Nhiều cựu chiến binh ở tỉnh Đồng Nai dù đã trải qua khói lửa chiến tranh, khi trở về đời thường nhưng vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiên phong trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn là những tấm gương sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, giúp đỡ đồng đội và bà con có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Ông Nguyễn Đình Thủy (71 tuổi) ở thôn Tân Lập (xã Phú Nghĩa) từng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước và góp sức mình vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Trở về sau những năm tháng khói lửa chiến tranh, ông Thủy không chọn an nhàn mà tiếp tục cuộc chiến mới đó là chống đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no cho bản thân và cộng đồng.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Thủy về lập gia đình tại huyện Phước Long, xã Đức Hạnh (tỉnh Bình Phước cũ). Những ngày đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Với bản chất kiên cường, ý chí sắt đá của người lính, ông Thủy không lùi bước trước gian nan. Ông nỗ lực không ngừng, tích lũy kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp.
Từ hai bàn tay trắng, ông Thủy đã gây dựng được gần 20 ha đất canh tác. Với tầm nhìn chiến lược và sự cần cù, ông biến vùng đất hoang thành những vườn cây mang lại quả kinh tế cao.
Hiện 15ha đất của gia đình ông được phủ xanh bởi cây cao su, phần còn lại trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như, điều, tiêu và sầu riêng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quản lý hiệu quả, mô hình kinh tế của ông Thủy mang lại nguồn thu nhập cao. Mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng.
Ông Thủy cho biết, chiến tranh đã tôi luyện cho ông ý chí vượt khó, không ngại gian khổ. Khi trở về với cuộc sống đời thường, ông luôn tâm niệm phải làm sao để gia đình mình thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Ông nghĩ, nếu mình có thể chiến đấu vì đất nước thì mình cũng có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thủy còn luôn hướng về cộng đồng. Ông đã tạo việc làm ổn định cho 7 lao động thường xuyên là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng với những công việc chủ yếu là chăm sóc và thu hoạch nông sản. Vào mùa cao điểm thu hoạch điều, tiêu, số lượng nhân công ông Thủy thuê đông hơn, giúp thêm nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập, cải thiện đời sống.
Tại xã Phú Nghĩa, câu chuyện về ông Điểu Thuất (49 tuổi) ở thôn 3, người dân tộc S'tiêng, một quân nhân xuất ngũ thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phú Nghĩa cũng là một minh chứng sống động về sự vươn lên. Trong những năm qua, từ khi gia nhập Hội Cựu chiến binh, cuộc sống của gia đình ông Điểu Thuất đã khấm khá hơn nhiều.
Sau khi xuất ngũ 1 năm và lập gia đình, ông Điểu Thuất được chia gần 1,3ha đất sản xuất. Sau đó, 1ha đã được trồng cao su và đang cho thu hoạch ổn định 6 năm. Mỗi tháng, vườn cao su mang lại nguồn thu khoảng 15 triệu đồng cho gia đình. Số diện tích đất còn lại được gia đình ông trồng cây cà phê.
Ông Điểu Thuất cho biết: “Môi trường quân ngũ đã cho tôi nhiều bài học đáng quý. Về cuộc sống đời thường, tôi cố gắng làm ăn, học hỏi từ các hội viên cựu chiến binh để vượt khó, có cuộc sống ổn định hơn”.
Ngoài canh tác vườn tược, ông Điểu Thuất còn tích cực đi làm thuê, tham gia tổ an ninh trật tự địa phương, góp phần giữ gìn bình yên cho xóm làng.
Tích cực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo

Hội cựu chiến binh tham, vận động hội viên trong hội phát triển kinh tế.
Một trong những minh chứng sự giúp đỡ từ ông Nguyễn Đình Thủy là câu chuyện gia đình anh Điểu Ngọc, dân tộc S'tiêng, ở thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa. Gia đình anh Điểu Ngọc có ít đất sản xuất, cuộc sống bấp bênh. Sau khi được ông Thủy nhận vào làm công việc cạo mủ cao su và một số việc khác, hai vợ chồng anh Điểu Ngọc đã có thu nhập ổn định 7 triệu đồng mỗi tháng.
