Sau hợp nhất, tỉnh Phú Thọ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Sau hợp nhất, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hút, chấp thuận đầu tư các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Cùng đó, tỉnh sẽ tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, hướng tới chuyển đổi khu công nghiệp sang mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, làm cơ sở để thu hút đầu tư có chọn lọc. Ưu tiên thu hút các dự án FDI quy mô lớn, các ngành, lĩnh vực mới, thân thiện với môi trường; các ngành công nghệ cao như điện tử, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tạo sự lan tỏa, dẫn dắt, liên kết chuỗi giá trị.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ.
Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển công nghiệp định hướng công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghiệp xanh, bền vững, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung phát triển 1 khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư các ngành công nghiệp mới nổi, giá trị gia tăng cao.
Tỉnh cũng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của một số ngành công nghiệp chủ lực; trong đó, tập trung sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các dòng sản phẩm ô tô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh kiện phụ tùng; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp chế biến thịt các loại và các sản phẩm sữa, chế biến nông, lâm sản, sản xuất dược phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng mới chất lượng cao, thân thiện môi trường.
Tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp truyền thống như hóa chất, giấy, phân bón, vật liệu xây dựng; chú trọng đổi mới công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đầu tư mở rộng, phát triển các dự án thủy điện, điện sinh khối, điện rác theo quy hoạch, đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia…
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng đạt 16,23%, đóng góp 6,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chung của tỉnh. Tăng trưởng này đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hứa hẹn mở ra cơ hội mới cho công nghiệp tỉnh Phú Thọ trong năm 2025.
Mức tăng trưởng chủ yếu nhờ các ngành trọng điểm như linh kiện điện tử, máy tính, ô tô, xe máy, sản phẩm kim loại, chế biến gỗ, sản phẩm tre nứa, sản xuất da và khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, dệt may, giường tủ, bàn ghế; trong đó, riêng sản xuất linh kiện điện tử đạt doanh thu tăng mạnh trên 20% nhờ đáp ứng đơn hàng lớn từ Samsung, Apple; ô tô các loại tăng 16%, gạch ốp lát tăng 13,30% nhờ chính sách kích cầu và sản phẩm mới. Nhiều sản phẩm công nghiệp khác như máy tính xách tay cũng tăng 93%, giày thể thao tăng 32%, xi măng tăng 22%, điện sản xuất tăng 21,56%, sản phẩm từ gỗ, cao su - plastic, dệt may, giường tủ bàn ghế cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số.
Theo UBND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 846 dự án đầu tư thứ cấp; trong đó, 521 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký gần 10,3 tỷ USD, 325 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký 75 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 49%. Ngoài ra, tỉnh cũng có 60 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 911 dự án đầu tư thứ cấp, 3,57 nghìn lao động.
Hiện tỉnh đang tiếp tục hoàn thành lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp đã được phê duyệt đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, phê duyệt chủ trương đầu tư một số khu công nghiệp có lợi thế, có tính khả thi như khu công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa, Phù Ninh, Trung Hà II, Thanh Ba, Đoan Hùng giai đoạn I; Lập Thạch I, Lập Thạch II, Tam Dương II - Khu B, Chấn Hưng, Bình Xuyên - Yên Lạc I, Bình Xuyên - Yên Lạc II,…
Tỉnh phấn đấu trong giai đoạn 2026 - 2030, đưa cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng lên 59,5%, duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp bình quân đạt từ 14% trở lên; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, chủ lực, chiếm trên 40% GRDP của tỉnh./.