Từ những mảnh ruộng từng trồng lúa, rau màu kém hiệu quả, nhiều nông dân trên quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang đang mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính. Không chỉ tạo thu nhập gấp 4-5 lần so với trước, mô hình còn giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Ứng dụng vào sản xuất
Điển hình trong số đó là gia đình chị Huỳnh Ngọc Diện, ngụ ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng. Trước đây, trên diện tích đất nông nghiệp 1.400m², gia đình chị chỉ canh tác lúa và trồng rau xà lách, tía tô, rau muống… cho thu nhập bấp bênh. Nhận thấy mô hình cũ không còn hiệu quả, chị Diện mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa lưới trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Sau thời gian tìm hiểu mô hình, kỹ thuật canh tác, vợ chồng chị Diện mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 nhà kính với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng. Gia đình chị Diện trồng khoảng 3.900 gốc dưa mật, dưa vàng trên diện tích 1.400m².
Chị Diện cho biết: Một năm chị canh tác 3-4 vụ dưa lưới, mỗi vụ cho năng suất 2-3 tấn, bán ra với giá từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Trung bình mỗi vụ gia đình chị lời khoảng 40 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí giống, phân bón, nhân công chăm sóc.

Từ mô hình trồng lúa kém hiệu quả, chị Diện chuyển đổi 1.400m² đất sang trồng dưa lưới, cho thu nhập cao gấp 4–5 lần.
“Nhờ ứng dụng công nghệ vào trồng dưa lưới, gia đình tôi không tốn nhiều nhân công chăm sóc và tốn tiền sử dụng thuốc bảo vệ thật vật để phòng, chống thiên địch. Sau khi trừ đi hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi lãi khoảng 140 – 160 triệu đồng tuỳ theo giá thương lái thu mua. Việc mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp giúp gia đình tôi thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm rau hay trồng lúa theo kiểu truyền thống,” chị Diện chia sẻ.
Theo chị Diện, điểm đặc biệt của mô hình trồng dưa là gia đình chị đã chịu khó nghiên cứu, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động điều khiển trên app qua điện thoại thông minh. Hệ thống được cài đặt tưới từ 8-10 lần mỗi ngày, đảm bảo cây dưa luôn được cấp ẩm đầy đủ, tiết kiệm nước và công chăm sóc.
Hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển qua app điện thoại chị Diện đang sử dụng còn tích hợp cảm biến độ ẩm, nhiệt độ giúp tiết kiệm nước, giảm công lao động và nâng cao năng suất, chất lượng trái. Nguồn nước tưới cho mô hình được chị Diện lấy trực tiếp từ nước máy hoặc sông, phù hợp với điều kiện địa phương.

Để đảm bảo quá trình thụ phấn cho hoa dưa, chị Diện nuôi ong mật trong nhà lưới, mang lại môi trường sinh thái tự nhiên cho cây trồng.
Đáng chú ý, để đảm bảo quá trình thụ phấn cho hoa dưa, chị còn nuôi ong mật trong nhà lưới. Mỗi tổ ong có giá khoảng 3 triệu đồng, không chỉ hỗ trợ thụ phấn mà còn mang lại môi trường sinh thái tự nhiên cho cây trồng.
Hướng đi mới
Để nâng cao năng suất, canh tác 3-4 vụ/năm, chị Diện cùng chồng không ngừng học hỏi, tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang. Nhờ đó, chị làm chủ được kỹ thuật chăm sóc, tỉa dây, xử lý ra hoa, kiểm soát sâu bệnh cho dưa.
Không chỉ đơn thuần là sản xuất, gia đình chị Diện còn mở cửa cho du khách tham quan miễn phí vườn dưa, tạo điểm đến sinh thái nông nghiệp hấp dẫn cho người dân địa phương và du khách từ các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.

Vườn dưa lưới cho năng suất cao nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, điều khiển qua điện thoại thông minh.
Ngoài bán dưa cho thương lái với giá thu mua ổn định khoảng 45.000 đồng/kg, chị còn bán trực tiếp tại vườn cho khách tham quan với giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, tăng thêm lợi nhuận. Hiện tại, trái dưa vàng chị trồng có trọng lượng trung bình từ 1,6 – 2kg, trong khi dưa mật có thể đạt 6 – 7kg/trái. Toàn bộ sản lượng được thương lái bao tiêu, không lo đầu ra. Hiện từ nguồn thu nhập ổn định từ trồng dưa lưới, cuộc sống gia đình chị Diện thuộc diện khá giả, lo cho 2 con ăn học thành tài.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang đánh giá: Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của gia đình chị Diện là điển hình tiêu biểu của địa phương trong việc mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao. So với trồng lúa, hiệu quả kinh tế cao hơn 4-5 lần, giúp nông dân sống tốt, sống khỏe từ chính mảnh đất của mình.
“Hiện tại, trên địa bàn xã Mỹ Hoà Hưng đã có 3 hộ dân mạnh dạn chuyển đổi đất lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình. Nhờ sự đồng hành của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đang được hỗ trợ kỹ thuật, giống, kinh phí, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình”, ông Thạnh thông tin.

Những trái dưa lưới vàng đẹp, đạt chuẩn đầu ra cho các chuỗi cửa hàng nông sản sạch.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giá nông sản bấp bênh, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trên quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng bước đầu mở ra một hướng đi mới, hướng sản xuất nông nghiệp bền vững cho người nông dân. Từ câu chuyện của chị Huỳnh Ngọc Diện có thể thấy khi người nông dân biết ứng dụng kỹ thuật, dám thay đổi “hạt vàng” không chỉ nằm trong hạt lúa mà có thể đến từ chính những trái dưa ngọt lành, mọng nước./.