Có nguồn thu ổn định, gia đình anh Ngọc góp vốn chăn nuôi lợn và mạnh dạn đầu tư trồng cây điều ghép trên mảnh vườn 0,5ha.
Anh Điểu Ngọc xúc động chia sẻ: "Nhờ có ông Thủy mà gia đình tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Giờ đây, chúng tôi đã có thu nhập ổn định, các con được đến trường đầy đủ".
Là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Phú Nghĩa, thời gian qua, ông Điểu Thuất tích cực tuyên truyền cho bà con là đồng bào dân tộc thiểu số biết cách làm ăn, đầu tư vườn cây có năng suất cao hơn.
Ông Thuất cho biết, Hội Cựu chiến binh là nơi tập hợp những người đồng chí, đồng đội, nhiều gương làm kinh tế giỏi nên đã giúp nhau phát triển kinh tế, giúp đỡ hội viên trong cuộc sống. Bản thân ông luôn học hỏi các thế hệ đi trước và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm của mình để bà con dân tộc thiểu số có thể thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Hiện trên địa bàn xã Phú Nghĩa có 448 hội viên cựu chiến binh. Xã Phú Nghĩa hiện có một câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi. Các hội viên được Hội Cựu chiến binh duy trì, hỗ trợ; đồng thời có sự lan tỏa và phát triển thêm số lượng các hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Hội còn thực hiện các chương trình để nhân rộng điển hình tiên tiến về hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con.
Ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Nghĩa cho biết, những gương hội viên tại xã Phú Nghĩa đã và đang phát huy mạnh mẽ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Họ không chỉ thể hiện ý chí kiên cường vượt khó để làm giàu cho gia đình mà còn là những người tiên phong giúp đỡ những số phận yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Những cá nhân trên là tấm gương sáng để thế hệ sau noi theo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Những câu chuyện về cựu chiến binh Nguyễn Đình Thủy, hội viên Điểu Thuất và nhiều hội viên cựu chiến binh khác tại tỉnh Đồng Nai là minh chứng sống động cho tinh thần, nỗ lực của những người lính Cụ Hồ. Họ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng nỗ lực để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng./.
Tên gọi khác: Xa Ðiêng hay Xa Chiêng.
Nhóm địa phương: Bù Lơ, Bù Ðek (Bù Ðêh), Bù Biêk.
Dân số: 85.436 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á) tương đối gần gũi với tiếng Mạ, Mnông, Chơ Ro. Chữ viết hình thành từ trước năm 1975, theo chữ cái La-tinh.
Lịch sử: Người Xtiêng sinh tụ lâu đời ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên và miền đông Nam bộ.
Hoạt động sản xuất: Nguồn lương thực chính là lúa gạo, khoảng 80% lúa gạo do rẫy cung cấp. Nhóm Bù Lơ ở cao, sâu hơn hoàn toàn làm rẫy. Nhóm Bù Ðeh (Bù Ðêk) ở vùng thấp làm ruộng nước từ khoảng 100 năm, như cách thức canh tác của người Việt sở tại. Lúa rẫy có các giống khác nhau, được trồng theo lối "phát-đốt-chọc-trỉa", kết quả mùa màng phụ thuộc lớn vào thiên nhiên và việc bảo về trước sự phá phách của chim muông. Công cụ làm rẫy chủ yếu gồm rìu và dao xà gạc để khai phá rừng, sau khi đốt thì dùng cây cào tre có 5 răng để dọn rồi đốt lại, khi trỉa dùng gậy nhọn (mỗi tay cầm một chiếc) để chọc lỗ, đồng thời gieo hạt giống theo, làm cỏ bằng loại cuốc con (về sau thay thế bằng cái xà - bát người Việt sử dụng), dùng tay tuốt lúa. Hái lượm, săn bắt và kiếm cá đưa lại nguồn lợi quan trọng thiết thực. Gia súc phổ biến gồm: trâu, bò, lợn, chó, một số hộ nuôi voi; gia cầm chủ yếu là gà. Có nghề dệt vải và đan lát. Việc mua bán thường dùng vật đổi vật (nay dùng tiền) có quan hệ hàng hoá với người Việt, Khơme, Mnông, Mạ và cả với bên Campuchia.
