Gia Lai đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án giao thông với mục tiêu hoàn thành trước thời điểm hợp nhất tỉnh. Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn lớn nhất rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Điển hình là các Dự án đường liên huyện Mang Yang - Ia Pa, Dự án đường Nguyễn Văn Linh (thành phố Pleiku), đường tỉnh 669 và đường từ thành phố Pleiku đi trung tâm huyện Đak Đoa. Có tổng giá trị xây lắp hơn 195 tỷ đồng, gói thầu đường liên huyện Mang Yang - Ia Pa (đoạn 1) đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 61% kế hoạch. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các đơn vị liên quan, vướng mắc lớn nhất của dự án vẫn là giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tại các vị trí ưu tiên như cửa xả cống và đoạn cắt tuyến.
Ngoài Dự án đường liên huyện Mang Yang - Ia Pa, nhiều dự án khác cũng trong tình trạng vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ bị chậm so với kế hoạch đề ra. Đơn cử như Dự án đường Nguyễn Văn Linh (thành phố Pleiku) có mức đầu tư 260 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025. Đến nay, tổng thể tiến độ thi công đường của dự án này mới chỉ đạt hơn 13%. Trong khi đó, dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh có thời gian thực hiện từ 2023 - 2026 cũng chỉ mới giải ngân hơn 24 tỷ đồng.
Theo ông Đặng Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ nằm ở công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong tổng số gần 40 ha đất cần thu hồi của dân và 6 tổ chức, thì chỉ có khoảng 60% số hộ đồng ý với phương án bồi thường. Nhiều hộ dân cho rằng do đơn giá bồi thường thấp và chính sách hỗ trợ thuê nhà, giao đất cho các đối tượng đủ điều kiện tách hộ vẫn chưa được hoàn thiện.
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai Đỗ Việt Hưng cho rằng, vấn đề vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng không hẳn do cơ chế mà xuất phát từ tuyên truyền và vận động người dân của chính quyền địa phương chưa hiệu quả. Đây là vấn đề chung mà nhiều chủ đầu tư gặp phải khi triển khai các dự án giao thông. Để thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh, thành phố Pleiku cần sớm gấp rút hoàn thiện phương án tái định cư và điều chỉnh kinh phí hỗ trợ di dời cho phù hợp.
Trước nguy cơ có thể bị cắt giảm nguồn vốn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai Đỗ Việt Hưng đề nghị tỉnh cân nhắc phân bổ nguồn vốn trung ương hợp lý cho các công trình trọng điểm để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án. Đồng thời, ông cũng khuyến nghị tỉnh sớm có phương án ứng phó, dự trù nguồn lực, cân đối nguồn vốn để triển khai các dự án phòng trường hợp Trung ương cắt vốn.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, kiểm tra thực địa dự án đường Nguyễn Văn Linh (thành phố Pleiku). Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Để đảm bảo hoàn thành các công trình trọng điểm trước thời điểm sáp nhập tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo đến các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa các công trình và yêu cầu các chủ đầu tư nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trước 30/8/2025. Các đơn vị phải báo cáo chi tiết tiến độ thi công hàng tuần về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn phát sinh.
Đối với những công trình dở dang, kéo dài nhiều năm, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thiện các hạng mục kỹ thuật để có cơ sở bàn giao khi đơn vị khác tiếp quản. Đặc biệt, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và vốn là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay, do đó rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và chủ đầu tư nhằm làm tốt khâu vận động, đảm bảo có mặt bằng sạch phục vụ thi công đúng tiến độ./.