Giữa những triền đá tai mèo xám lạnh của cao nguyên đá Đồng Văn, vùng đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc, có một người phụ nữ đã âm thầm làm nên điều kỳ diệu. Từ mảnh đất hoang hóa, đá bao phủ, bà Trương Thị Sến (thị trấn Phố Bảng, Đồng Văn, Hà Giang), đã cải tạo thành một khu vườn xanh mát, trù phú, mang lại thu nhập cho bản thân và gieo mầm hy vọng cho nhiều người dân nơi đây.

Về Phố Bảng một ngày đầu tháng 5, dưới cái nắng nhẹ kèm theo những trận gió ào ạt thổi trên vùng núi đá, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh người dân ngày ngày chăm chỉ làm việc phát triển kinh tế. Giữa vùng núi đã xuất hiện nhiều vườn cây ăn quả xanh tươi, trù phú, trong đó, vườn cây hơn 2 ha của bà Trương Thị Sến xanh tươi giữa núi rừng.
Trong căn lều nhỏ ở vườn cây, bà Trương Thị Sến kể lại: Năm 2012, phần lớn người dân vùng cao nguyên đá Đồng, kể cả gia đình bà đều thuộc diện hộ nghèo. Người dân nơi đây làm lụng quanh năm, kinh tế gia đình cũng chỉ dựa vào những ruộng ngô trên những núi đá. Khi chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tại địa phương, bà Sến mạnh dạn đăng ký tham gia và nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền về giống cây trồng, phân bón. Với hơn 2 ha đất bỏ hoang, bà bắt tay vào trồng cây lê, cây đào.

Ban đầu bà không biết kỹ thuật trồng cây và cách chăm sóc nên cây trồng lên dần dần héo úa và chết rất nhiều. Bà xin tham gia các lớp tập huấn, đi tham quan mô hình ở nơi khác, rồi về mày mò cải tiến theo điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương. Sau một thời gian, cây lên xanh tốt và phát triển. Với những kiến thức học được, gia đình bà đã đặt cả niềm tin, mồ hôi, công sức để gánh nước tưới tiêu, làm cỏ và chăm sóc vườn cây. Sau ba năm, mảnh đất cằn khô đã nở hoa, vườn cây sai trĩu quả.
Không dừng lại ở vườn cây ăn quả, bà Sến tiếp tục mở rộng sang trồng rau sạch, không chỉ là rau theo mùa, bà còn trồng các loại rau trái vụ, phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết nơi đây. Gia đình vừa có rau sạch để ăn vừa bán được giá cao.
Giờ đây, trên mảnh đất khô cằn, những luống cải mèo, xà lách, rau thơm xanh mướt dưới tán lê, đào, mận. Những sản phẩm nông nghiệp của gia đình bà không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn được cung cấp cho các nhà hàng lớn… mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình hơn 100 triệu đồng. Từ hộ nghèo, giờ đây gia đình bà dần thoát nghèo và trở nên khá giả, các con đều được học hành và thành đạt.

Bà Sến chia sẻ: Khi vườn cây bắt đầu ra hoa, kết quả, cả nhà bà rất mừng, thành quả bấy lâu nay đã được đền đáp. Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà Sến còn trở thành “bà đỡ” cho nhiều phụ nữ Mông ở vùng cao nguyên đá. Nhiều phụ nữ người Mông khi đến làm việc cho bà, được bà hướng dẫn cách trồng cây, trồng rau nên cũng đã làm theo. Từ chỗ chỉ biết trồng ngô, nay các chị đã biết trồng rau sạch, đưa sản phẩm ra chợ bán, thậm chí học cách kinh doanh online để tiếp cận thị trường rộng hơn.
“Mình làm không phải chỉ để giàu cho mình. Đất này là đất quê, đất tổ tiên để lại. Làm được cái gì hay thì phải chia sẻ, để ai cũng sống được, sống tốt hơn”, bà Sến tâm sự.
Chị Vừ Thị Cáy (xã Lũng Thầu, Đồng Văn) cho biết “Cô Sến dạy từng chút một: Từ chọn giống, cách tưới nước, ủ phân, đến cách buộc rau cho đẹp. Giờ nhà mình trồng được rau bán, con cái có tiền đi học, đỡ khổ hơn trước nhiều”.

Năm 2024, Lễ hội Hoa Lê ở Đồng Văn diễn ra trong sự háo hức của người dân và du khách. Trong đó, vườn lê của bà Sến là một điểm nhấn quan trọng, góp phần tăng giá trị của hơn 25ha lê và 15,5ha mận của toàn vùng. Giờ đây, khi kinh tế gia đình ổn định, để cải tạo và phát triển đa dạng cho vườn cây, bà Sến tiếp tục học hỏi, lấy giống và thử nghiệm trồng thêm nho, quýt, cherry, các loại cây ăn quả cao cấp nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Ông Là Mí Kha, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phố Bảng cho biết: Bà Trương Thị Sến là người có uy tín trong xã, bà không chỉ là người đi đầu trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn là cầu nối quan trọng giữa người dân với chính quyền, giữa nông nghiệp với du lịch. Bà là một tấm gương tiêu biểu về phụ nữ vùng cao làm kinh tế giỏi.
Giữa vùng đá núi khô cằn, bàn tay của người phụ nữ Phố Bảng đã ươm mầm một màu xanh hy vọng, màu xanh của sự sống, của khát vọng vươn lên từ gian khó. Bà Trương Thị Sến không chỉ gieo trồng cây trái, mà còn gieo niềm tin cho cộng đồng. Bà không chỉ là người nông dân giỏi, mà còn là biểu tượng sống động của nghị lực, của một phụ nữ “biết làm - biết nghĩ - biết sẻ chia” nơi rẻo cao Hà Giang…/.