Ăn: Người Xtiêng ăn cơm tẻ, cơm nếp. Thực phẩm thường ngày của họ chủ yếu là những thứ kiếm được trong rừng và sông suối (nay có mua ở chợ hay của thương nhân). Thức uống truyền thống nước lã, rượu cần. Ðồ đựng cơm canh, nước đều là vỏ bầu chế tác có hình dạng thích hợp. Họ hút thuốc lá bằng tẩu (nay ít thấy).
Ở: Người Xtiêng phân bố tập trung tại tỉnh Bình Phước, một số ở Tây Ninh và Ðồng Nai. Vùng cao ở nhà trệt, mái trùm gần xuống mặt đất và có nơi uốn tròn ở hai đầu hồi và ở một mặt bên. Vùng thấp thường làm nhà sàn khá khang trang, vách dựng nghiêng phía trên ra ngoài. Theo nếp xưa, mỗi làng chỉ gồm một vài ngôi nhà dài, nay hình thức nhà ngắn của từng hộ đang phát triển.
Mặc: Thông thường, đàn ông đóng khố, ở trần, đàn bà mặc áo, quấn váy. Trước kia, phụ nữ nghèo ở nhiều nơi cũng dùng khố. Họ ưa đeo nhiều trang sức, thường dùng các loại vòng kim loại và chuỗi cườm, thậm chí một cánh tay đeo tới trên 20 chiếc vòng nhôm nay bạc, có cả loại vòng ống quấn từ sợi dây đồng dài ôm quanh ống chân, ống tay. Loại hoa tai lớn bằng ngà voi được ưa chuộng. Nay nam giới mặc như người Việt, nữ hay dùng áo cánh, sơ mi, ở vùng gần người Khơ Me cũng thường gặp phụ nữ Xtiêng quấn váy Khơ Me.
Phương tiện vận chuyển: Các loại gùi rất thông dụng, cách gùi như ở các tộc Thượng khác. Nhóm gần người Việt và Khơ Me, các loại xe gỗ 2 bánh dùng đôi bò kéo từ lâu đã trở thành một phương tiện vận chuyển phổ biến.
Quan hệ xã hội: Mỗi cặp vợ chồng và con cái là một "bếp" (nak). Nhiều bếp hợp thành một nhà (yau). Mỗi làng xưa gồm một vài nhà, càng về sau số nhà càng tăng do việc tách hộ ở riêng. Mỗi người không chỉ thuộc về một "bếp", một nhà, một làng, mà còn là thành viên của một dòng họ nhất định và nằm trong các mối quan hệ họ hàng nhất định và nằm trong các mối quan hệ họ hàng khác nữa. Về tổ chức xã hội truyền thống, làng là đơn vị bao trùm và nổi bật: trong tự bảo quản ở thì ông "già làng" và các bô lão có uy tín cao khác đóng vai trò quan trọng đặc biệt. Xưa kia, ngoài một số ít người giàu có và đa số thuộc lớp nghèo, xã hội Xtiêng đã có những "nô lệ gia đình" do phải ở đợ, hoặc bị mua về...
Cưới xin: Thông thường nếu nhà trai có đủ của cải sính lễ, cô dâu về ở đằng chồng, nhưng thực tế phần đông phải ở rể do chưa có đủ đồ dẫn cưới theo yêu cầu của nhà gái (ché quý, chiêng cồng, trâu...); riêng ở vùng Bình Long, chàng rể luôn phải về ở nhà vợ. Tập tục hôn nhân giữa các nơi, các nhóm có những điểm khác nhau, chẳng hạn: Nhóm Bù Ðek cho phép con trai cô với con gái cậu cũng như con gái cậu với con gái cô lấy nhau, nhưng ở nhóm Bù Lơ chỉ con trai cô được lấy con gái cậu với điều kiện cậu là anh của cô, cũng chỉ được chấp nhận một lần trong mỗi gia đình.
