Vụ lúa Hè Thu 2025, tỉnh Trà Vinh có 37 hợp tác xã đăng ký trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải theo Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" trên tổng diện tích hơn 5.121 ha. Đây là vụ sản xuất thứ 3 liên tiếp tỉnh Trà Vinh tham gia đề án và cả 3 vụ đều mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Cụ thể, huyện Càng Long có 4 hợp tác xã đăng ký gần 483 ha, huyện Cầu Kè có 5 hợp tác xã đăng ký 733 ha, huyện Tiểu Cần có 5 hợp tác xã đăng ký 620 ha, huyện Châu Thành có 8 hợp tác xã với 1.063 ha, huyện Trà Cú có 8 hợp tác xã với hơn 1.808 ha và huyện Cầu Ngang có 7 hợp tác xã gieo trồng hơn 414 ha.
Vụ Hè Thu năm nay, tỉnh có kế hoạch gieo trồng 67.500 ha, được chia thành 2 đợt xuống giống. Đợt 1 từ ngày 1-25/4, xuống giống 10.665 ha, gồm các huyện: Càng Long 8.835 ha, Cầu Kè 450 ha, Tiểu Cần 400 ha, Châu Thành 980 ha. Đợt 2 xuống giống từ ngày 5-31/5, diện tích 56.835 ha, gồm các huyện: Cầu Kè 6.800 ha, Tiểu Cần 9.650 ha, Châu Thành 13.170 ha, Trà Cú 14.180 ha, Cầu Ngang 9.450 ha, Duyên Hải 2.685 ha, thị xã Duyên Hải 180 ha và thành phố Trà Vinh 720 ha.
Vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, tỉnh Trà Vinh có 16 hợp tác xã tham gia Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", gieo trồng 883,72 ha, vượt 20.88% kế hoạch; trong đó, 2 mô hình điểm do Trung ương triển khai tại 2 hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài và Phước Hảo (huyện Châu Thành) gần 100 ha, còn lại là huyện Càng Long gần 70 ha, huyện Cầu Kè trên 105 ha, huyện Tiểu Cần 210 ha, huyện Châu Thành 215 ha, huyện Cầu Ngang 70 ha và huyện Trà Cú 115 ha.
Đến nay, các hợp tác xã đã thu hoạch dứt điểm với năng suất bình quân từ 7-7,5 tấn/ha. Trong mô hình, chi phí giảm ít nhất 15% so với ngoài mô hình, lợi nhuận cao hơn khoảng 30%.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đậm, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài tham gia đề án liên tiếp 3 vụ trên diện tích 4 ha, sử dụng giống OM 5451. Vụ Đông Xuân 2024-2025, ruộng lúa của gia đình ông bị chuột cắn phá nên năng suất chỉ đạt hơn 7 tấn/ha, thấp hơn năng suất bình quân của hợp tác xã. Nhưng bù lại, so với ngoài mô hình, chi phí sản xuất giảm khoảng 30% nhờ giảm lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, hợp tác xã còn thu mua lúa thương phẩm với giá 7.200 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với giá thị trường, nên gia đình ông vẫn đạt lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha, cao hơn 5 triệu đồng/ha so với tập quán canh tác cũ khi chưa tham gia đề án.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, vụ Đông Xuân 2024-2025 là vụ sản xuất thứ 3 liên tiếp tỉnh Trà Vinh tham gia đề án và cả 3 vụ đều mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Mô hình giảm lượng giống sử dụng khoảng 60% (giảm 90-100kg/ha so tập quán canh tác trước đây), giảm phân bón hoá học 20-30% và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 2 lần/vụ nên chi phí sản xuất trong mô hình giảm từ 3- 4 triệu đồng/ha. Năng suất lúa trong mô hình đạt 6,7-7,5 tấn/ha, tăng khoảng 5-7% so với ngoài mô hình. Vì vậy, nông dân tham gia mô hình đạt lợi nhuận tăng thêm từ 20-30% (tương đương tăng 6,5-7,8 triệu đồng/ha). Đặc biệt, mô hình giảm lượng khí phát thải 40-50% so với tập quán canh tác cũ, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển theo hướng bền vững.
Đây là mô hình canh tác mới, không chỉ góp phần cải thiện thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều quan trọng hơn là người dân đang dần thay đổi tư duy, nhận thức về việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, mạnh dạn áp dụng phương thức canh tác mới, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo kế hoạch, năm 2025, tỉnh Trà Vinh có 10.550 ha diện tích áp dụng quy trình canh tác của đề án; đến cuối năm 2030 là 30.736 ha.