Tại xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), câu chuyện khởi nghiệp của người phụ nữ dân tộc thiểu số Điểu Thị Mơm (dân tộc Mạ, sinh năm 1989) ở thôn 2 đã trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm. Chị Mơm không chỉ tạo cuộc sống sung túc cho gia đình mà còn mở ra hướng đi mới, đưa nông sản đặc trưng của địa phương vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

Thay đổi nhận thức, phát triển kinh tế bền vững
Hợp tác xã nông nghiệp K&M thành lập năm 2023, quy tụ phần lớn xã viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Điểu Thị Mơm hiện đảm nhiệm vai trò Giám đốc Hợp tác xã, là một trong số ít phụ nữ dân tộc thiểu số trong vùng tiên phong khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản cho cộng đồng.
Trong những ngày đầu thành lập, chị Điểu Thị Mơm không ngừng học hỏi, tích cực tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do các cấp tổ chức. Chị linh hoạt áp dụng những kiến thức đó vào điều kiện sản xuất của gia đình và các thành viên hợp tác xã, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu tư.
Chia sẻ về động lực của mình, chị Mơm tâm huyết, chị sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nên hiểu rõ những khó khăn, vất vả của nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Lớn lên cùng cây điều, chị quyết tâm xây dựng đầu mối thu mua nông sản, cung cấp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chị muốn khẳng định giá trị nông sản của quê hương, đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn nữa.
Hợp tác xã do chị Mơm điều hành có đông đảo xã viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Sản phẩm chủ lực của hợp tác xã là điều, được canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Điểu Văn Biêu, một thành viên hợp tác xã với 6 ha điều cho biết, trước đây, vườn điều của gia đình năng suất bấp bênh. Từ khi tham gia hợp tác xã, được hướng dẫn áp dụng biện pháp kỹ thuật mới, năng suất cải thiện đáng kể. Thu nhập của gia đình cũng ổn định hơn.
Tương tự, hộ ông Điểu Gôn với 11 ha điều cũng đã tin tưởng tham gia hợp tác xã của chị Mơm. Ông Gôn chia sẻ, tham gia hợp tác xã, ông học hỏi được nhiều kỹ thuật canh tác mới, nhờ đó năng suất vườn điều tăng lên. Vào mùa thu hoạch, hợp tác xã thu mua với giá hợp lý, giúp gia đình ông và nhiều hộ dân khác không còn lo bị thương lái ép giá.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Nai Điểu Sang đánh giá cao vai trò của chị Mơm, thời gian qua, chị đã phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng như điều, sầu riêng, cao su... cho các thành viên hợp tác xã và người dân trong thôn. Chị còn tổ chức chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác, tạo điều kiện cho mọi người trao đổi, nâng cao kiến thức sản xuất, chăn nuôi.
Thôn 2, xã Đồng Nai có phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào cây điều, đời sống còn nhiều khó khăn và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác còn hạn chế. Sự ra đời của Hợp tác xã nông nghiệp K&M đã và đang góp phần quan trọng giúp bà con trong vùng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu nông sản gắn với an sinh xã hội
Với sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Điểu Thị Mơm đã xây dựng thành công thương hiệu cho Hợp tác xã, ký kết hợp tác với nhiều đối tác trong nước. Đặc biệt, chị đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty uy tín như, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Taghet Việt Nam và Công ty chế biến hàng xuất khẩu LAFOOCO Long An, là những đơn vị chuyên xuất khẩu hạt điều và nông sản sang thị trường châu Âu, Nhật Bản.
Sau hơn 2 năm hoạt động, Hợp tác xã nông nghiệp K&M đã phát triển từ 30 lên 170 thành viên, sản xuất và kinh doanh trên tổng diện tích hơn 300 ha điều hữu cơ. Chị Mơm chia sẻ: "Tại thôn 2, đa số là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi mong muốn giúp bà con thay đổi nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo". Với vai trò là Trưởng thôn, chị đã đứng ra thành lập hợp tác xã, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
"Bản thân tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xây dựng chuỗi liên kết, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên hợp tác xã cũng như hội viên nông dân trong xã" chị Mơm nói thêm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Nai Đinh Xuân Hòa khẳng định, chị Điểu Thị Mơm là tấm gương sáng về ý chí khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc thiểu số. Chị không chỉ mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn nhiệt tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho bà con, tạo việc làm ổn định cho hàng chục người là đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, chị Mơm còn là người giàu lòng nhân ái, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chị Mơm thường xuyên vận động các đơn vị, đối tác hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con.
Những năm qua, chị Mơm và Hợp tác xã nông nghiệp K&M không ngừng nỗ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, xây dựng thương hiệu điều hữu cơ cho xã Đồng Nai nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung.
Xã Đồng Nai hiện có 9 Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, trong đó có 2 hợp tác xã chuyên về sản xuất và kinh doanh hạt điều với 100% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp ủy và chính quyền xã đánh giá cao vai trò của các hợp tác xã này, đặc biệt là 2 hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm giám đốc, đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
K GỬIH