Từ bản nhỏ đến giảng đường lớn: Những giấc mơ không ngủ quên

Từ bản nhỏ đến giảng đường lớn: Những giấc mơ không ngủ quên

Không có con đường đến giảng đường nào là dễ dàng, đặc biệt với những cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa, những nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng đâu đó có những cô gái nhỏ đang nỗ lực thắp lên niềm tin, hy vọng theo đuổi tri thức, thay đổi tương lai trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Chỉ cần bạn không dừng lại, không từ bỏ thì bước chân nhỏ bé hôm nay có thể đưa bạn đến ước mơ ngày mai. Tôi tin mọi đứa trẻ đều có thể đặt chân đến giảng đường nếu không từ bỏ”, Phùng Thị Thúy, cô gái dân tộc Mường đến từ thôn Nậm Giang 2 (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vui vẻ tâm sự. Ẩn sau nụ cười tươi và ánh mắt sáng là cả một hành trình gian khó, kiên cường vươn lên từ nghèo khó để trở thành sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

ptt.jpg
Cô sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phùng Thị Thúy (thôn Nậm Giang 2, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai)

Lớn lên trong một gia đình dân tộc Mường duy nhất giữa xóm người Mông và Dao, tuổi thơ của Thúy gắn liền là những tháng ngày chật vật, thiếu thốn. Bố của Thúy tần tảo, vất vả làm đủ thứ nghề để nuôi em ăn học, khi thì làm thuê ở lò gạch, khi lại bốc vác để kiếm thêm thu nhập; mẹ làm nông, từng học rất giỏi nhưng phải nghỉ học từ lớp 9 vì gia đình quá nghèo.

“Mẹ tôi viết chữ còn đẹp hơn cả tôi bây giờ”, Thúy nói rồi mỉm cười đầy tiếc nuối.

Thuở nhỏ, Thúy chưa từng biết đến sinh nhật là gì. Mỗi lần được bạn bè trong xóm mời dự sinh nhật, cô gái nhỏ lại háo hức nhìn các bạn thổi nến, cắt bánh, rồi lặng lẽ ước ao một lần được như thế. Mãi khi học đến trung học cơ sở, Thúy mới nhớ được ngày sinh nhật của mình.

Biến cố ập đến khi Thuý học lớp 4, gia đình vỡ nợ, bố mẹ phải bán nhà và gánh thêm khoản nợ lớn. Gia đình Thúy chuyển đến một bản xa, sống trong căn nhà tạm. Trong ký ức của em, mùa đông tại "căn nhà mới" rất lạnh, gió không ngừng lùa vào qua từng khe nứa, nhiều đêm em mất ngủ, bố mẹ phải phủ bạt xung quanh giường... Sau đó bố mẹ gửi hai chị Thúy về nhà bà ngoại, song căn nhà của ngoại cũng không khá hơn.

“Có hôm mưa to, bà ngoại phải lấy áo mưa che trên màn để ba bà cháu ngủ. Nhưng cũng có những hôm mưa to quá, ba bà cháu đang ngủ, nước đổ ập xuống mặt... Cảm giác rất sợ hãi… ”, Thúy nhớ lại những ngày thơ ấu.

Cùng với đó, đường đến trường khá xa, bữa trưa Thúy mang theo cặp lồng cơm, có hôm chỉ có mì tôm, cũng có hôm có thêm quả trứng, vài ba miếng thịt… Mưa gió, các bạn được bố mẹ đón về, Thúy nhìn theo lòng không khỏi buồn, tủi thân. Nhưng rồi em cố gắng khắc phục khi thấy xung quanh vẫn còn nhiều bạn cũng hoàn cảnh như mình.

