Mặc dù đã chủ động các giải pháp phòng trừ nhưng nông dân tỉnh Phú Yên vẫn không thể khắc phục triệt để tình trạng rầy nâu và rầy lưng trắng phá hoại lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn chín gần thu hoạch với diện tích hơn 4.600 ha. Hiện, thời tiết nắng nóng và gió Đông Nam hoạt động mạnh tạo điều kiện cho dịch rầy bùng phát, nguy cơ mất mùa cao.

Tại cánh đồng Đá Dựng thuộc xã Hòa Tân Đông (thị xã Đông Hòa), nhiều nông dân đang nỗ lực phun thuốc trị rầy gây hại trên cây lúa đang trong giai đoạn chín sữa đến chín sáp. Nhiều trường hợp đã phun thuốc 2 - 3 lần nhưng vẫn không thể khắc phục được hiện tượng rầy phá lúa. Một số diện tích bị rầy nâu và rầy lưng trắng phá hoại gần như hoàn toàn dẫn đến cây lúa chết khô, hạt lép.
Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (xã Hòa Tân Đông) trồng 1.000 m2 lúa giống Quảng Nam 9. Trong giai đoạn phát triển, cây lúa bị bệnh đạo ôn nhưng chị khắc phục được. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối vụ khi lúa đang bắt đầu trổ bông thì bị rầy nâu và rầy lưng trắng tấn công. Diện tích lúa bị nhiễm rầy nặng khoảng 30% diện tích trồng. Chị đã phát hiện và nhiều lần phun thuốc nhưng đến nay phần diện tích lúa bị nhiễm rầy nặng đã chết hoàn toàn không thể thu hoạch được.

Cùng bị ảnh hưởng bởi rầy nâu và rầy lưng trắng, nhiều nông dân trên địa bàn xã Hòa Tân Đông hiện đang nỗ lực phun thuốc để trị bệnh và hạn chế dịch bùng phát. Tuy nhiên, con rầy sinh trưởng rất mạnh và lây lan nhanh qua những diện tích khác khiến nông dân không kịp phun thuốc, dẫn đến cây lúa chết khô. Nguyên nhân là do thời tiết năm nay bất lợi với việc mưa nhiều gây ngập lụt và gió Đông Nam hoạt động mạnh.
Ông Hồ Văn Cư, cán bộ khuyến nông Hợp tác xã Hòa Tân Đông (thị xã Đông Hòa) cho biết, hợp tác xã phối hợp với người dân phát hiện rầy nâu và rầy lưng trắng từ rất sớm và đã phun thuốc nhiều lần để phòng trừ nhưng không đạt hiệu quả. Hợp tác xã quản lý khoảng 450 ha lúa thì hầu hết phát sinh rầy. Nhiều diện tích lúa chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch nhưng người dân phải phun thuốc diệt rầy dù biết ảnh hưởng đến chất lượng lúa sau thu hoạch.

Phó Trưởng trạm Trồng trọt và Chăn nuôi thị xã Đông Hòa Võ Thị Thấm cho biết, vụ Đông Xuân 2024 - 2025, toàn thị xã gieo trồng hơn 4.500 ha lúa, chủ yếu là các giống lúa: Quảng Nam 9, Đài Thơm 8, PY8, PY10, ML213… Cây lúa đang trong giai đoạn chín sữa, chín sáp và chuẩn bị thu hoạch thì bị rầy nâu và rầy lưng trắng phát sinh gây hại với diện tích khoảng 1.800 ha; trong đó diện tích lúa bị nhiễm rầy khoảng 700 ha (nhiễm nặng 65 ha). Đơn vị khuyến cáo người dân tiếp tục phun thuốc diệt rầy cho cây lúa ở giai đoạn chín sữa, chín sáp; đối với cây lúa chuẩn bị thu hoạch thì dừng phun thuốc để đảm bảo chất lượng lúa, gạo sau này.
Huyện Tây Hòa có diện tích lúa bị rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại nhiều nhất với 2.500 ha, nằm rải rác ở hầu hết các xã trên địa bàn; trong đó diện tích lúa đã bị nhiễm rầy khoảng 1.250 ha (nhiễm nặng 100 ha). Hiện cây lúa đang trong giai đoạn gần thu hoạch nên phần diện tích bị rầy gây hại không thể khắc phục được, nguy cơ năng suất lúa giảm mạnh.
Theo Trưởng Trạm Trồng trọt và Chăn nuôi huyện Tây Hòa Lương Văn Lê, cây lúa bị rầy phá hoại từ cách đây hơn một tháng. Đơn vị đã khuyến cáo người dân phun thuốc ngay từ khi phát hiện để diệt trừ. Tuy nhiên, nhiều người dân phun thuốc không đúng theo liều lượng làm cho rầy không chết mà ngày càng phát triển, lây lan nhanh. Nhiều diện tích lúa sạ muộn đúng vào chu kỳ con rầy sinh trưởng nên bị nhiễm nặng, gây khó khăn cho việc phòng trừ.
Theo Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Phú Yên, vụ Đông Xuân 2024 - 2025, nông dân toàn tỉnh gieo sạ 26.700 ha lúa với một số giống lúa như: IR17494, MT10, BĐR27, ĐV108, TBR1, TBR97, BĐR999, CH133, ML213, PY8, PY10, Quảng Nam 9… Vào thời kỳ giữa vụ, cây lúa đang giai đoạn đòng - trỗ bông thì có gió Đông Nam hoạt động. Sau đó, thời tiết có mưa và nắng xen kẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho rầy phát triển. Đến giai đoạn lúa chín sữa - chín sáp, thời tiết ngày nắng nóng, gió Đông Nam hoạt động mạnh hơn nên thuận lợi cho rầy bùng phát và gây hại nặng.
Tổng diện tích rầy gây hại trên cây lúa toàn tỉnh hơn 4.660 ha. Có 6/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có diện tích lúa bị rầy gây hại; nhiều nhất là huyện Tây Hòa (2.500 ha), thị xã Đông Hòa (1.800 ha), huyện Tuy An (195 ha), huyện Phú Hòa (121 ha), huyện Đồng Xuân (25 ha), thành phố Tuy Hòa (20 ha).
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Phú Yên Nguyễn Văn Minh cho biết, khi phát hiện rầy gây hại trên cây lúa, chi cục đã chỉ đạo các địa phương và đơn vị hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ. Những diện tích bị rầy gây hại được nông dân phun thuốc phòng trừ từ 1 - 3 lần thì mật độ rầy có giảm. Đối với lúa chính vụ đang bước vào giai đoạn chín sáp - chín và nguồn rầy còn trên đồng ruộng sẽ có nguy cơ bị cháy chòm. Chi cục tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực phối hợp với địa phương tăng cường hướng dẫn người dân phòng trừ. Đối với những diện tích lúa có rầy mới phát sinh thì có khả năng chống chịu được đến kỳ thu hoạch, ít ảnh hưởng đến năng suất.
Tường Quân