Tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nhất là các loại nông sản có giá trị kinh tế thấp, nhiều người dân ở tỉnh An Giang đã đầu tư phát triển ngành nghề sản xuất, chế biến, vừa nâng cao thu nhập gia đình, vừa góp phần tiêu thụ nông sản, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người dân khu vực nông thôn.

Tạo việc làm cho nhiều người
Là một trong những hội viên phụ nữ trẻ siêng năng, nhạy bén, sáng tạo tiêu biểu trong sản xuất chế biến nông sản, tạo việc làm cho nhiều người ở xã U Minh Thượng, tỉnh An Giang, chị Nguyễn Thị Quẩn (37 tuổi) cho biết, hiện tại cơ sở sản xuất các sản phẩm chuối, dứa sấy của gia đình tạo việc làm ổn định cho hơn 10 người ở địa phương. Các sản phẩm chuối sấy, dứa sấy dẻo nhiều vị của chị cũng không ngừng được mở rộng thị trường và gia tăng về số lượng trong những năm gần đây.
Theo chị Quẩn, trước năm 2021, vợ chồng chị đi làm công ty ở thành phố Cần Thơ nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID 19, vợ chồng chị về quê tại U Minh Thượng để lập nghiệp. Nhận thấy U Minh Thượng có nguồn nguyên liệu chuối, dứa, chị Quẩn quyết định chọn nghề chế biến các sản phẩm ăn vặt từ chuối và dứa.
Thời gian đầu, chị Quẩn chế biến với số lượng ít để bán cho bạn bè, những người thân quen, nhưng sau thời gian được người tiêu dùng ủng hộ và giới thiệu rộng rãi cho nhiều người, dần dần đã mở rộng quy mô, với số lượng sản phẩm bán ra thị trường từ 300 - 400kg mỗi tháng. Thị trường chuối và dứa sấy của chị Quẩn hiện được bán lẻ và bỏ sỉ cho hàng chục tiểu thương ở nhiều tỉnh, thành phố lớn như: Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…
“Ban đầu, tôi làm chuối ép và dứa phơi khô bằng ánh nắng mặt trời với vị tự nhiên truyền thống. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm được nhiều người ủng hộ và số lượng đơn hàng đặt nhiều, tôi đã đầu tư mua 2 máy sấy, đồng thời làm thêm dứa sấy tẩm vị muối ớt để đa dạng sản phẩm theo nhu cầu khách hàng. Tôi rất mừng vì vừa tăng thu nhập gia đình, vừa tạo việc làm cho nhiều người, đặc biệt là góp phần tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản chuối, dứa của địa phương”, chị Quẩn nói.
Cũng tận dụng nguồn nguyên liệu chuối xiêm dồi dào ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng, chị Trần Thị Ngọc Lành, ngụ xã U Minh Thượng, tỉnh An Giang đã thành công và khá giả hơn nhờ nghề làm kẹo chuối. Theo chị Lành, món kẹo chuối hay còn gọi là mứt chuối được nhiều gia đình ở địa phương làm vào các dịp Tết Nguyên đán, hay đám tiệc, hoặc làm quà gửi cho người thân ở xa. Trong khi đó, chuối xiêm là thành phần chính để tạo món kẹo chuối thơm ngon nên chị Lành nghĩ đến nghề làm kẹo chuối để bán trong các dịp Tết, làm quà tặng. Vậy là từ năm 2017, chị Lành gắn bó với nghề làm kẹo chuối cho đến nay.
Theo chị Lành, những năm đầu, số lượng kẹo chuối bán ra chỉ từ 300 kg/năm và chủ yếu là khách hàng ở địa phương, nhưng nhờ sản phẩm thơm ngon, giá bình dân và được đăng bán trên các nền tảng mạng xã hội nên ngày càng được vang xa đến khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố và hiện số lượng kẹo chuối của chị Lành cung ứng sỉ, lẻ gần 1 tấn/năm, nhân công làm từ 6 - 8 người, tùy từng thời điểm.
“Trung bình mỗi năm, cơ sở làm kẹo chuối của tôi sử dụng hơn 1.500 nải chuối xiêm, hơn 500 kg gừng củ, góp phần tiêu thụ 2 loại nông sản này với giá ổn định. Kẹo chuối cũng được làm từ những quả chuối chín mọng trên cây và được ép phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên giữ được mùi vị ngọt thanh đặc trưng, có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tôi làm kẹo chuối có kết hợp thêm gừng bằm sợi và lạc rang để tạo nên hương vị thơm, ngon”, chị Lành cho hay.
Nâng cao giá trị nông sản
Sản phẩm Trà mãng cầu xiêm 2 Đậu của ông Nguyễn Tấn Đậu, xã Giồng Riềng là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao của tỉnh An Giang có mặt ở nhiều của hàng bách hóa lớn và siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Kiên Giang năm 2021 đến nay. Ông Đậu cho biết, từ những năm 2010, trên địa bàn Giồng Riềng phát triển mạnh mô hình trồng mãng cầu xiêm để bán trái cho các thương lái ở tỉnh, thành phố khác cho hiệu quả kinh tế khá ổn định. Năm 2017 gia đình ông trồng vườn mãng cầu xiêm nhưng đến mùa thu hoạch, không riêng gia đình ông mà nhiều nông dân ở địa phương gặp phải tình trạng rớt giá, giảm lợi nhuận từ việc bán trái mãng cầu.
Trước khó khăn đó, ông Đậu đã tìm hiểu và biết được nhu cầu sử dụng trà mãng cầu xiêm và những công dụng của loại trà này nên ông đến cơ sở chế biến trà mãng cầu ở thành phố Cần Thơ học hỏi cách chế biến. Đồng thời, nghiên cứu tìm hiểu thêm trên mạng xã hội để chế biến thành công loại trà này. Theo ông Đậu, nếu trồng bán trái mãng cầu xiêm, người nông dân có lời khoảng 5.000 đồng/kg, tuy nhiên qua chế biến trà mãng cầu, lợi nhuận sẽ tăng lên hơn 20.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với bán trái thương phẩm.
“Qua gần 4 năm phát triển, Trà mãng cầu xiêm 2 Đậu không ngừng tăng về số lượng bán ra thị trường, với mức trung bình mỗi năm khoảng 2 tấn trà thành phẩm, lợi nhuận trên 250 triệu đồng. Cơ sở thu mua khoảng 15 tấn trái mãng cầu xiêm của hơn 10 hộ nông dân với mức giá ổn định, cao hơn các thương lái ở xứ khác đến mua từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 6 nhân công với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Tấn Đậu thông tin.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Nguyễn Thống Nhất cho biết, thời gian tới, để giúp cho các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh phát triển bền vững, xứng với tiềm năng hiện có, tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các cơ sở kinh doanh, chủ thể các sản phẩm OCOP tuân thủ các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ để nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận cho người dân.
Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở, hộ dân tận dụng tối đa thế mạnh nghề truyền thống, nguồn lao động kết hợp với công nghệ sản xuất tiên tiến để đầu tư sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, tiêu thụ tốt, hỗ trợ các cơ sở, người dân một số máy móc để sản xuất như máy sấy, tủ đông, máy hút chân không; đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng đồng bộ các khâu sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm khi đủ điều kiện.
Cùng với đó, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối với các nhà phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh, đặc biệt chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm./.