Do số lượng đàn gia súc, gia cầm bị sụt giảm bởi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, để bảo đảm nguồn cung và khôi phục sản xuất chăn nuôi, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đẩy mạnh tái đàn theo hướng có kiểm soát; quan tâm phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, việc tái đàn năm nay người chăn nuôi gặp một số thách thức như: tình hình thời tiết rét đậm, rét hại; giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, trong khi thị trường tiêu thụ có thể biến động. Do đó, đòi hỏi các hộ chăn nuôi phải tính toán kỹ lưỡng, việc tái đàn không thể thực hiện một cách ồ ạt, lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng và bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn.
Hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái có tổng đàn gia súc chính 827.228 con; tổng đàn gia cầm trên 7 triệu con. Những năm qua, Yên Bái đã phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Các giống gia súc, gia cầm được các hộ nông dân, hợp tác xã nuôi với quy mô lớn, mô hình chăn nuôi hữu cơ và an toàn sinh học cũng được chú trọng.

Ông Ninh Trần Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, việc tái đàn sau Tết là bước quan trọng để duy trì quy mô chăn nuôi, ổn định sản xuất và bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay đang rét đậm, rét hại, người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc tái đàn để phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe vật nuôi. Cùng đó, các địa phương cần tăng cường quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống; tăng cường năng lực sản xuất giống tại địa phương để có con giống với giá thành phù hợp trong quá trình sản xuất.
Ngành cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn có kiểm soát, không tái đàn ồ ạt để tránh nguy cơ dịch bệnh. Việc lựa chọn con giống phải chặt chẽ, chỉ nhập từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt, người dân nên áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tuần hoàn và an toàn sinh học để tối ưu chi phí và giảm thiểu rủi ro.
Hiện nay, thời tiết rét đậm, rét hại và thay đổi thất thường, người dân cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống đói, rét và không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống thấp. Khi nhập con giống mới, phải chọn những con khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine quan trọng như tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Mặt khác, các hộ chăn nuôi chú trọng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, để trống chuồng ít nhất 1 - 2 tuần trước khi nhập giống mới.

Năm 2025, ngành nông nghiệp Yên Bái phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 5,85%; giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) đạt 2.740 tỷ đồng, tăng 180 tỷ đồng so với năm 2024; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 30% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tổng đàn gia súc chính đạt 950.000 con; đàn gia cầm 8 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 83.000 tấn.
Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Yên Bái khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi quan trọng không chỉ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Cùng đó, chú trọng cung cấp giống gia súc, gia cầm chất lượng cao, có khả năng sinh trưởng, kháng bệnh tốt.
Đinh Thùy