Nơi núi rừng xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), giáp với tỉnh Đắk Lắk, tiếng cồng chiêng của đồng bào Ê Đê vẫn vang vọng giữa không gian thanh bình với những mái nhà và vườn trái cây xanh mướt. Người dân gắn bó với nghề nông và dành trọn tâm huyết để gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa của dân tộc bản địa.

Ông Nguyễn Minh Thành, chủ một trang trại được xây dựng theo mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn tiêu biểu ở xã Ninh Tây đang từng bước kết hợp các cơ sở để trở thành điểm đến trải nghiệm văn hóa đặc sắc. Không chỉ sản xuất nông sản sạch, trang trại này còn là “sân khấu” để những điệu múa, nhịp cồng, tiếng chiêng truyền thống của người Ê Đê vang lên, kết nối cộng đồng và lan tỏa giá trị văn hóa.
Ông Thành chia sẻ: Kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch là giải pháp cho nông sản của trang trại, tạo cầu nối để du khách hiểu rõ hơn về quy trình canh tác hữu cơ và giá trị của sản phẩm. Khi tận mắt thấy tâm huyết của người nông dân, du khách sẵn sàng mua nông sản với giá cao hơn vì họ thấy được giá trị thật sự của từng sản phẩm.
Từ vùng đất đồi hoang hóa, ông Thành đã xây dựng trang trại thành một hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn. Ban đầu tập trung trồng trọt với phân hữu cơ và canh tác tự nhiên, ông Thành dần mở rộng theo hướng du lịch nông nghiệp nhằm giải bài toán thị trường cho sản phẩm sạch. Điều khiến trang trại trở nên đặc biệt chính là sự kết hợp giữa nông nghiệp và giới thiệu văn hóa bản địa để du khách trải nghiệm. Du khách không chỉ tham quan, cảm nhận quy trình sản xuất, mà còn hòa mình vào không gian văn hóa Ê Đê – từ tiếng cồng chiêng, múa xoang đến các món ăn dân dã...

Tại xã Ninh Tây, thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của người Ê Đê. Vào mỗi tối thứ Bảy, tại điểm du lịch này, anh Y Tem, giáo viên tiểu học cùng người dân biểu diễn văn hóa, văn nghệ. Những âm thanh của cồng chiêng, giai điệu dân ca không chỉ là lời ca tiếng hát, mà còn là nhịp sống, bản sắc văn hóa của người Ê Đê.
“Từ nhỏ, tôi đã được cha truyền dạy cách chơi cồng chiêng, những bài hát truyền thống của dân tộc. Lớn lên, tôi lại có cơ hội để truyền dạy những giá trị ấy cho thế hệ trẻ”, anh Y Tem chia sẻ với niềm tự hào.
Dù bận rộn nhưng sau giờ lên lớp, Y Tem luôn dành thời gian cùng người dân tập luyện cồng chiêng, hát dân ca, dẫn chương trình trong các lễ hội truyền thống. Nhờ những người trẻ tâm huyết như anh Y Tem, văn hóa cồng chiêng và giá trị văn hóa bản địa của người Ê Đê được bảo tồn, trao truyền cho thế hệ trẻ, trở thành niềm tự hào của cộng đồng.
Ông Y Hy, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây nhấn mạnh: "Với người Ê Đê, cồng chiêng là một loại nhạc cụ, báu vật thiêng liêng, phương tiện để con người giao tiếp với các thần linh. Cồng chiêng luôn hiện diện trong các lễ hội quan trọng như lễ bỏ mả, mừng lúa mới, đâm trâu, cúng bến nước... Mỗi dịp cồng chiêng ngân vang là mỗi lần các thế hệ trong buôn làng cùng nhau hội tụ, đoàn kết và giữ gìn văn hóa dân tộc. Người Ê Đê ở xã Ninh Tây hiện có khoảng 3.000 người và cồng chiêng là phần không thể thiếu trong đời sống của họ. Chúng tôi vẫn luôn cố gắng duy trì các lễ hội truyền thống, gìn giữ tiếng cồng chiêng. Đây là cách để giữ gìn và truyền dạy văn hóa cho con cháu, giúp các thế hệ trẻ không quên nguồn cội của mình”.

Du khách thưởng thức tiết mục biểu diễn nghệ thuật của đồng bào dân tộc Ê Đê.
Du khách Lê Anh Tiến đến từ Đà Nẵng chia sẻ, anh rất ấn tượng với trang trại nông nghiệp hữu cơ. Không chỉ được tìm hiểu mô hình canh tác hữu cơ, anh còn được thưởng thức những món ăn độc đáo của người bản địa, tham gia vào các hoạt động văn hóa thú vị. Đây thực sự là trải nghiệm đáng nhớ.
Du lịch nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa đang mở ra một hướng đi mới cho vùng miền núi xã Ninh Tây. Sau nhiều năm nỗ lực đầu tư và phát triển, trang trại của ông Nguyễn Minh Thành đã được cấp chứng nhận kinh doanh lưu trú, đảm bảo tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mới đây, đoàn chuyên gia từ Framstay Việt Nam - đơn vị nổi tiếng với các chương trình du lịch trải nghiệm nông nghiệp xuyên Việt đã khảo sát tại thị xã Ninh Hòa. Ông Phạm Thanh Tùng, chuyên gia về du lịch nông nghiệp hữu cơ Framstay Việt Nam cho biết: Du lịch nông nghiệp hữu cơ không chỉ là hình thức tham quan, trải nghiệm canh tác mà còn là cầu nối giữa người tiêu dùng, sản phẩm nông nghiệp sạch, gắn liền với bảo tồn văn hóa bản địa. Mô hình này mang lại lợi ích kép, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, giúp bảo tồn văn hóa bản địa.
Du lịch nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo tồn văn hóa bản địa đang mở ra hướng đi bền vững cho vùng núi Ninh Tây, Khánh Hòa. Đây không chỉ là cách nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, mà còn là cầu nối đưa du khách đến gần hơn với thiên nhiên, con người và văn hóa địa phương./.