Khi lên trung học phổ thông, nghe các bạn nói vào trường nội trú sẽ được nuôi ăn ở miễn phí, Thúy quyết tâm theo học. Môi trường mới đã mở ra một thế giới khác cho cô gái nhỏ: Có bạn bè khắp nơi, không còn lo thức giấc vì dột mưa, được thầy cô dìu dắt, hun đúc ước mơ. Lần đầu tiên nghe bạn bè nói về đại học, Thúy tự hỏi: Liệu mình có thể không? Nhìn quanh, nhiều bạn bè cùng trang lứa đã nghỉ học sớm để lấy chồng, đi làm nương, tối về chăn lợn. Cô gái nhỏ không muốn cuộc sống của mình chỉ quanh quẩn như vậy.

t1.jpg
Phùng Thị Thúy thử sức làm MC tại nhiều hoạt động, sự kiện khi đang là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Đặc biệt khi nghe lời tâm sự của bố: "Bố em chỉ học hết lớp 3, chỉ biết ít chữ, vì thế bố sẽ cố gắng để chăm lo con được học hành đến nơi đến chốn". Ngọn lửa quyết tâm trong Thúy cũng được thắp sáng thêm khi cô gái trẻ biết đến câu chuyện của chị Chảo Thị Yến, cô gái người Dao đầu tiên giành học bổng du học châu Âu.

“Chị Yến cũng xuất thân từ nghèo khó giống mình. Gia đình chị cũng chưa có ai đi học đại học. Nhưng chị đã nỗ lực có thể sang trời Âu để học. Chị Yến làm được, tại sao mình lại không làm được? Từ đó thôi thúc em quyết tâm phấn đấu thi đỗ một trường đại học tại Hà Nội… ”, Thúy nhớ lại.

Nhận được giấy báo trúng tuyển, cô gái nhỏ hò reo trong vui sướng: “Đỗ đại học rồi!”. Khi bố mẹ đi làm về biết tin cũng cảm thấy rất vui mừng, nhưng sau đó cũng bắt đầu lo lắng... Là người đầu tiên trong thôn đỗ đại học ở Hà Nội, Phùng Thị Thúy mang theo không chỉ khát vọng của bản thân, mà còn là niềm tin và kỳ vọng của cả bản làng.

t2.jpg
Phùng Thị Thúy mong muốn tương lai có thể tiếp sức cho trẻ em tại quê hương thông qua nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa.

“Một tháng sau đó, tôi phải nhập học, đóng 11 triệu, nhưng trong nhà chưa có 10 triệu, làm sao có tiền đi học. Tôi cảm thấy nhụt chí. Nhưng được bố mẹ động viên: ‘Con cứ yên tâm, bố mẹ sẽ cố gắng lo được’, tôi an tâm phần nào. Buổi tối trước khi lên đại học, nhà tôi có làm vài mâm cơm để mời các cô bác, họ hàng và bà con trong bản đến để ăn mừng và tạm biệt em lên Hà Nội học đại học.

Không ai bảo ai, bà con trong thôn cùng nhau góp từng đồng lẻ, chắt chiu từ công việc đồng áng, chăn trâu, để làm hành trang cho tôi bước vào giảng đường. Tôi nhớ lúc đó ông San dúi tiền vào tay tôi, dù ông tuổi đã cao, đi chăn trâu để trang trải cuộc sống. Một bác khác thủ thỉ động viên: "Lên Hà Nội, Thúy cố gắng học tập… bác mong sau này con bác cũng giống như Thúy… Sau buổi tối hôm đó, tôi càng cảm thấy biết ơn, trân trọng tình cảm của mọi người…”, Thúy chia sẻ.

Hành trình học đại học tại Hà Nội mở ra chuỗi những “lần đầu tiên” của cô gái nhỏ: Lần đầu đi thang máy, xem phim tại rạp, thấy những tòa nhà chọc trời, những ánh đèn rực rỡ về đêm. “Tôi còn nhớ lúc nằm trên xe khách, ánh sáng xuyên qua tấm rèm cửa, tôi hé rèm ra và choáng ngợp trước những tòa nhà cao tầng san sát, ánh đèn sáng cả đêm…, những điều này tôi chưa từng thấy ở thôn, bản. Tôi biết, mình đang bước vào một thế giới mới”, Thúy kể lại.

ptt5.jpg
Thúy tích cực tham gia nhiều chương trình, hoạt động vì đồng bào dân tộc thiểu số.
tb.jpg
Cô sinh viên trường báo chí tích cực làm các video ngắn chia sẻ trên mạng xã hội.