Sinh đẻ: Phụ nữ kiêng cữ cẩn thận ngay từ thời kỳ mang thai. Việc sinh nở xưa kia, phụ nữ tự xoay xở ngoài rừng một mình. Nay nhiều người ở vùng có tập quán dựng kho thóc trong nhà vẫn ra đẻ ở ngôi nhà nhỏ dựng gần bên nhà ở, bởi họ cho rằng nếu đẻ ở nhà sẽ xúc phạm đến "thần lúa", đẻ xong sẽ phải cúng một con lợn cho "thần lúa".
Trong ngày lễ mừng lúa mới, người Xtiêng thường tổ chức đâm trâu. Khi giết một trâu, họ chỉ dựng đoạn thây cây gạo làm cột. Nếu đâm nhiều trâu, lần đầu gia chủ làm loại cột đơn giản gâng srung, những lần sau họ dựng cột gâng rai với nhiều hoa văn trang trí. Ðây là phần ngọn của cây cột đâm trâu gâng rai.
Ma chay: Quan tài gỗ độc mộc đẽo từ cây rừng. Nếu chết bình thường thì họ chôn trong bãi mộ của làng. Trong quan tài, cùng với tử thi, có bỏ một ít gạo, thuốc lá... Những ché, nồi, dụng cụ... "chia" cho người chết đều để trên và quanh mộ. Người Xtiêng không có tục thăm viếng mồ mả. Có người mới chết, cả làng không gõ cồng chiêng và vui nhộn trong khoảng 10 ngày. Những trường hợp chết bất bình thường phải cúng quải tốn kém hơn, kiêng cữ nhiều hơn, lễ thức làm ngoài khu gia cư của làng và không được chôn vào bãi mộ của làng.
Thờ cúng: Người ta tin con người, con vật, cây cối cũng như muôn vật đều có siêu nhiên, tựa như "hồn". "Thần linh" cũng có rất nhiều: thần sấm sét, thần mặt trời, thần núi, thần lúa... Thần lúa được hình dung là người phụ nữ trẻ và đẹp. Trong các lễ cúng, các vị thần hoặc các siêu nhiên nói chung được nhắc đến để cầu xin, hay tạ ơn, hay thông báo điều gì đó. Vật hiến tế là rượu, gà, lợn, trâu, bò, số lượng càng nhiều và con vật càng lớn chứng tỏ lễ cúng càng to, thần linh càng quyền thế, quan trọng.
Lễ tết: Có rất nhiều lễ cúng lớn nhỏ khác nhau trong đời sống của người Xtiêng. Trong đó, lễ hội đâm trâu là lớn nhất, thường được tổ chức mừng được mùa lớn (gia đình thu hoạch lúa từ 100 gùi cỡ to trở lên - loại gùi có tên Sah cach), mừng chiến thắng kẻ thù, mừng làm ăn phát đạt, mừng con cái lớn khôn... Cùng với hiến sinh trâu còn thường có cả bò, lợn. Nếu hiến sinh một trâu, cột lễ để buộc trâu làm đơn giản, nhưng từ 2 trâu trở lên thì cột lễ trang trí đẹp, làm công phu. Tết Xtiêng được gọi là "lễ cúng rơm", sau khi tuốt lúa rẫy xong, trước khi đốt rẫy vụ sau: lễ thức ngày tết có nội dung tạ ơn thần lúa sau một mùa.
Văn nghệ: Người Xtiêng rất yêu âm nhạc. Nhạc cụ quan trọng nhất, đồng thời là một trong số gia tài quý ở xã hội truyền thống, là cồng và chiêng; nhóm Bù Lơ chủ yếu dùng chiêng, mỗi bộ 6 chiếc, nhóm Bù Ðek (Bù Ðêk) chủ yếu dùng cồng, mỗi bộ 5 chiếc. Riêng trong đám ma, chỉ dùng 3 cồng hoặc 3 chiêng. Ngoài ra, còn có tù và, trống, khèn bầu, các loại đàn. Người Xtiêng cũng có kho tàng truyện cổ khá phong phú, có những điệu hát của mình. Tuy nhiên, đến nay, tương tự như nhiều nơi khác, ngay cả cồng, chiêng cũng chỉ còn rất ít so với xưa kia.
Theo cema.gov.vn
