Nhằm phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít tiếp xúc với công nghệ, tại tỉnh Điện Biên, phong trào “Bình dân học vụ số” đang được triển khai và lan tỏa sâu rộng. Điều này không chỉ giúp người dân vùng cao chủ động tiếp cận và làm chủ công nghệ số, mà còn hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số, góp phần phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Đến từng nhà, hướng dẫn từng người

Từ ngày 1/7, 45 xã, phường của tỉnh Điện Biên chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây cũng là thời điểm hàng trăm cán bộ Đoàn, thanh niên và sinh viên tại tỉnh Điện Biên tổ chức 75 đội hình thanh niên tình nguyện bám sát địa bàn, phối hợp với chính quyền cơ sở, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến. Tại đây, người dân đã được hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, khai thác thông tin cá nhân số, nộp hồ sơ trực tuyến, thực hiện xác thực định danh điện tử... Đặc biệt, lực lượng tình nguyện còn giúp đỡ người dân là người cao tuổi, người không thành thạo công nghệ và người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận thuận lợi các tiện ích số.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) những ngày này, các bạn đoàn viên, thanh niên và đội ngũ tình nguyện viên của phường luôn có mặt để hướng dẫn người dân tích hợp các chức năng trên ứng dụng VNeID; đăng ký giấy tờ hành chính, khai báo y tế, bảo hiểm xã hội số, nộp thuế điện tử…; đồng thời, hỗ trợ cán bộ công chức xã, phường nhập liệu và số hóa hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người dân, phân luồng công dân theo nhóm dịch vụ, đảm bảo trật tự tại khu vực tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Lực lượng đoàn viên, thanh niên còn xuống tận các bản, tổ dân phố để hướng dẫn người dân cách sử dụng các tiện ích trên điện thoại thông minh, cách tra cứu thông tin và các kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn khi sử dụng mạng internet.

Đoàn viên Quàng Thị Thu, Đoàn thanh niên phường Mường Thanh chia sẻ, với phương châm “Triển khai nhanh chóng, kết nối rộng khắp, ứng dụng thông minh”, lực lượng đoàn viên, thanh niên phường đã đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người dân một cách cụ thể, tỉ mỉ. Nhờ đó, người dân đã biết cách sử dụng điện thoại thông minh; cách cài đặt các ứng dụng trên nền tảng số để tra cứu thông tin; sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cùng với nhiều tiện ích khác.
Ông Trần Hùng Mạnh, thôn Thanh Đông, phường Mường Thanh cho biết: "Với sự giúp đỡ nhiệt tình của lực lượng Đoàn viên, chúng tôi đã được phổ cập kiến thức về công nghệ qua phong trào “Bình dân học vụ số”. Nhờ đó, người dân tại phường đã được trang bị những kiến thức về truy cập, sử dụng internet và các kỹ năng số thiết yếu một cách văn minh, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin ở mức cơ bản, tránh lừa đảo số; nhận diện, phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian mạng".
Phó Trưởng Ban Công tác Đoàn và Thanh thiếu nhi, Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên Quàng Mạnh Hải cho biết, phát huy tinh thần xung kích và đóng góp của tuổi trẻ Điện Biên trong quá trình tham gia hỗ trợ nâng cao năng lực số, khả năng sử dụng các thiết bị và ứng dụng số cho người dân, gần 2.000 học sinh, sinh viên của các trường cao đẳng và trung học phổ thông trên địa bàn tham gia hoạt động tình nguyện phổ cập kỹ năng số cho người dân. Với phương châm “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”, bằng hành động “Triển khai nhanh, kết nối rộng, ứng dụng thông minh”, thực hiện tốt phong trào “Bình dân học vụ số”. Đến nay, số người dân, hộ gia đình tại tỉnh Điện Biên đã được lực lượng Đoàn viên thanh niên các Tổ Công nghệ số cộng đồng tới tận nhà phổ cập kỹ năng số là trên 50.000 người, tập trung tại các tổ dân phố 6, 7, 8 và 12 của phường Điện Biên Phủ, các tổ 1,4,5 của phường Mường Thanh. Có trên 4.000 cán bộ công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn được bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật, nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số, kỹ năng số.
Cầu nối đưa người dân bước tiến vào kỷ nguyên số

Đoàn viên thanh niên trực tiếp xuống các xã, phường phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: TTXVN phát
Xác định "Bình dân học vụ số" không chỉ là một phong trào, mà còn là cầu nối đưa người dân bước tiến vào kỷ nguyên số; góp phần xây dựng xã hội số toàn diện và bền vững ngay từ cơ sở. Điện Biên phấn đấu đến năm 2026, có 100% người dân trong độ tuổi trưởng thành có kiến thức cơ bản về số hóa, có kỹ năng số phù hợp và sẵn sàng tham gia tích cực vào xã hội số.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 225- KH/TU ngày 3/6/2025, nhằm quán triệt, tuyên truyền và triển khai phong trào trên địa bàn tỉnh với mục tiêu toàn diện, sâu rộng đến tận tổ dân phố và hộ gia đình; tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng, tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi số.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Mùa A Sơn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức như Steam for VietNam, VNPT, Viettel, Mobifone, Đại học Bách khoa Hà Nội, Tập đoàn FTP... triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người dân thông qua phong trào “Bình dân học vụ số”; xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI trong giáo dục, nông nghiệp thông minh, du lịch, văn hóa và quản lý hành chính công; mở rộng các chương trình đào tạo AI cơ bản cho người dân tại các xã khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên các ứng dụng AI đơn giản, dễ tiếp cận và triển khai lớp học lưu động với tài liệu bằng tiếng dân tộc bản địa; đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của AI thông qua các sự kiện như: “Ngày hội AI” năm 2026, “Ngày hội toàn dân học tập số”, Lễ hội Hoa Ban và các kênh truyền thông địa phương, nghiên cứu sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số để tiếp cận người dân vùng sâu, vùng xa.
Từ nay đến năm 2026, Điện Biên phấn đấu tổ chức ít nhất 20 khóa đào tạo cho 2.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tập trung vào các kỹ năng phân tích dữ liệu, quản lý dự án và sử dụng AI trong công tác báo cáo, đảm bảo từ 90% cán bộ, công chức, viên chức khu vực công có kỹ năng số vào năm 2025, đạt 100% vào năm 2026./.