Tháng 1/2025, Thúy mong muốn tạo ra những giá trị cho cộng đồng, cô gái trẻ quyết định tạo ra kênh Tik Tok “Thúy trên bản” để chia sẻ cuộc sống ở vùng cao, những hoạt động đi hái rau rừng, chăm lợn để lan tỏa cho bạn bè ở đại học và những bạn ở dưới xuôi biết được cuộc sống ở trên vùng cao như thế nào, văn hóa vùng cao ra sao và chia sẻ cuộc sống tại ký túc xá, hay quãng thời gian sinh viên tươi đẹp… Đặc biệt, Thúy mong muốn cho những em nhỏ ở trên thôn, bản có thể nhìn thấy chị Thúy đi học đại học, tham gia những trải nghiệm vui vẻ như thế nào? Từ đó truyền cảm hứng cho các em theo đuổi giấc mơ đại học.

Song song với việc học, Thúy còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, đáng nhớ nhất là chương trình “Nấu ăn cho em”. “Có em chưa từng biết đến xúc xích hay sợi bún. Nhìn ánh mắt háo hức của các bạn nhỏ, tôi như thấy lại chính mình ngày bé, cũng từng ao ước có một bữa ăn ngon. Tôi chỉ mong, những khoảnh khắc ấy sẽ tiếp thêm niềm tin và động lực cho các em nhỏ tiếp tục vươn lên,” Thúy chia sẻ.

Trong một chuyến đi thiện nguyện khác, Thúy từng gặp một cô gái dân tộc thiểu số, da rám nắng, cõng con nhỏ trên lưng… “Cô gái mới 18 tuổi, đã có ba con. Khoảnh khắc đó khiến tôi trăn trở rất nhiều. Tôi không muốn mình sống cuộc đời như thế. Tôi muốn được ra ngoài khám phá, học hỏi, trưởng thành để thay đổi cuộc đời mình, gia đình mình và cả thôn, bản của mình. Tôi luôn tâm niệm, chỉ cần bạn không dừng lại, không bỏ cuộc, thì bước chân nhỏ hôm nay sẽ đưa bạn đến giấc mơ ngày mai. Mọi đứa trẻ dù ở đâu đều có thể đặt chân tới giảng đường nếu không từ bỏ”, Thúy mỉm cười, ánh mắt rạng rỡ như chính hành trình mình đang đi.

stp.jpg
Cô sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền Sùng Thị Phương.

“Có thể ai đó thất hứa với mình, nhưng bản thân mình không được phép thất hứa với chính mình”, cô gái dân tộc Mông Sùng Thị Phương (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ khi kể về hành trình đi tìm tri thức, vượt lên số phận để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Là con út trong một gia đình có sáu anh chị em ở thôn Tỉnh B, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), tuổi thơ của Phương là những ngày cơ cực khi mất cha từ sớm, một mình mẹ gồng gánh nuôi cả đàn con thơ. Ở vùng cao, sau khi chồng mất, nhiều người phụ nữ tái hôn, nhưng mẹ Phương đã chọn “ở vậy”, làm việc, chắt chiu từng đồng lo cho các con từng bữa ăn…

Dù mong mỏi các con đi học, nhưng cái nghèo luôn là rào cản. Các chị của Phương phải nghỉ học sớm từ lớp 1, lớp 2 để đi làm nương, làm rẫy phụ mẹ. Phương may mắn hơn khi năm 6 tuổi, em được đón vào làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ, mái nhà thứ hai, nơi em được sống trong một gia đình nhỏ có 10 đứa trẻ và một “người mẹ” tận tụy chăm sóc.

