Nghị quyết đúng và trúng đã giúp giao thông nông thôn tại huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ phát triển nhanh chóng. Nhiều tuyến đường được xây dựng mới, cải tạo, mở rộng và được đưa vào sử dụng đã tạo nên diện mạo nông thôn mới với nhiều gam màu tươi sáng.

Hiện thực hóa Nghị quyết
Về xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn vào những ngày này, đi trên những con đường được trải nhựa, bê tông, mở rộng kết nối liên thông, ai cũng cảm nhận rõ sự thay da đổi thịt nơi đây.
Mới đây, trục đường chính dài 7km tại khu 3 vừa hoàn thành trong niềm mong chờ của người dân, đây là kết quả của chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Con đường mới đã giúp kết nối với các tuyến đường lớn của tỉnh, huyện, mở ra nhiều cơ hội phát triền sản xuất kinh doanh cho người dân.
Trước đây, con đường này chỉ là lối mòn, khi bắt tay vào làm, theo thiết kế mỗi bên phải mở rộng chừng 1,5m và đường sẽ "ăn sâu" vào đất ở, tường rào cây cối, hoa màu, các công trình kiến trúc trên đất của nhiều hộ dân. Nhưng người dân sống hai bên đường đã đồng thuận, tự nguyện hiến trên 21.000m2 đất, hàng ngàn cây các loại, hàng nghìn m2 tường rào. Con đường mới đã được triển khai thuận lợi.
Lãnh đạo xã cho biết, để thực hiện Nghị quyết, xã đã tiến hành rà soát, ưu tiên xây dựng những tuyến đường thiết yếu đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Kinh nghiệm trong việc triển khai làm đường giao thông của xã là đối với mỗi công trình, người dân đều được tham gia bàn bạc, giám sát, đảm bảo công trình phát huy hiệu quả. Với nguồn xi măng hỗ trợ của Nhà nước, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động để thi công các tuyến đường.
Đến nay, toàn xã Tất Thắng đã có gần 70% đường giao thông được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản hàng hóa. Đường giao thông không chỉ rút ngắn về khoảng cách, thời gian đi lại của người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương, góp phần khai thác tiềm năng thế mạnh kinh tế đồi rừng, phát triển sản xuất, chế biến lâm sản, chăn nuôi đại gia súc giúp địa phương giảm nghèo bền vững.
Xã Đông Cửu có địa hình đồi núi, giao thông cách trở, dân cư phần lớn là người dân tộc Mường, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư, đời sống người dân, kinh tế, xã hội của xã đã có những chuyển biến rõ rệt.
Theo ông Hà Văn Cách, Chủ tịch UBND xã Đông Cửu, từ năm 2021 đến nay, toàn bộ hệ thống đường trong xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Trong đó, đường trục thôn, liên thôn cứng hóa đạt 104,6% kế hoạch; đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 55%. Mặc dù còn có những khó khăn, song việc làm này là nỗ lực lớn của chính quyền và người dân nơi đây.
Được thụ hưởng chính sách ưu tiên phát triển giao thông nông thôn của Nhà nước, bà con dân tộc Mường đã nỗ lực vượt khó, thay đổi tập tục sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại và hình thành vùng sản xuất tập trung. Những năm gần đây, địa phương phát triển được nhiều trang trại chăn nuôi gà thả vườn quy mô hàng nghìn con. Tiềm năng đất lâm nghiệp được khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Trần Quang Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết, những năm gần đây, kinh tế, xã hội của huyện miền núi này phát triển khá nhanh chóng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó nhiều tuyến đường đã xuống cấp, hư hỏng, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, cản trở giao thương hàng hóa. Khó khăn về giao thông như một nút thắt cản trở sự phát triển của huyện cũng như đời sống của người dân.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Trước đòi hỏi của thực tiễn, ngày 2/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Sơn đã ban hành Nghị quyết 08 về việc phát triển giao thông nông thôn cho cả giai đoạn 2021-2025, nhằm tăng cường kết nối hệ thống giao thông nông thôn vùng sâu, vùng xa, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn trong mùa mưa lũ và thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế huy động nguồn lực.
Để hiện thực hóa Nghị quyết, UBND huyện đã quán triệt đến từng đơn vị, địa phương; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Cùng với đó, huyện vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn chương trình, dự án để đầu tư cho giao thông nông thôn.
Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở và các khu dân cư đã vào cuộc. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng hay liên quan đến nguồn vốn đầu đã được tháo gỡ. Không ít công trình đã được người nhân dân tự giải phóng mặt bằng, hiến đất, hiến cây cối để làm đường giao thông.
Sau gần 5 năm triển khai Nghị quyết 08, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn của huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn huyện đã cứng hóa 820 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 192 km đường xã, liên xã, 170 km đường trục thôn, liên thôn, 301 km đường ngõ, xóm, 32km đường nội đồng, đạt tương ứng 100,99%,114%, 104,40%, 89,86% và 74,97% so với mục tiêu Nghị quyết.
Tại huyện Thanh Sơn, toàn bộ 100% công trình giao thông nông thôn đều áp dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Không ít tuyến đường giao thông nông thôn xây dựng không phải bồi thường về đất đã giúp làm giảm mức vốn đầu tư của Nhà nước. Nhiều tuyến đường lớn như đường đôi Thanh Sơn - Thanh Thủy qua các xã Giáp Lai, Thạch Khoàn dài 3,3 km; đường đi Đống Đá Cạn, xã Hương Cần dài 2km; các tuyến đường nội đồng, 3 cầu trên tuyến ở xã Tất Thắng, thị trấn Thanh Sơn… được lồng ghép có hiệu quả từ các chương trình, dự án và huy động nguồn lực trong nhân dân đã nhanh chóng hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Có được kết quả này là nhờ huyện đã huy động tối đa mọi nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, như ngân sách nhà nước, hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, các chương trình, dự án đầu tư phát triển xây dựng nông thôn. Huyện vận động đóng góp của nhân dân và các nguồn lực khác để phát triển giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn thực hiện đạt gần 1.374 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương là 1.333 tỷ đồng, vốn do nhân dân góp và huy động các nguồn vốn khác đạt trên 40 tỷ đồng.
Nhờ giao thông thôn phát triển, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, giao lưu, buôn bán, đi lại của nhân dân rất thuận lợi; kinh tế, xã hội phát triển; đời sống nhân dân có những bước cải thiện đáng kể. Thông qua phong trào phát triển giao thông nông thôn, năng lực quản lý và trình độ chuyên môn của cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác giao thông nông thôn đã từng bước được nâng lên. Nhận thức của nhân dân về việc xây dựng giao thông nông thôn đã có bước chuyển biến mạnh, tạo tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo.../.