Sau nhiều năm gặp khó khăn do giá cả bấp bênh và dịch bệnh gây hại cây trồng, người trồng hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai đang bước vào một vụ mùa thắng lợi khi vừa được mùa, vừa được giá. Cùng với đó, các hợp tác xã và doanh nghiệp địa phương cũng đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững, gia tăng giá trị và mở rộng thị trường cho sản phẩm hồ tiêu Gia Lai.

Thời điểm này, giá tiêu trên thị trường dao động từ 160.000-180.000 đồng/kg, mức cao nhất trong vài năm gần đây. Nhiều hộ dân tại Gia Lai phấn khởi khi năng suất cao, giá bán tốt, thu nhập được cải thiện rõ rệt.
Ông Nguyễn Tấn Lục, xã Ia Ko, tỉnh Gia Lai, người có hơn 30 năm trồng tiêu cho biết, vụ tiêu năm nay là mùa bội thu nhất của gia đình ông từ trước đến nay. Mỗi trụ tiêu thu được khoảng 3 kg khô, cao hơn nhiều so với các năm trước. Đặc biệt, nhờ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ 5 năm nay với doanh nghiệp, giá bán luôn cao hơn thị trường từ 2.500-3.000 đồng/kg.

Không chỉ đạt năng suất tốt, nhiều nông dân còn áp dụng mô hình canh tác hữu cơ bền vững nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và ổn định đầu ra. Ông Huỳnh Mau, xã Kon Gang, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: “Giá tiêu vụ này rất tốt. Với những người trồng theo hướng hữu cơ như chúng tôi, sản phẩm còn được cộng thêm 20% so với giá thị trường”.
Gia Lai hiện là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn thứ ba cả nước, dao động từ 10.000-15.000 ha. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp địa phương chủ trương không mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất hữu cơ, bền vững.

Điển hình cho mô hình liên kết sản xuất hiệu quả là Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, xã Kon Gang. Hiện hợp tác xã có 110 thành viên, canh tác hơn 80 ha hồ tiêu và 120ha cà phê; trong đó, 30ha hồ tiêu đã được chứng nhận hữu cơ của Mỹ (USDA). Hợp tác xã Nam Yang đã xây dựng thành công thương hiệu hồ tiêu “Lệ Chí” và cà phê “Đak Yang”, được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, tồn tại và phát triển hơn 6 năm qua.


Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nam Yang, cho biết việc sản phẩm đạt chuẩn chất lượng không chỉ mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho xã viên mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Gia Lai ngày càng uy tín. Theo ông Công, việc áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, cùng định hướng phát triển sản phẩm OCOP đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, hợp tác xã có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia, trong đó nhiều sản phẩm đã tiếp cận thị trường quốc tế như Nhật Bản.

Từ chỗ chỉ trông chờ vào mùa vụ và giá cả thị trường, người trồng tiêu tại Gia Lai đang từng bước chuyển mình với tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp, liên kết chặt chẽ với hợp tác xã và doanh nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng để hồ tiêu Gia Lai phát triển bền vững và vươn ra thị trường quốc tế trong thời gian tới./.