“Nếu ở lại quê, tôi đã phải lấy chồng sớm như nhiều bạn cùng lứa. Nhưng nhờ được sống và học tập ở làng trẻ em SOS, tôi mới có cơ hội viết tiếp giấc mơ đến trường”, Phương xúc động kể.

Xa nhà từ nhỏ, cô gái không khỏi buồn tủi, năm 6 tuổi được anh rể đưa đến làng trẻ em SOS, Phương nghĩ mọi người sẽ quay lại đón mình. Nhưng từ đó, mỗi năm em được về nhà một lần thăm mẹ và các anh chị. “Những ngày đầu, tôi nhớ mẹ lắm. Nhìn các bạn có bố mẹ đưa đón, tôi tủi thân vô cùng. Tôi mất bố từ nhỏ, chưa từng cảm nhận được hơi ấm của cha. Mẹ thì sinh tôi muộn, giờ đã hơn 60 tuổi rồi, sức khỏe cũng yếu đi nhiều...”, Phương chia sẻ.

Dù xa mẹ và các anh chị, nhưng Phương luôn được mẹ dặn dò phải cố gắng học hành để có tương lai tươi sáng, không lấy chồng sớm như bao bạn bè cùng tuổi. Mẹ nuôi ở làng SOS cũng không quên nhắc em học tiếng Mông thật tốt để có thể trò chuyện, giúp đỡ mẹ nhiều hơn.

stp3.jpg
Sau mỗi tiết học trên giảng đường, Phương chăm chỉ rèn luyện kỹ năng viết lách, trau dồi kiến thức làm báo.

“Cho đến hiện tại, khi tâm sự với mọi người, các chị trong nhà cũng bày tỏ sự hối tiếc vì ngày xưa không có điều kiện đi học, bây giờ các chị muốn làm kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn…. Mỗi lần về quê, thấy chị dâu không biết tiếng phổ thông, không biết chữ, dành hết thời gian để lao động, làm công việc nặng nhọc, rất vất vả, tôi cảm thấy thương chị vô cùng… Bản thân tôi đã có những trải nghiệm làm nương, trồng bắp từ năm lớp 6 khi phụ giúp mẹ. Tôi nhớ ngày đó, đường đồi núi rất dốc, tôi vừa đeo gùi trên lưng vừa cầm một túi gạo nặng và băng qua một cánh rừng…, vì mệt quá, giữa đường tôi đã bật khóc, mẹ phải an ủi, dỗ dành tôi để tiếp tục đi tiếp được…”, Phương bộc bạch.

Nói về hành trình theo đuổi giấc mơ đại học, Phương chia sẻ: “Tôi học tốt nhất là môn ngữ văn nên tôi quyết định thi tuyển vào ngành báo chí. Tôi cũng muốn trau dồi, rèn luyện khả năng giao tiếp, sự tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống… Trước khi thi đại học, có quãng thời gian tôi suy sụp tinh thần, cảm giác mọi thứ sụp đổ khi nghe tin anh trai mất… Nhưng nhờ thầy cô ở làng trẻ em SOS luôn bên cạnh, động viên, tôi mới dần vực dậy tinh thần. Từ đó, tôi tự nhủ phải mạnh mẽ hơn, phải biết dựa vào chính mình, không được gục ngã…".

"Nhận được giấy báo trúng tuyển Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lúc đó sát ngày nhập học, tôi vừa bất ngờ vừa hạnh phúc. Không nghĩ là mình lại có thể đỗ đúng ngôi trường mơ ước... Ngày đầu xuống Hà Nội nhập học, tôi lúng túng, lo lắng vì không có người thân đi cùng. Nhìn các bạn có gia đình bên cạnh hỗ trợ, tôi cũng tủi thân lắm…”, Phương nhớ lại.

stp2.jpg
Khoảnh khắc vui vẻ của Phương khi học tập, sinh hoạt cùng những người bạn cùng phòng trong ký túc xá.

