Khởi động Đề án một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao từ cuối tháng 11/2024, đến nay, tại các địa phương tỉnh Long An, lúa trong vùng thực hiện Đề án mang lại hiệu quả khá cao so với canh tác truyền thống. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra, việc thay đổi thói quen canh tác của người dân cần cả một tiến trình.

Giảm giống, phân, thuốc so với canh tác truyền thống
Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023; trong đó có 12 tỉnh, thành phố vùng Ðồng bằng sông Cửu Long tham gia; quy mô đến 2025 là 300.000 ha, đến 2030 là 1 triệu ha. Đề án hướng người nông dân sản xuất lúa tới hạn chế những thói quen truyền thống nhằm giảm lượng giống, phân, nước, nâng cao năng suất, tăng thu nhập và giảm lượng phát thải.
Ông Đinh Châu Phong, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vĩnh Hưng cho biết, bước đầu, huyện vận động bà con làm theo lộ trình của đề án, giảm giống, phân bón, nước và giảm phát thải. Triển khai theo các tiêu chí Đề án trên diện tích 10 ha tại xã Thái Trị, vụ Đông Xuân vừa qua cho thu hoạch đạt năng suất 8,8 tấn/ha, cao hơn so với canh tác truyền thống từ 0,5 - 0,8 tấn/ha và tiếp tục xuống giống vụ Hè Thu trên diện tích 10 ha này.
Theo ông Đinh Châu Phong, do người dân đã quen sản xuất theo phương thức truyền thống nên cần có khoảng thời gian vận động lâu dài để thay đổi. Theo lộ trình đăng ký với tỉnh thực hiện Đề án, đến hết năm 2025, huyện sản xuất 1.200 ha lúa chất lượng cao, giai đoạn 2026 - 2030 là 27.700 ha.

Tại xã nông thôn mới Tuyên Thạnh (thị xã Kiến Tường), Phó Chủ tịch UBND xã Huỳnh Thị Xuân Đào cho biết, xã quy hoạch, đến năm 2030 sẽ có 2.582 ha với hơn 1.600 hộ tham gia thực hiện Đề án.
Xã đã được đầu tư cơ sở vật chất trước đó nhằm thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSat). Cụ thể, đường giao thông trục chính nội đồng và trạm bơm điện đã được đầu tư là điều kiện thuận lợi để người dân tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân trong vùng dễ dàng tiếp cận và thay đổi tập quán sản xuất.
Vụ Đông Xuân vừa qua, xã thí điểm trên 10 ha với 5 hộ tham gia. Thực hiện theo các quy trình khi tham gia Đề án, lúa phát triển tốt, người dân rất phấn khởi. Năng suất lúa đạt 8-9 tấn/ha.

Bà Huỳnh Thị Xuân Đào cho biết thêm, những người dân tham gia thí điểm đề án sẵn sàng thay đổi thói quen canh tác truyền thống, họ nhận thức được nhiều mặt được khi áp dụng sản xuất theo các quy trình đề án, nhiều người đã có kinh nghiệm từ khi thực hiện ự án VnSat. Điểm chung của 2 đề án và dự án này là hướng tới sản xuất lúa theo hướng xanh, bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo tại Ðồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Long An về tiến độ triển khai Đề án cho biết, các ngành chức năng đã rà soát hiện trạng hạ tầng kỹ thuật của từng ô đê bao, từng vùng để đề xuất đầu tư hình thành ô đê bao vững chắc bảo vệ sản xuất giúp ngăn lũ, ngăn mặn; đảm bảo tưới tiêu theo quy trình; phục vụ lưu thông hàng hóa và vận chuyển nông sản theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Để thay đổi thói quen canh tác của người dân
Tại Long An, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Ðề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Theo đó, giai đoạn 1 (2024-2025), sẽ tập trung thực hiện đạt 60.000 ha diện tích canh tác lúa thuộc vùng dự án VnSat và vùng lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Giai đoạn 2 (2026-2030), tiếp tục mở rộng để đạt 125.000 ha tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường (62 xã) với khoảng 50.800 hộ tham gia.
Theo đó, các địa phương đang tiếp tục thực hiện gieo sạ trên các diện tích đã đặt ra. Trong năm 2025, nông dân thực hiện mô hình sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí san phẳng sạ thưa, nhằm giảm lượng giống 70-80 kg/ha; hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hỗ trợ thiết bị theo dõi cảm biến mực nước áp dụng tưới ướt, khô xen kẽ (AWD)…; thu gom rơm khỏi đồng ruộng để làm thức ăn gia súc, làm nấm rơm, ủ gốc cây vừa giữ ẩm, khống chế cỏ dại và bổ sung nguồn hữu cơ cho đất từ rơm.
Ngành chức năng và địa phương cũng quan tâm tổ chức lại sản xuất: Liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ; củng cố nâng cao năng lực hợp tác xã hợp tác xã; hỗ trợ nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có và hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông nội đồng để chủ động tưới, tiêu.
Sở Nông nghiệp và Môi trường theo dõi các chỉ tiêu để so sánh với mục tiêu kế hoạch: Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận; lượng giống gieo sạ; lượng phân bón sử dụng; số lần phun, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; số lần và thời gian rút nước; thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng…
Bên cạnh những lợi thế đã có như có vùng quy hoạch sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, Long An cũng đã thực hiện Dự án VnSAT giai đoạn 2016-2022, địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết, chưa có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ thực hiện đề án. Diện tích đất trồng lúa Long An đa số là vùng phèn, trũng, một số diện tích ở các xã biên giới có cơ cấu đất pha cát nên gặp khó khăn trong việc áp dụng triệt để quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (về mật độ sạ, rút nước theo quy trình, thay đổi thói quen canh tác truyền thống).
Cơ giới hóa trong nông nghiệp của tỉnh chưa đồng bộ ở tất cả các khâu, hoạt động dịch vụ trong khâu gieo sạ hàng, kết hợp vùi phân, thu gom rơm rạ, dịch vụ bảo vệ thực vật… còn thiếu so với diện tích sản xuất.
Về việc sử dụng rơm, người dân đã hạn chế việc đốt đồng, thực hiện thu gom và tái sử dụng. Tuy nhiên, việc đảm bảo mục tiêu 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng rất khó thực hiện vì trên địa bàn tỉnh nhu cầu sử dụng rơm không nhiều và vào vụ Hè thu thời tiết mưa gần như không thể thu gom rơm.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiện vẫn còn thấp. Khả năng đảm bảo kinh phí đầu tư của tỉnh còn hạn chế để đầu tư nạo vét hệ thống kênh mương khi bị bồi lắng và đầu tư các trạm bơm, cống để khép kín các bờ bao, nhất là khu vực Đồng Tháp Mười, vùng triển khai Đề án.
Nông dân cũng chưa sẵn sàng thay đổi thói quen canh tác, vẫn còn lạm dụng vật tư đầu vào như giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nước tưới... gây lãng phí, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính.
“Đối với việc giảm giống: Do đặc điểm sinh thái từng vùng, bằng nhiều giải pháp, những diện tích gieo sạ với lượng giống >150 kg/ ha đã giảm mạnh, đa số diện tích gieo sạ từ 100-120 kg/ ha, tuy nhiên để giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống <70 kg/ ha trong vùng thực hiện đề án theo mục tiêu đề ra, cần được quan tâm, tập trung nhiều giải pháp để thay đổi thói quen canh tác của người dân”, bà Đinh Thị Phương Khanh cho hay.
Đức Hạnh