Tận dụng các nền tảng mạng xã hội, thời gian qua, nhiều nông dân Hưng Yên đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức tiếp thị, giới thiệu sản phẩm nông sản. Điều này không chỉ tiếp cận thị trường rộng, giúp tiêu thụ nông sản bền vững mà còn giảm chi phí, hình thành một phương thức tiêu thụ mới phù hợp với thực tế hiện nay.

Đưa nông sản lên nền tảng số
Những năm trở lại đây, nhờ mạng xã hội nên các sản phẩm như nhãn quả tươi, long nhãn, long nhãn ôm sen, mật ong hoa nhãn... của Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến, xã Phương Nam, thành phố Hưng Yên được nhiều người tiêu dùng cả nước biết đến với tên gọi thân thương "món quà quê hương của người xứ nhãn".
Chị Bùi Thị Thu Hường, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến chia sẻ, sinh ra trên "thủ phủ" nhãn Hồng Nam (nay là xã Phương Nam), nơi có nhiều loại nhãn quý như: nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn, nhãn đường phèn quả vuông, nhưng chứng kiến cảnh gia đình và các hộ trồng nhãn loay hoay với bài toán "được mùa mất giá", điều này đã khiến chị thêm quyết tâm khởi nghiệp. Năm 2020, chị Hường đã liên kết với các hộ trồng nhãn trong xã để thành lập Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến tiêu thụ quả nhãn tươi.
"Thời điểm thành lập hợp tác xã cũng là lúc đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên việc tiêu thụ nhãn gặp rất nhiều khó khăn. Nhãn đến thời kỳ thu hoạch nhưng do giãn cách xã hội nên thương lái không thể về mua vì thế, chúng tôi đã tận dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok... để livestream bán hàng ngay tại vườn. Nhờ có nguồn cung dồi dào, cộng với chất lượng của sản phẩm nên nhãn của hợp tác xã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận", chị Hường chia sẻ.
Nhận thấy, ngoài quả nhãn tươi, ở địa phương còn có nhiều đặc sản như: bột sắn, hạt sen, mật ong hoa nhãn có nhiều tiềm năng phát triển. Qua quá trình nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, chị Hường đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mang đậm hương vị quê hương và là món quà quê riêng có của người "xứ nhãn". Đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Phố Hiến có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) gồm nhãn quả tươi, hạt sen, long nhãn... và tất cả các sản phẩm này đều được bán trên các nền tảng mạng xã hội, được đông đảo khách hàng tin tưởng, ủng hộ.
Theo chị Hường, bán hàng trên nền tảng số hiện nay là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển hiện nay. Các nền tảng số không chỉ tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, nhiều đối tượng khách hàng hơn mà còn là cơ hội để cơ sở sản xuất hoạch định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường phù hợp.
Năm nay, gần 60 tuổi nhưng Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên Trần Văn Mý sử dụng khá thành thạo các trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu nhãn của hợp tác xã đến với người tiêu dùng.
Ông Mý chia sẻ, với phương châm "chất lượng sẽ làm nên thương hiệu," vì thế, ngay từ khi thành lập, hợp tác xã tập trung vào phát triển cây nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã công khai quy trình canh tác trên các nền tảng mạng xã hội từ khâu chăm sóc, chăm bón đến thu hoạch, do vậy, mỗi khi đến mùa nhãn có rất đông người tiêu dùng theo dõi, đặt mua. Ngoài sản phẩm quả nhãn tươi, những năm gần đây hợp tác xã còn chú trọng phát triển mật ong hoa nhãn, cá lồng và trồng cây dược liệu. Tất cả các sản phẩm trước khi bán, ông Mý và các thành viên trong hợp tác xã đều đưa lên các trang mạng xã hội để quảng bá.
"Điều chúng tôi hạnh phúc nhất là nhãn chưa đến vụ nhưng đã có một số khách gọi điện đặt tour để tham quan, trải nghiệp tại vườn. Chúng tôi cũng đơn vị tiên phong của tỉnh trong việc đưa du khách đến tham quan trải nghiệm vườn nhãn với tên gọi "Tour trải nghiệm 0 đồng." Khi đến với vườn, du khách sẽ được thưởng thức nhãn miễn phí. Nếu có nhu cầu đặt hàng hợp tác xã sẽ cắt nhãn và cân cho du khách ngay tại vườn. Mục đích chính của chúng tôi là quảng bá thương hiệu, để nhãn lồng Hưng Yên đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước", ông Mý cho biết.

Hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân
Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX về Chương trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 09), bức tranh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên, đến nay, tỉnh có hơn 3.100 ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ; chuyển hàng nghìn ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao. Qua đó, nâng tổng số diện tích đã chuyển đổi lên 19.000 ha, đưa diện tích nhiều loại cây trồng có giá trị thu nhập cao tăng nhanh. Nhiều mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu... cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất lúa; giá trị sản xuất trên một ha canh tác năm 2024 đạt 245 triệu đồng.
Tỉnh Hưng Yên cũng đẩy mạnh và khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được khoảng 180 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích hơn gần 3.800 ha...
Cùng đó, tỉnh đã tập trung đầu tư, phát triển đa dạng sản phẩm, chế biến, chế biến sâu các sản phẩm truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) như: sản phẩm nhãn lồng, hạt sen long nhãn, gà Đông Tảo, nghệ Chí Tân… là những đặc sản riêng có của mảnh đất Hưng Yên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 271 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, 225 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao.
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Văn Thắng thông tin, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể sản xuất đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP; đa dạng bao bì, kiểu cách đóng gói nhằm nâng cao khả năng nhận diện, gia tăng giá trị và thương hiệu sản phẩm OCOP, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện chuyển đổi số sản phẩm OCOP nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Mặt khác, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua hội chợ, diễn đàn, sự kiện,... các trang thông tin điện tử: https://ketnoiocop.vn và https://ocophungyen.vn, sàn giao dịch thương mại điện tử: shopee.vn, ladaza.vn, postmart.vn, voso.vn, các trang mạng xã hội: Tiktok, Facebook, Zalo...
Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức cộng đồng địa phương; sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử; triển khai ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Quang Nhiều