Nhưng vượt lên nỗi buồn và nỗi lo, Sùng Thị Phương vẫn giữ vững lựa chọn của mình. Cô miệt mài học tập với ước mơ trở thành một nhà báo tài năng, có tâm để sau này trở về làng, tiếp sức, truyền cảm hứng cho những em nhỏ người dân tộc thiểu số như mình.

“Trước đây tôi rất nhút nhát, ngại ngùng khi đưa ra ý kiến, quan điểm của mình... Giờ đây, tôi đã tự tin hơn, biết thể hiện cá tính, biết nói lên tiếng nói của mình. Tôi mong phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục, để mở rộng tương lai. Khi tốt nghiệp, có công việc ổn định, tôi sẽ quay trở ại làng trẻ em SOS để tiếp sức, hỗ trợ cho các em nhỏ dân tộc thiểu số vượt qua định kiến, vươn lên bằng tri thức và sự tử tế”.

Sống giản dị, chân thành, Sùng Thị Phương luôn nhắc mình không được quên ơn những người đã nâng bước em trên hành trình với những lời khuyên bổ ích: “Ăn đủ ba bữa một ngày, luôn biết cảm ơn và đối xử tử tế với mọi người. Có thể ai đó thất hứa với mình, nhưng bản thân mình không được phép thất hứa với chính mình”, Phương nói, ánh mắt rạng rỡ niềm tin.

Có thể bạn quan tâm

Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lưới thu nhập gấp từ 4-5 lần

Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lưới thu nhập gấp từ 4-5 lần

Từ những mảnh ruộng từng trồng lúa, rau màu kém hiệu quả, nhiều nông dân trên quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang đang mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính. Không chỉ tạo thu nhập gấp 4-5 lần so với trước, mô hình còn giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Tuổi trẻ góp sức đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên

Tuổi trẻ góp sức đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên

Trong những ngày tháng rực lửa của mùa hè tình nguyện, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên trên 31 xã nơi tuyến đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên đi qua đã và đang thể hiện rõ tinh thần xung kích, trách nhiệm công dân bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Họ không chỉ là những người đồng hành cùng người dân giữa vùng núi cao hay đồng bằng trung du, mà còn là lực lượng góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ một trong những công trình năng lượng trọng điểm quốc gia.

Gần dân để hiểu dân, vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp

Gần dân để hiểu dân, vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp

Xã Thuận Mỹ, tỉnh Tây Ninh, được sáp nhập từ ba xã: Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông và Thuận Mỹ (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũ). Sau 10 ngày vận hành, chính quyền xã mới Thuận Mỹ được sự đồng tình cao của người dân, bởi họ thấy được sự thuận tiện, gần gũi với cán bộ, công chức. Đặc biệt, ở đây, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Khải luôn gần dân, sát dân nhất để bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vận hành theo đúng định hướng đề ra.

Thiếu tá Hồ Thị Thúy An 'thắp lửa' yêu thương nơi biên giới

Thiếu tá Hồ Thị Thúy An 'thắp lửa' yêu thương nơi biên giới

Trong môi trường quân đội đầy thử thách và nghiêm khắc, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hồ Thị Thúy An (sinh năm 1987, công tác tại Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị) được ví như “bông hồng xanh” ngát hương thơm.

Chàng trai dân tộc Nùng tiên phong thực hiện số hóa, kiến tạo tương lai

Chàng trai dân tộc Nùng tiên phong thực hiện số hóa, kiến tạo tương lai

Chàng trai dân tộc Nùng Hoàng Văn Cảnh được nhiều người biết đến khi áp dụng thành công giải pháp “Xây dựng hệ thống bản đồ quản lý rừng bền vững tại Công ty Cao su Lộc Ninh” và xây dựng, triển khai thành công mô hình “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ số trong công tác Đoàn”.

