp tác xã, tôi được hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra sản phẩm ổn định. Sản phẩm được đưa vào chuỗi OCOP, có thương hiệu và được thị trường đón nhận.
Người dân biên giới làm giàu từ nghề nuôi yến
Không chỉ hình thành các khu vực tập trung, nghề nuôi yến còn phát triển mạnh tại các vùng biên giới của tỉnh Gia Lai. Điển hình tại xã Đức Cơ, chị Nguyễn Thị Nguyên (tổ 4) là một trong những người tiên phong gắn với nghề nuôi yến từ năm 2017. Từ việc đầu tư nhỏ ban đầu, đến nay chị đã xây dựng được một hệ thống 5 nhà yến với sản lượng mỗi năm trên 1 tạ yến thô.
Ngoài việc thu hoạch yến thô, gia đình chị Nguyên còn đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu “Yến sào Nguyên Việt” đảm bảo truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Năm 2023, sản phẩm yến thô và yến tinh chế của gia đình chị Nguyên đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Với giá bán hiện nay, mỗi năm doanh thu của gia đình chị đạt gần 2 tỷ đồng.
Tương tự, chị Nguyễn Hải Yến ở thôn Chư Bồ 1, xã Ia Dơk cũng gắn bó với nghề nuôi yến gần 7 năm nay. Gia đình chị hiện có 2 nhà yến, mỗi năm cho thu hoạch hơn 50 kg sản phẩm yến thô và yến tinh chế. Năm 2024, sản phẩm yến thô của chị được chứng nhận OCOP 3 sao và được tham gia nhiều chương trình kết nối cung cầu để mở rộng thị trường tiêu thụ. Thu nhập sau khi trừ chi phí mỗi năm đạt gần 500 triệu đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai Đoàn Ngọc Có, nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh, hình thành chuỗi giá trị mới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường, đặc biệt là đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, các cơ sở, hợp tác xã và hộ nuôi chim yến cần gắn kết theo chuỗi từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; trong đó, chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tăng cường quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, các kênh truyền thông và kết nối với các nhà cung cấp lớn.

Theo thống kê, khu vực phía Bắc tỉnh Gia Lai hiện có hơn 1.450 nhà nuôi chim yến, với sản lượng khoảng 7.000 kg mỗi năm. Nghề nuôi chim yến đang tạo ra chuỗi giá trị mới trong phát triển kinh tế nông thôn, mang lại thu nhập cao cho người dân, qua đó giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác cùng phát triển và chuẩn hóa tiêu chuẩn sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng./.