Cũng trong lễ “tỏn mia” nhà trai còn mang đến món cá chua và bánh chưng. Cá chua là món thể hiện sự khéo léo, tài giỏi của người con trai Thái. Nếu là chàng rể tài giỏi bao giờ cũng bắt được cá to dưới con sông, con suối. Cá được đem về để khô, thái thành lát rồi nhồi vào ống vầu, ống nứa. Sau 1 tuần, cá sẽ có vị chua dịu, thơm ngon. Phía nhà gái sau khi được nếm thử món cá chua cũng có thể đoán được chàng rể có phải là “cái cây to”, là “thân gỗ chắc” cho con gái mình leo dây, bén rễ hay không. Hay như món bánh chưng cũng thể hiện sự công phu, khéo léo của người làm bánh.
Bánh chưng của người Thái được làm từ gạo nếp và nhân thịt, không có đậu xanh. Bánh được gói bằng lá dong nhưng lại gói tròn như bánh tét. Người khéo tay, cẩn thận là người gói bánh tròn đầy, dễ làm vừa lòng, đẹp ý người thưởng thức.
![]() |
Vấn khăn, làm đẹp cho cô dâu sau khi "tằng cẩu" chuẩn bị về nhà chồng |
Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu. Đồ sính lễ búi tóc được bố mẹ chồng đưa sang thường gồm: hai búi tóc độn, châm cài tóc bằng bạc, vải trắng tự dệt, vải thổ cẩm, thắt lưng và tiền. Tặng phẩm của bố mẹ trao cho con gái trong lễ búi tóc gồm: vải trắng tự dệt, vải thổ cẩm, tiền, một cái lược, một bát nước lã... Trong lễ “tằng cẩu”, “nai cẩu” (người được chọn búi tóc cho cô dâu) sẽ hát những lời dặn dò và chúc phúc cho cô dâu, chú rể: "Mái tóc dài, chải cho mượt. Búi ngược lên thành “tằng cẩu”. Từ nay về sau, người đã có chồng, nước không đổi dòng, lòng không đổi hướng, con ơi…".
![]() |
Thắp hương báo cáo thần linh, tổ tiên... về việc thành vợ thành chồng của đôi bạn trẻ trong ngày cưới |
Nghi lễ ở lần cưới thứ nhất, cô dâu, chú rể chỉ bái cha, mẹ và khi ở rể, chú rể phải đội khăn trên đầu, còn cô dâu sang nhà chồng phải đội nón. Lễ cưới lần hai được tổ chức sau đó 1 - 2 năm. Trong lần cưới trọng đại này, cô dâu, chú rể được mặc lễ phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc Thái.
Đây cũng là lúc cô dâu mang về nhà chồng những tấm chăn nệm mà mình đã kỳ công dệt từ khi còn con gái. Đám cưới được tổ chức trong ba ngày liên tiếp, tất cả cùng nhau uống rượu xòe, "khắp" tưng bừng. Đồng thời, đôi trai gái chính thức trở thành chồng vợ và về sống với nhau.
![]() |
Chú rể mời những người thân trong gia đình cô dâu uống rượu, ăn thịt trong ngày cưới |
![]() |
Cô dâu, chú rể cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên nhà gái trong ngày cưới |
![]() |
Những đồ dùng cần thiết của cô dâu được cho vào hòm gỗ buộc vào khúc tre để gánh về nhà chồng |
![]() |
Cô dâu (mặc áo Thái màu đen, tay cầm hương) được ông mối (khoác khăn) cùng hai họ đưa về nhà chồng |
Tuy vậy, với những nét đặc trưng về văn hóa, lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đã góp phần làm đặc sắc văn hóa vùng cao và phong phú kho tàng văn hóa của dân tộc Việt.