Đổi thay từ đất đồi kém hiệu quả đến vườn Thanh Long tiền triệu

Đổi thay từ đất đồi kém hiệu quả đến vườn Thanh Long tiền triệu

Từ vùng đất đồi khô cằn, ông Thèn Văn Sồ, dân tộc Mông, (thôn Lũng Buông, xã Thuận Hòa, tỉnh Tuyên Quang) đã mạnh dạn cải tạo để trồng Thanh Long ruột đỏ. Sau 8 năm bền bỉ, mô hình hiện đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình ông thoát nghèo, vươn lên khá giả, trở thành tấm gương vượt khó làm giàu ở địa phương.

Chạm giấc mơ khởi nghiệp từ những chùm nho Hạ Đen

Chạm giấc mơ khởi nghiệp từ những chùm nho Hạ Đen

Với khát khao làm nông nghiệp sạch và mong muốn thay đổi cách làm kinh tế nông thôn, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã tiên phong lựa chọn giống nho Hạ Đen để khởi nghiệp. Sau ba năm kiên trì học hỏi và áp dụng kỹ thuật hiện đại, chị đã biến mảnh đất quê hương thành vườn nho trĩu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình ổn định kinh tế và vươn lên làm giàu.

Thanh niên gắn lập thân, lập nghiệp với trách nhiệm vì cộng đồng

Thanh niên gắn lập thân, lập nghiệp với trách nhiệm vì cộng đồng

Không phải là người con Bình Định nhưng anh Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1985, trú thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã viết nên câu chuyện thật đẹp tại vùng đất mình lập nghiệp với những hành động thiện nguyện hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Mới đây, anh vinh dự được tuyên dương gương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” giai đoạn 2023 - 2025.

100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam: Cần mẫn gieo mầm xanh nơi gió cát

100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam: Cần mẫn gieo mầm xanh nơi gió cát

Sau hơn 10 năm miệt mài trồng rừng với tất cả công sức và tâm huyết, nhà báo Nguyễn Tâm Phùng (Phóng viên báo Nông nghiệp và Môi trường), quê ở thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã phủ xanh những vạt cát trắng bỏng rát ven biển. Thành quả ấy khiến người dân địa phương không khỏi cảm phục.

Câu lạc bộ nông dân tỷ phú - hạt nhân tri thức hóa nông nghiệp Hậu Giang

Câu lạc bộ nông dân tỷ phú - hạt nhân tri thức hóa nông nghiệp Hậu Giang

Với bề dày kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, các thành viên Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Hậu Giang đang trở thành hạt nhân thúc đẩy quá trình “tri thức hóa nông dân”, góp phần xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp, có tay nghề cao, lan tỏa phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn.

Những cán bộ hội tâm huyết vì phụ nữ dân tộc thiểu số

Những cán bộ hội tâm huyết vì phụ nữ dân tộc thiểu số

Tại những bản làng vùng cao, nơi cuộc sống còn bộn bề khó khăn, định kiến giới vẫn bám rễ trong đời sống cộng đồng, có những người phụ nữ, những cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ luôn thầm lặng, tận tụy vì phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số.

Nhiều sáng kiến thiết thực cải thiện năng suất, giảm rủi ro hệ thống điện

Nhiều sáng kiến thiết thực cải thiện năng suất, giảm rủi ro hệ thống điện

Với vai trò kỹ sư vận hành hệ thống điện, anh Phạm Quốc Tiến, kỹ sư SCADA, phòng Điều độ, Công ty Điện lực Tuyên Quang ngoài nhiệm vụ giám sát và điều khiển các quy trình công nghiệp phức tạp tại công ty, anh còn thường xuyên đưa ra nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả, cải thiện năng suất, cung cấp điện và giảm thiểu rủi ro của hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Biểu dương cán bộ mặt trận và người có uy tín tiêu biểu

Biểu dương cán bộ mặt trận và người có uy tín tiêu biểu

Ngày 6/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị biểu dương các cán bộ mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2020-2025 và người có uy tín tiêu biểu trong các tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Lan tỏa yêu thương, gieo mầm hạnh phúc ở vùng cực Bắc

Lan tỏa yêu thương, gieo mầm hạnh phúc ở vùng cực Bắc

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, các đơn vị thuộc Công an tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chia sẻ khó khăn, mang đến niềm vui cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Ngày 30/5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương 100 đại biểu là đồng bào có uy tín tiêu biểu của dân tộc Mông, Giáy, Hà Nhì, Bố Y, Nùng, Phù Lá, La Chí, Thu Lao tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai năm 2025.

Tuyên dương gương sáng công nhân làm theo Bác

Tuyên dương gương sáng công nhân làm theo Bác

Sáng 30/5, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị biểu dương gương sáng công nhân học tập và làm theo Bác, tôn vinh lao động giỏi - lao động sáng tạo. Đây là hoạt động ý nghĩa trong chuỗi các sự kiện, hoạt động tổ chức Tháng Công nhân năm 2025 của tỉnh.

Bản đồ nguồn nước Điện Biên - vũ khí chống 'giặc' lửa

Bản đồ nguồn nước Điện Biên - vũ khí chống 'giặc' lửa

Với sáng kiến xây dựng “Bản đồ nguồn nước Điện Biên”, Thượng úy Nguyễn Doãn Đạt (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Điện Biên) đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, đồng thời khơi dậy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong ứng dụng công nghệ số của lực lượng Công an nhân dân.

Người truyền cảm hứng 'làm giàu' cho bà con dân tộc thiểu số

Người truyền cảm hứng 'làm giàu' cho bà con dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những tấm gương tiêu biểu là ông Chu Văn Phúc, người dân tộc Tày, hiện đang sinh sống tại thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám. Ông không chỉ là điển hình trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, mà còn là người truyền cảm hứng cho nhiều bà con dân tộc thiểu số trong khu vực.

Tấm lòng nhân ái thắp lửa yêu thương

Tấm lòng nhân ái thắp lửa yêu thương

Là người con miền đất quế Văn Yên, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân, ông Đặng Bá Văn, thôn Trái Hút, xã An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn muốn góp sức giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Với tấm lòng nhân ái và tinh thần nhiệt huyết, ông Văn có nhiều đóng góp cho hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng.

Đảng viên trẻ vùng cao Điện Biên thực hiện lời Bác dạy

Đảng viên trẻ vùng cao Điện Biên thực hiện lời Bác dạy

Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát vọng lập thân, lập nghiệp, nhiều đảng viên trẻ ở vùng cao Điện Biên, đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Họ còn là những tấm gương tiêu biểu luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “đâu khó có thanh niên” để thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Yên Bái tuyên dương 218 học sinh và giáo viên có thành tích xuất sắc

Yên Bái tuyên dương 218 học sinh và giáo viên có thành tích xuất sắc

Tối 16/5, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ tuyên dương 218 học sinh và giáo viên có thành tích xuất sắc năm học 2024 - 2025, nhằm thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp phát triển giáo dục; đồng thời, ghi nhận, động viên, khích lệ những nỗ lực, phấn đấu và thành tích đạt được của đội ngũ giáo viên, học sinh.

Học và làm theo Bác: Người giáo viên Ê Đê tâm sáng, yêu nghề

Học và làm theo Bác: Người giáo viên Ê Đê tâm sáng, yêu nghề

Với tâm niệm “học Bác từ những việc nhỏ nhất”, cô giáo trẻ H Pa Ra Ayŭn – người con của buôn Sah B, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, suốt nhiều năm qua luôn miệt mài cống hiến trong hành trình "gieo chữ" nơi vùng sâu, vùng xa. "Gieo con chữ" cho học sinh tại các địa bàn khó khăn, cô không ngừng nỗ lực để mang đến môi trường học tập nhân văn, chất lượng cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.